Tết thời Covid-19

Hà Nội những ngày cuối năm, phố xá đông đúc, nhộn nhịp, nhưng không có cảnh tắc đường, kẹt xe như những năm trước khi Covid-19 xuất hiện. Trên đường phố lãng đãng bắt gặp những cành đào nở sớm, buộc sau xe đạp những người bán hàng hoa rong ruổi khắp phố phường; đồ mã cúng ông Công, ông Táo cũng được một vài các bà, các chị mua sớm, treo lủng lẳng bên xe máy báo hiệu một cái Tết đang tới gần: Tết thứ ba mùa Covid-19!

Tết luôn là quãng thời gian được chờ đợi nhất trong năm. Người ta đợi đến Tết để nhìn lại, để ước mong và hy vọng vào những điều tốt đẹp. Người ta đợi đến Tết, để thưởng cho mình quãng thời gian dài nghỉ ngơi, để sống chậm, để cảm nhận và chia sẻ yêu thương. Ngày Tết, người ta sẵn sàng cao thượng, vị tha cho nhau; sẵn sàng mở lòng đón nhận những cái mới và hấp thụ, dung nạp nó dễ dàng...

Covid-19 xuất hiện làm đảo lộn, thay đổi nhiều thói quen, nếp sống ngày Tết. Nhưng có một điều không thay đổi được, đó là văn hóa tâm linh của người Việt với ông, bà, tổ tiên mỗi dịp năm hết, Tết về.

Các cụ ta có câu: "Sống vì mồ vì mả chứ ai sống bằng bát cơm". Hiểu theo nghĩa tích cực, là thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "Cây có gốc mới nở cành xanh lá, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu". Cuối năm, là dịp để nhiều gia đình bố trí thời gian, tranh thủ cùng nhau về quê, ra nghĩa trang thăm mộ, thắp hương cho người đã khuất; nếu có điều kiện thì sửa sang, tu chỉnh phần mộ cho sạch đẹp, khang trang hơn. Rồi sau đó, thì làm lễ xin thổ công, thổ địa nơi người thân an táng, mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình mình. Trước ngày lễ ông Công, ông Táo, công việc bao sái, lau chùi đồ thờ tự trên ban thờ cũng được thực hiện một cách chỉn chu, với tấm lòng thành kính. Khi mùi hương trầm phảng phất, cũng là lúc mâm ngũ quả, tiền vàng, bánh mứt kẹo... đã được bầy biện đẹp mắt trên bàn thờ của gia đình.

Tết thời Covid-19, những khó khăn về kinh tế tác động đến nhiều gia đình. Nhưng kể cả không có khó khăn, thì cái áp lực "ăn Tết" không còn là nỗi lo của nhiều bà nội trợ, do đời sống vật chất ngày một nâng lên, hàng hóa có sẵn. Người ta đợi đến sát ngày mới mua sắm những thực phẩm, vật dụng cần thiết. Mùng hai là có chợ rồi, tích nhiều làm gì - những bà nội trợ bảo nhau như vậy! Có lẽ cũng vì thế, mà giờ đây, những ngày giáp Tết, thấy ít người hỏi thăm nhau một câu cửa miệng: "Tết này đã sắm sửa được gì chưa?". Không khí những ngày giáp Tết, càng ngày càng giảm đi sự chờ mong, náo nhiệt như trước kia.

Tết là đoàn viên, sum vầy, xuất hành, chọn hướng đẹp để du xuân may mắn... Nhưng cái hướng đẹp nhất vẫn là cái đích đến muôn thủa: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy". Câu thành ngữ dân gian đã gắn với văn hóa của người Việt ngàn đời này. Nó cũng là lịch trình đi lại, thăm hỏi, chúc Tết của nhiều gia đình duy trì nếp sống cũ ở Thủ đô. Tết là dịp để những người con ở xa trở về; là thời gian thuận lợi để về thăm ông bà, chú bác; là dịp gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Nhưng vì Covid-19, người ta cũng hạn chế đi lại, đến thăm nhà nhau hơn. Chỉ đi lại, chúc tết trong một phạm vi hẹp, chủ yếu là trong qui mô gia đình nhỏ. Những cuộc điện thoại hỏi thăm, những lời nhắn tin chúc tụng nhân dịp xuân về phần nào cũng tạo ra sự gắn kết để mọi người không quên nhau trong ngày Tết.

Tết thời 4.0, với những người có lối sống phóng khoáng, đây là thời điểm cho những chuyến đi xa. Những tour du lịch, những combo nhà nghỉ, khách sạn giá rẻ đã được lên lịch từ trước cho những ngày Tết, nhất là với những người trẻ, không phải gò bó bởi phong tục cúng cơm cho ông bà, tổ tiên; không bị gò bó bởi gia đình, con cái... Họ khóa cửa, khoác ba lô và đi, chẳng lo phải ở nhà tiếp khách, chẳng cần phải đến nhà người này, người nọ để chúc tụng. Covid-19 bùng phát từng đợt dịch mới liên tiếp xuất hiện, những chuyến đi giờ cũng phải cân nhắc: bỏ, di dời sang ngày khác là sự lựa chọn an toàn. Với người có "hoa chân", không chịu ngồi yên ở nhà, Tết thời Covid-19 là quãng thời gian chờ đợi, họ đợi chờ cho hết Tết để được đi làm, để được quay với guồng quay mới của nhịp sống đời thường.

Tết thiện nguyện là một trào lưu mới trong một xã hội nhân văn. Nó đang trở thành một nét đẹp văn hóa. Ngày Tết, những đoàn thiện nguyện mang áo ấm lên vùng cao biên giới; mang lương thực, thực phẩm phân phát cho người nghèo, với cố gắng để ai cũng có Tết, ai cũng được hưởng sự ấm no, cho dù chỉ là mấy ngày Tết thôi cũng làm họ bớt chạnh lòng, mặc cảm bị bỏ lại phía sau. Chương trình: "Tết hồng cho em" đang trở thành một tên gọi, một khái niệm mới về Tết để hưởng ứng chương trình hiến máu nhân đạo. "Hãy cho đi để nhận lại nhiều hơn" - Họ cho và nhận lại sự thanh thản về tâm hồn, để cảm thấy vui hơn vì mình đã làm được những việc có ích trong cuộc sống này...

Mùa Xuân là mùa của lễ hội, người ta du xuân, đi lễ chùa để cầu may mắn cho một năm mới thuận hòa, bình an, làm ăn phát đạt... Nhưng mùa Xuân này, có lẽ, sân đình, sân chùa sẽ bớt đi sự đông đúc, nhộn nhịp vì những qui định về giãn cách nơi công cộng. Với người quê, mùa Xuân là thời điểm tổ chức giỗ tổ các dòng họ. Đây là thời điểm nhộn nhịp, vui vẻ nhất trong năm. Nhưng với quê tôi, đã hai năm nay lễ giỗ tổ dòng họ không được tổ chức. Những người ở thành phố như gia đình chúng tôi chỉ biết hướng lòng mình về quê hương, tổ tiên để cầu xin những điều tốt đẹp đến với dòng họ, với gia đình mình.

Covid-19 kéo dài, liệu những thói quen, những phong tục, tập quán, những nét đẹp truyền thống của người Việt Nam có bị phai mờ? Covid-19 xâm nhập vào cơ thể, nhưng nó có thể xâm nhập vào văn hóa, vào tâm linh, vào những giá trị nhân bản của con người? Tôi tin rằng, những giá trị, những nét đẹp văn hóa đã hình thành từ thế hệ này sang thế hệ khác không dễ gì bị mất đi.

Đại dịch rồi sẽ đi qua để trả lại cho chúng ta những giá trị về Tết, về mùa Xuân đích thực. Mùa Xuân là mùa của hy vọng, chúng ta cùng nhau hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới Nhâm Dần 2022.

Trần Minh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tet-thoi-covid-19-325557.html