Tết quê đầu tiên sau 5 năm biền biệt đón tết chiến trường

Tôi đi phép từ chiến trường K về quê ăn Tết sau 5 năm xa nhà bằn bặt. Bằn bặt, bước chân tôi đi cùng đồng đội từ thuở binh nhì ở Thanh Hóa, rồi vào Sài Gòn, ra biên giới Tây Nam, sang chiến trường Campuchia, rồi trở thành sĩ quan thì cũng trôi bẵng đi 5 năm tuổi thanh xuân. Nhưng tại sao đất nước thống nhất từ ngày 30/4/1975, mà sau 5 năm mới được về nhà?

1. Là vì chúng tôi nhập ngũ vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh, thì các năm sau đó cái suất đi phép về nhà sum họp phải dành cho những sĩ quan lâu năm, hoặc “thượng sĩ Đông Dương”… đánh nhau liên miên ở chiến trường, có người xa nhà tới 10 năm. Lính tráng chưa hết nghĩa vụ chưa đến lượt đi phép, nhưng chưa kịp ra quân thì năm 1977 chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, tình hình bắt đầu căng thẳng, sang năm 1978 thì khốc liệt vô cùng, chiến tranh cuốn chúng tôi đi chẳng được về nhà.

Không chỉ mình tôi, mà còn vài chục người cùng làng, mấy trăm người cùng huyện nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị, cùng tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và sang chiến trường Campuchia cũng trên hành trình gió lốc ấy.

Cảnh tàu xe ngày Tết thời bao cấp.

Cảnh tàu xe ngày Tết thời bao cấp.

Được về phép vào đúng dịp Tết Nguyên Đán sau một năm ở chiến trường K thì không mấy người được cái may mắn ấy. Ngồi trên thùng xe tải về nước, chúng tôi náo nức chỉ mong nhanh nhanh đến cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. Lúc chuyện trò nổ như pháo rang, lúc trầm lắng và buồn vui lẫn lộn. Chả biết sao, lúc đó tôi hỏi cả bọn trên xe:

“Về đến nhà, việc đầu tiên chúng mày làm gì?”.

Đứa thì nói:

“Tao sẽ hét toáng lên ở cổng: U ơi!... ơi… Con đã về!”.

Đứa lại bảo:

“Tao thì cứ về đến đầu làng, gặp đứa con gái nào đầu tiên, là hôm sau tao bảo thầy u tao đến hỏi vợ cho tao”.

Có đứa diễn đạt ề à:

“Tao sẽ xuống tàu ở ga Ninh Bình, tạt vào Trường Trung cấp Tài chính ở Kì Vĩ lấy xe đạp của em gái phóng về nhà. Nhân tiện xem mặt con bé cùng học với em tao, nó viết thư cứ khen con bé ấy xinh xắn và ngoan hiền”.

Một đứa cắt lời:

“Nó đang hỏi về đến nhà, việc đầu tiên mày làm gì, thì lại bảo đi xem mặt gái xinh cách nhà mấy chục cây số”.

Cả bọn cười ầm lên. Rồi có một đứa trầm ngâm nói:

“Tao sẽ tạt vào nghĩa địa ở đầu làng trước đã. Tao ngồi bên mộ u tao. Mộ u tao không biết đã xanh cỏ chưa?”.

Cả bọn lặng im. Một không khí buồn thoáng trên xe. Chúng tôi trầm hẳn, chùng lại, nghĩ mình được về quê, vui thì vui thật nhưng lại buồn vì đi cùng đợt đứa bị thương, đứa không bao giờ được về với mẹ, đứa vẫn còn đang đánh nhau Udon, ở Battambang, ở Poipet...

Bất chợt tôi bảo:

“Thế chúng mày không hình dung ra về đến nhà là buổi tối, hay buổi sáng, hay buổi trưa, hay nửa đêm a?”.

Xe lại ồn ào. Ồ. À. Mấy anh sĩ quan thời chống Mỹ đi phép các đợt trước, quay lại chiến trường K kể, bên nước mình kinh tế khó khăn, vật vã tàu xe mấy ngày mới ra đến Bắc. Nhưng, khó khăn thì kệ khó khăn, về lúc nửa đêm hay buổi sáng cũng được, miễn là nhanh nhanh về nhà.

Xe dừng lại ở cửa khẩu Mộc Bài trình giấy tờ. Quan cũng như lính phải trình giấy tờ hết, không giấy công tác thì cũng giấy đi phép. Kiểm soát quân sự bên mình và nước bạn đeo băng đỏ yêu cầu tất cả chúng tôi xuống xe. Gọi là kiểm tra quân tư trang, nhưng thực ra là khám xe, khám người. Xe nào cũng khám, người nào cũng khám. Đó là quy định bắt buộc. Đã là quân nhân thì phải chấp hành 12 điều kỉ luật của quân đội, trong đó có điều thứ nhất: “Không lấy cái kim sợi chỉ của dân”.

Dân ở đây là dân Khmer nước bạn nên kỉ luật dân vận càng nghiêm khắc. Vẫn biết là cán bộ chiến sĩ tự giác chấp hành, trong vườn hoang xoài, vú sữa lúc lỉu, thốt nốt đã đến lúc ngọt nước…, nhưng hầu như không ai dám động đến một quả. Chỉ đến khi chính quyền nước bạn cho phép thu hái tại chỗ thì lính tráng chúng tôi mới dám bứt ăn. Quân lệnh như sơn, đơn vị tôi có thằng anh nuôi lấy hai hộp kem đánh răng Hynos có in ảnh anh thanh niên da đen răng trắng nhởn giấu trong ba lô, kiểm tra quân tư trang hàng tuần bị phát hiện mà bị đứng trước hàng quân tước quân tịch đưa về nước, giao cho địa phương. Thằng nào cũng sợ xanh mắt, tự giác vẫn phải phòng ngừa, cảnh giác, kiên quyết ngăn chặn vi phạm kỉ luật dân vận. Cho nên, về đến tận cửa khẩu Mộc Bài mà vẫn phải mở nắp ba lô, túi cóc, quần áo, võng… lấy ra chờ kiểm tra.

Xe ô tô cũng được kiểm tra thật kĩ. Đoàn chúng tôi, đứa nào sĩ quan kè kè khẩu súng ngắn K54 kèm theo đạn, thì đều có giấy phép. Rất may, chẳng có đứa nào mang lựu đạn mỏ vịt phòng thân theo người. Vàng, bạc, hay thuốc lá Smit-N*14 càng không có đứa nào mang theo…, chứ bị lập biên bản, rồi giữ lại xe và người thì rầy rà to.

2. Vật vã ba ngày trên tàu thống nhất Bắc - Nam, cuối cùng chúng tôi cũng ra Bắc. Có đứa xuống ga Vinh, hoặc ga Thanh Hóa, có đứa xuống ga Nam Định hoặc xuống ga Hà Nội cuối cùng. Khi gần đến ga Gành, chẳng hiểu sao tàu thở hồng hộc, chạy rất chậm, chắc là tàu tránh nhau hay đầu máy hơi nước trục trặc. Tôi và mấy anh em Ninh Bình tống ba lô qua cửa sổ tàu rồi nhao nhao nhảy xuống. Nhảy xuống rồi đi bộ về nhà, đứa ngắn được cũng bốn, năm cây số; tôi và anh Thúy phải khoác ba lô cuốc bộ 12 cây số, về đến đầu làng thì cũng 10 giờ đêm. Trước khi rẽ về nhà, anh Thúy bảo tôi:

“Mày không được nói ngay với ai là tao về phép nhé”.

“Ủa. Sao vậy? Em tưởng là phải hét toáng lên để cho cả xóm đến mừng chứ”.

“Không. Tao sẽ lặng lẽ về nhà ôm vợ ngủ đêm nay, cả ngày mai cũng đóng cửa ôm nhau ngủ. Ngày kia tính sau”.

Thì ra, việc đầu tiên về nhà của anh Thúy là… ôm vợ ngủ. Cái điều mà anh khao khát, chứa chất trong lòng bao nhiêu tháng năm trận mạc ở biên giới Tây Nam, ở chiến trường K, rồi cả khi tạm buông tay súng trở về anh không nói ra, để bây giờ vỡ òa, thành hiện thực.

Tôi bước vào ngõ nhà mình. Không như cái đứa đi cùng xe hét toáng lên: “U ơi!... ơi… Con đã về!”. Đêm quê nhà thanh vắng, tôi nhìn lên cây ổi nhà mình. Cây ổi được mẹ tôi đeo khăn tang cho nó lúc ông nội tôi mất. Vẫn thế, cây ổi không lớn thêm tí nào và cũng không già đi, dù 5 năm đã qua nó không già hơn được nữa. Nó cỗi rồi. Cỗi nhưng vẫn chắt chiu dinh dưỡng mỗi mùa ổi ra hoa kết được vài chục quả cho bọn trẻ con chúng tôi trèo hái. Cha tôi không nỡ chặt bởi thời ấu thơ cha tôi cũng từng trèo hái. Tôi ngồi xuống cầu ao như ngày nào chưa nhập ngũ vẫn ngồi nghe tiếng cá quẫy. Đêm ấy, cá không quẫy và mặt nước mùa đông im lìm.

Cái cầu ao tôi vẫn ngồi câu cá, ngồi nhìn trăng soi bóng nước. Tôi bước vào sân nhà mình, tôi thả gầu xuống giếng khơi múc nước rửa mặt. Nước lạnh làm tôi tỉnh táo hẳn ra, kéo tôi thoát ra khỏi cơn mộng mị đi như mê trong vườn nhà mình. Tôi vẫn khoác ba lô, và ngồi thừ ra ở hiên nhà mình. Vậy là tôi đã đi từ nhà rong ruổi từ Bắc vào Nam, ra chiến trường xa bằn bặt gần 2.000 ngày, rồi lại trở về nơi tôi đã ra đi. Vẹn nguyên, không hề sướt sát.

Trong nhà mẹ tôi ho húng hắng, rồi cất tiếng gọi với sang giường bên kia:

“Ông ơi! Hình như thằng San nó về”.

Tiếng dát giường kêu, và cha tôi bật công tắc điện. Đến nước này thì tôi bật kêu lên: “Thầy ơi! U ơi! Con đã trở về”… từ hiên nhà mình. Cửa mở, tôi nhào vào ôm chầm lấy mẹ. Khỏi phải nói nỗi vui mừng của thầy u tôi được thấy đứa con lành lặn trở về. Dạo ấy, cả nước vẫn còn đốt pháo đón xuân, đứa cháu tôi đang học cấp 3 vào cót thóc moi bánh pháo mua để dành lúc giao thừa đem ra đốt mừng chú trở về. Cha tôi bảo: “Nhà mình bom đạn tránh người. Mừng thì mừng thật, nhưng phải lặng lẽ ý tứ với hàng xóm có người ra trận không về, cháu ạ”. Anh cả tôi quát con: “Ông nói rồi. Cất ngay đi. Có biết bây giờ là nửa đêm không? Có biết đằng sau nhà mình, chú Đang nhà bà Hiệp mới báo tử không?”. Chú Đang ít hơn tôi vài tuổi, lúc còn bé ở nhà vẫn chơi khăng đánh cù, đi mò cua bắt cá cùng nhau. Chú nhập ngũ sau tôi, vào chiến trường K được vài tháng thì chú hy sinh.

Những ngày áp Tết, tôi đạp xe rong ruổi trên đường đem thư của những đứa cùng đơn vị không được về ăn Tết đưa đến tận nhà, và đến thăm bố mẹ mấy đứa cùng đơn vị hi sinh. Đêm về, nằm trằn trọc không ngủ nghe tiếng gầu sòng bì bọp đổ nước tát ao bắt cá ăn Tết. Lại nhớ tiếng sóng vỗ trên sông Bassac, và cái bãi bồi ở ngoại ô Phnom Penh có trận địa pháo anh Hậu con bác họ tôi làm pháo thủ số 2 hy sinh trong một đêm bọn tàn quân Pol Pot tập kích…

Ngoảnh đi ngoảnh lại thì ngày cuối năm đã đến. Tôi đi chợ Bút sắm Tết cùng với mẹ và chị dâu. Đang lúi húi chọn lá dong mua về nấu bánh chưng thì lại gặp bà Thuyết, chồng bà làm lò rèn. Nước mắt chảy dài, bà lại hỏi tôi: “Lúc đi thì có anh có em. Lúc về, sao anh không dẫn em nó cùng về?. “Em nó” là thằng Thạch sinh sau tôi một năm. Chán quai búa cho bố rèn dao kéo cuốc xẻng, nó khai tăng tuổi và nhét hai hòn đá vào hai túi quần, còn uống nước lã no bụng mới đủ cân nhập ngũ. Thạch ở đại đội công binh, đơn vị nó đi truy quét tàn quân Pol Pot, bị phục kích và hi sinh. Đây là lần thứ hai gặp bà, và vẫn câu hỏi lần trước: “Sao anh không dẫn em nó cùng về?” mà tôi không trả lời nổi.

Đêm Giao thừa năm ấy.

Tôi cầm đèn pin và đồ lễ, cha tôi xách đèn chai ra miếu đầu thôn lễ thổ thần. Lúc trở về nhà thì cũng đến khoảnh khắc chuyển giao năm cũ - mới đúng lúc mưa xuân lây phây rắc bụi. Cây trong vườn nhà ướt lấp loáng bắt ánh đèn. Cả nhà tôi xôn xao, cả làng tôi xôn xao đón mùa xuân mới về. Có tiếng mở đài cọt kẹt, giọng hát da diết vang lên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên.../ Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Người mẹ nhìn đàn con nay đã về”. Tôi quay lại bảo đứa cháu đang cầm cái radio, mặt mày hớn hở: “Mở đài nhỏ thôi cháu ạ”. Tôi cảm thấy lòng man mác, rồi bâng khuâng, rồi lại nôn nao buồn vui, bao nhiêu trạng thái cảm xúc chợt đến thoắt đi.

Từ đó, bao nhiêu năm tôi ăn Tết ở quê nhà, ở thành phố, nhưng chưa bao giờ ám ảnh như cái Tết đầu tiên từ chiến trường ra.

Nguyễn Yên Mô

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/tet-que-dau-tien-sau-5-nam-bien-biet-don-tet-chien-truong-i721061/