Tết trên 'cổng trời'

Cuối năm, những cơn gió rừng heo hút mang theo hơi lạnh bao trùm lên đất trời xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Theo cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ về thăm dân bản, chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp Tết cổ truyền của dân tộc La Hủ, cả những ân tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc.

Thông báo với tổ tiên một mùa bội thu

Con đường từ trụ sở UBND xã Pa Ủ lên bản Nhú Ma khúc khuỷu, dựng đứng như bậc thang đưa chúng tôi lên “cổng trời” mù sương. Nhà của ông Ly Xạ Pu, 70 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Nhú Ma nằm ở lưng chừng núi. Ngắm nhìn ngôi nhà gỗ 3 gian kiên cố, trong buồng thóc lúa đủ đầy, Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ tươi cười hỏi thăm: “Năm nay gia đình già tổ chức Tết to không vậy?”. “Cảm ơn cán bộ, năm nay nhà tôi được 40 bao thóc, nuôi được con trâu, con lợn. Con cháu về đông đủ nên mổ con lợn gần 1 tạ, gói 50 cái bánh chưng mời bà con đến vui Tết La Hủ”, ông Ly Xạ Pu phấn khởi cho biết.

Bộ đội Biên phòng giúp dân bản La Hủ làm các mô hình chăn nuôi, sản xuất.

Bộ đội Biên phòng giúp dân bản La Hủ làm các mô hình chăn nuôi, sản xuất.

Mời khách chén trà hoa vàng thơm nức, ông Ly Xạ Pu kể, người La Hủ có một hệ lịch riêng gồm 13 con giáp. Tết cổ truyền của dân tộc La Hủ thường tập trung vào nửa cuối tháng 12 dương lịch. Tuy nhiên, tùy từng gia đình mà chọn ngày đẹp để ăn Tết trong tháng. Ngày đầu tiên của năm mới, các gia đình làm một bát cơm đặt ở đầu giường để báo cáo tổ tiên và cầu nguyện năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu. Là bí thư chi bộ bản, Tết còn là dịp để ông Ly Xạ Pu giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và làm điều hay, lẽ phải.

Mấy năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, người La Hủ còn được đón Tết tập trung ở trung tâm xã Pa Ủ. Từ tối hôm trước, bà con tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ do thanh niên các bản và các cháu học sinh biểu diễn, sáng hôm sau tham gia các trò chơi dân gian. Thiếu tá Trần Hà Nam cho hay, hằng năm, ngoài việc cử cán bộ xuống bản chúc Tết bà con, đơn vị còn tổ chức Chương trình "Xuân biên cương ấm lòng dân bản". Đơn vị mổ lợn, gói bánh chưng tặng bà con trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. “Các chú bộ đội, cán bộ xã với dân bản mình gần gũi như người một nhà vậy. Ngày thường cùng đi tuần tra mốc giới, tuần tra rừng, ngày Tết thì cùng chúc cho nhau hạnh phúc, rất tình cảm”, ông Ly Xạ Pu tâm sự.

Nét đẹp cô gái La Hủ trong ngày Tết.

Nét đẹp cô gái La Hủ trong ngày Tết.

Xuân sớm trên những mái nhà đại đoàn kết

Cũng như nhiều người dân La Hủ, trước đây, ông Ly Xạ Pu chỉ biết bám vào núi để mưu sinh, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Dân tộc La Hủ được gọi là tộc “lá vàng” cũng vì trước kia họ sống du canh, du cư trong rừng, lợp lán sống tạm, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì chuyển nơi khác. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Đề án “Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” được tiến hành. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã làm nhà và nhiều công trình dân sinh rồi vận động đồng bào về sinh sống tập trung, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhà chị Phản Lê Xô, 42 tuổi, ở cuối bản Tân Biên, cùng một dãy với 20 gia đình khác. Thấy các chú bộ đội, chị Xô mừng mừng tủi tủi. Trước kia, khi chồng mất, cuộc sống của 3 mẹ con chị khốn khó đủ bề. Nhà tranh tre dột nát, nhiều đêm 3 mẹ con chị ôm nhau khóc ròng. Đúng lúc ấy, BĐBP và xã tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ mẹ con chị dựng lại căn nhà mới kiên cố. Vui hơn nữa khi ăn Tết năm nay xong, cậu con trai của chị sẽ lên đường nhập ngũ. Khoe chiếc máy cày vừa mua với giá 12 triệu đồng, chị Xô cho biết: “Ngày trước chỉ trồng lúa trên nương thôi. Từ năm 2018, được BĐBP hướng dẫn trồng lúa ruộng nước, áp dụng máy móc vào sản xuất thì năng suất tăng lên nhiều. Năm nay tôi được 30 bao thóc (hơn 1 tấn), không chỉ đủ ăn mà còn đi bán nữa”.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu thăm hỏi dân bản Nhú Ma.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu thăm hỏi dân bản Nhú Ma.

Bên cạnh việc giúp dân tổ chức sản xuất, Trung tá Đỗ Văn Đàm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết thêm: BĐBP tỉnh Lai Châu đã làm 130 căn nhà đại đoàn kết ở 5 bản của huyện Mường Tè. Những mái nhà này đã giúp đưa người dân La Hủ về sinh sống tập trung, xóa bỏ hủ tục và dần vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng việc vận động dân bản xuống núi, thay đổi tập quán canh tác không phải là dễ. Cán bộ, chiến sĩ của đồn trực tiếp ngày đêm đào mương dẫn nước, mua giống, “cầm tay chỉ việc” giúp dân bản trồng lúa hai vụ. Mới đây, anh em trong đồn còn trích lương của mình để đầu tư đường ống dẫn nước dài hơn 400m từ đầu nguồn về ruộng phục vụ nước tưới tiêu cho bà con.

Gần Đồn Biên phòng Pa Ủ chúng tôi thấy có một chuồng bò, hằng ngày được hai chiến sĩ thay nhau chăn thả. Chuyện là, năm 2016, hai bản Tân Biên và Mu Chi được triển khai mô hình nuôi bò tập trung, nhưng bà con La Hủ vốn chưa quen với cách thức chăn nuôi nên nhiều dự án không mang lại hiệu quả. Rút kinh nghiệm, đơn vị đưa về chăm sóc tập trung, đồng thời hướng dẫn bà con chăn nuôi. Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 78 con, sau gần 3 năm với sự giúp đỡ của BĐBP, đến nay đàn bò phát triển lên gần 100 con. Theo kế hoạch, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, đơn vị sẽ bàn giao điểm cho các gia đình tự chăm sóc. Với người dân La Hủ, đó là cả một gia tài quý giá... Từ dân tộc “lá vàng”, với sự giúp sức của BĐBP, người dân La Hủ ở huyện Mường Tè đang có một cuộc hồi sinh mãnh liệt.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tet-tren-cong-troi-651653