Tết ông Công ông Táo - nét văn hóa người Việt
Tết ông Công, ông Táo từ lâu đã trở thành phong tục, một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tiễn ông Táo về chầu trời, người dân gửi gắm nhiều điều ước vọng đón một năm mới bình an, hạnh phúc.
Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp hàng năm, bà Phạm Thị Bằng, tổ dân phố 1, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ lại cùng con cháu chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo sao cho thật tươm tất. Với gia đình bà Bằng, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không quá cầu kỳ nhưng được chuẩn bị chu đáo, trang trọng, thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Qua đó, cũng gửi gắm mong muốn một năm mới bình an, sức khỏe cho cả gia đình.
Nhu cầu mua sắm các vật phẩm “tiễn ông Táo về trời” của người dân tăng cao. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng bán đồ lễ, nhiều mặt hàng phục vụ ngày lễ được chuẩn bị cẩn thận, đa dạng chủng loại và giá cả hợp lý. Cùng với hoa, quả, bộ đồ ông Công, ông Táo thì cá chép là lễ vật không thể thiếu khi làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Ai cũng tìm mua những con cá chép khỏe nhất, ưng ý nhất mang về làm lễ cúng. Theo các tiểu thương, giá cá chép không biến động so với mọi năm, dao động từ 5.000 - 15.000 đồng/con.
Tết ông Công, ông Táo với tục lệ phóng sinh cá chép là một trong những nét đẹp văn hóa và sẽ ý nghĩa hơn khi được thực hiện đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, gìn giữ những nét đẹp của Tết Việt.
Với thông điệp “Chỉ thả cá - không thả túi nilon”, ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, hàng chục em học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh đã cùng với đoàn viên thanh niên phường Mường Thanh tổ chức hỗ trợ người dân thả cá chép, nhắc nhở người dân không thả túi nilon, tro, chân nhang xuống sông Nậm Rốm; đồng thời thu gom rác thải để tránh gây ô nhiễm môi trường.
Không ai biết chính xác tục lệ cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng trải qua nhiều thế hệ, nét đẹp văn hóa ngày Tết ông Công, ông Táo vẫn vẹn nguyên bản sắc và luôn được cộng đồng người Việt trân trọng, giữ gìn. Từ ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh, ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời năm nay đã phát huy đúng nghĩa, vừa gìn giữ nét văn hóa cổ truyền độc đáo của dân tộc Việt Nam, vừa tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.