Tết thầy cũng muốn nghỉ ngơi, vậy sao lại giao bài tập cho trò?

Tết, thầy cô cũng muốn vui chơi, thăm thú người thân, anh em nội ngoại của mình thì cớ gì lại giao bài tập cho học trò của mình làm gì cho khổ cả thầy và trò?

Cứ gần vào dịp Tết Nguyên đán, trên một số tờ báo lại có một số bài viết phản ánh, hoặc ý kiến của phụ huynh lên tiếng về việc giáo viên giao bài tập Tết cho học trò. Như vậy, vẫn có tình trạng giáo viên giao bài tập Tết nhưng có lẽ số lượng này rất ít bởi tâm lý chung của giáo viên là không giao bài tập cho học trò, nhất là giáo viên cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Gần 20 năm giảng dạy môn Ngữ văn ở cấp Trung học phổ thông (trước đây) và cấp Trung học cơ sở (hiện nay), bản thân tôi chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học trò- kể cả học sinh lớp cuối cấp bởi lẽ giản đơn Tết thầy cũng muốn nghỉ ngơi thì sao lại giao việc cho trò.

Hơn nữa, trong tất cả các văn bản, kế hoạch giáo dục hiện nay của các cấp quản lý, không có văn bản nào, kế hoạch nào yêu cầu giáo viên giao bài tập Tết cho học trò. Vì thế, việc giáo viên giao bài tập cho học sinh vào dịp Tết Nguyên đán là một việc làm không cần thiết, gây áp lực cho học trò.

Ảnh minh họa: vtv.vn

Ảnh minh họa: vtv.vn

Hãy để học trò đón Xuân trọn vẹn bên gia đình

Tính đến thời điểm này, đa phần các địa phương đã có lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 và ban hành đến các nhà trường. Địa phương cho học sinh nghỉ Tết ít ngày nhất là Bắc Giang (7 ngày).

Một số tỉnh cũng cho học sinh nghỉ tết dưới 10 ngày như Nam Định (9 ngày), Hà Nội (8 ngày). Còn lại phần lớn các địa phương đã công bố lịch nghỉ tết Nguyên đán đều cho học sinh nghỉ trên 10 ngày, có nơi cho nghỉ 15 - 16 ngày như An Giang, Kiên Giang...

Thời gian nghỉ Tết thực sự rất cần thiết đối với mỗi học trò bởi đây không chỉ là quãng thời gian nghỉ ngơi sau suốt một học kỳ căng thẳng, áp lực mà đây còn là dịp các em được bên cạnh gia đình, người thân đủ đầy nhất trong năm để tham gia một số hoạt động vui chơi, thăm viếng người thân, họ tộc của mình.

Nhìn lại suốt cả học kỳ I vừa qua, học sinh bắt đầu tựu trường từ đầu tháng 9 và bước vào thực học vào ngày 5/9 cho hết học kỳ chỉ có dịp lễ Quốc khánh và Tết Dương lịch nhưng dịp lễ Quốc khánh lại rơi vào tuần tựu trường.

Vì thế, thực tế học sinh mới được nghỉ lễ 1 ngày. Dù hằng tuần, học sinh được nghỉ ngày nghỉ Chủ nhật nhưng thực tế phần lớn học sinh đang phải học thêm ở nhà thầy cô giáo.

Vậy nên, phần lớn học sinh khá áp lực ở học kỳ I. Việc được nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để các em nghỉ ngơi và đây cũng là dịp lý tưởng để các em hướng về nguồn cội của mình.

Bởi, một số em có cha mẹ lập nghiệp xa quê thì các em có dịp về quê; những em sinh sống tại địa phương cũng cần có thời gian bên người thân nội, ngoại, với những anh em ở xa trở về.

Việc giáo viên giao bài tập thực sự không cần thiết và nó cũng chẳng có tác dụng nhiều. Một số giáo viên và phụ huynh vẫn luôn sợ học sinh nghỉ lâu ngày sẽ quên kiến thức, sợ các em mải mê bên màn hình điện thoại.

Tuy nhiên, nghỉ trên dưới 10 ngày thì có gì đâu mà quên kiến thức. Việc sử dụng điện thoại nhiều hay ít là do phụ huynh quản lý. Nếu biết cách thu hút các em vào các hoạt động gia đình, thăm thú người thân thì các em đâu còn thời gian sa vào các trò chơi trên điện thoại. Vì vậy, những lo lắng này không thực sự cần thiết.

Gần 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ giao bài tập Tết cho học trò

Thời còn đi học phổ thông, thậm chí là học đại học, điều tôi và bạn bè thường áp lực nhất là một số bài tập thầy cô giao, hoặc một số môn chưa thi học phần bởi vừa nghỉ Tết, vừa phải lo chuyện bài tập, ôn thi nên khá mệt mỏi, áp lực.

Kể từ khi đi dạy cho đến nay, tôi rất chú trọng quãng thời gian học tập trên lớp của học trò. Những bài tập trong sách giáo khoa, thầy và trò cố gắng giải hết, hoặc làm gần hết để về nhà bớt đi việc làm bài tập. Việc học ở nhà, chuẩn bị bài trước, bản thân tôi chỉ định hướng cho trò, không quá nặng nề công việc này.

Bởi lẽ, việc giao học sinh chuẩn bị bài trước phần lớn là học sinh chưa học thì làm sao các em biết mà chuẩn bị nên đa phần các em lên mạng internet chép đối phó với giáo viên.

Dịp Tết, cũng là lúc học sinh vừa hoàn thành kiểm tra cuối kỳ I được một vài tuần, cũng đâu có nhiều bài tập nên tôi không bao giờ giao bài tập Tết cho học trò. Bản thân tôi quan niệm, thầy cũng muốn nghỉ ngơi, muốn sum vầy bên gia đình thì cớ gì lại giao bài tập cho học trò, làm khổ học trò của mình.

Hãy để các em vui chơi thoải mái sau một học kỳ căng thẳng. Qua Tết, khi vào học chính thức thì thầy trò lại tiếp tục học tập bình thường.

Vài bài tập dịp Tết chẳng giải quyết được vấn đề gì mà chắc gì học sinh đã làm bởi học sinh có muôn vàn lý do khác nhau để các em không thực hiện. Nếu học sinh không làm, giáo viên cũng có làm gì được các em đâu. Quở trách, la mắng những em không làm thì không được phép mà lại mất đi sự vui vẻ đầu năm của cả thầy và trò.

Bởi vậy, không giao bài tập là thượng sách cho cả thầy và trò. Không chỉ bản thân tôi mà gần như giáo viên trong các đơn vị mà bản thân tôi đã cùng công tác cũng không giao bài tập cho học trò vào dịp Tết.

Ngay cả con trai tôi năm nay đang học tại một trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh nhưng suốt từ năm lớp 1 cho đến nay cũng chẳng thấy thầy cô nào giao bài tập Tết bao giờ.

Cái gì hiệu quả, thiết thực và phù hợp thì nên làm, cái gì không hiệu quả, không phù hợp thì giáo viên không nên giao, phân công cho học trò. Tết, thầy cô cũng muốn vui chơi, thăm thú người thân, anh em nội ngoại của mình thì cớ gì lại giao bài tập cho học trò của mình làm gì cho khổ cả thầy và trò?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tet-thay-cung-muon-nghi-ngoi-vay-sao-lai-giao-bai-tap-cho-tro-post240609.gd