Tết trên hè phố của người dân xóm Ruộng

Dịp Tết Nguyên đán, cả xóm Ruộng không nhà nào trưng hoa trái, bánh mứt. Bắt đầu từ đêm giao thừa, mọi người đẩy xe ra đường, rong ruổi trên từng tuyến phố nhặt ve chai.

Tết không hoa trái, bánh mứt

17h chiều, bà Nguyễn Thị Phượng (62 tuổi, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) kiểm tra, treo bao tải rỗng lên 2 bên chiếc xe đạp cũ kỹ, chuẩn bị cho chuyến nhặt ve chai xuyên đêm.

Mặc cho vào thời điểm này, TP.HCM đang chìm trong không khí vui xuân, đón Tết, bà và những người dân xóm Ruộng (tổ 31A, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn tất bật với cuộc sống lặng lẽ của mình.

Xóm Ruộng bao gồm một dãy phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp, tối tăm gần như chỉ được dựng tạm bằng vải bạt và những thanh gỗ mục nát. Nơi đây là chỗ ở của khoảng 32 hộ dân chuyên nhặt ve chai, bán vé số mưu sinh.

Bà Phượng kể chuyện đi nhặt ve chai dịp Tết.

Bà Phượng kể chuyện đi nhặt ve chai dịp Tết.

Thu nhập thấp, chạy ăn từng bữa nên trước và trong Tết, cả xóm Ruộng không có một chậu hoa Tết. Những người thuê trọ tại xóm cũng không trang hoàng hoa, trái, bánh mứt. Bà Phượng chia sẻ: “Tết này, chúng tôi không trưng bông”.

“Thay vì tiền để trưng bông, chúng tôi để dành mua miếng thịt, khứa cá… ăn trong mấy ngày Tết. Ở đây, dịp Tết, chúng tôi cũng không nghỉ làm mà đi nhặt ve chai liên tục. Chúng tôi nhặt trong đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2 Tết… “, bà nói thêm.

Trong lúc bà Phượng đang đợi thời khắc hoàng hôn buông xuống để đi nhặt ve chai, bà Lê Thị Kim Hoa (64 tuổi) đã tất tả đẩy chiếc xe ba gác của mình ra đường. Ở một mình trong căn phòng trọ mục nát, ngập nước mỗi khi triều lên, bà Hoa gần như chỉ đợi trời bớt nắng là đẩy xe ra đường nhặt ve chai.

Nhắc đến mấy ngày Tết, bà chỉ cười rồi chỉ vào căn phòng trọ ẩm thấp vừa được bà dọn dẹp cho bớt bừa bộn, nói: “Tết chỉ thế thôi. Với tôi, mùng 1, mùng 2 Tết cũng bình thường như mọi ngày thôi, không có hoa trái, bánh mứt gì cả”.

Trong lúc đợi trời mát, bà Phượng dựng tạm chiếc xe đạp chất đầy những bao tải vào góc tường rồi ngồi trò chuyện với người cùng nghề.

Trong lúc đợi trời mát, bà Phượng dựng tạm chiếc xe đạp chất đầy những bao tải vào góc tường rồi ngồi trò chuyện với người cùng nghề.

“Ở đây không ai gói bánh Tết, chỉ có đi nhặt ve chai thôi. Khi đi nhặt như thế, mạnh thường quân thương họ cho bánh trái, mứt Tết… thì trong nhà mới có bánh mứt ăn ngày Tết thôi”.

Cách căn phòng trọ tồi tàn của bà Hoa là nơi ở tạm bợ của ông lão 83 tuổi mưu sinh bằng việc ăn xin. Không con cháu, không nghề nghiệp, cao tuổi, bệnh tật triền miên, ông đành trông chờ vào tình thương của người đời.

Những ngày Tết, sau khi đi xin về, ông lại bật chiếc radio cũ kỹ được người ta cho nghe nhạc xuân. Tiền xin được, ông dành dụm để đóng tiền phòng. Ông chỉ dám ăn những bánh trái được mọi người tặng và tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Đón Tết trên hè phố

Trong khi đó, bà Hoa đã tất tả đẩy xe ba gác ra đường, bắt đầu chuyến nhặt ve chai trong những ngày Tết.

Trong khi đó, bà Hoa đã tất tả đẩy xe ba gác ra đường, bắt đầu chuyến nhặt ve chai trong những ngày Tết.

Đúng 18h, bà Phượng lục tục đẩy chiếc xe đạp được trang bị 3 bao tải lớn ở phía sau ra đường nhặt ve chai. Đêm giao thừa và mùng 1 Tết, bà và những người thuê trọ ở đây cũng đi nhặt như thế.

Với bà và người dân xóm Ruộng, không khí Tết chỉ thực sự tồn tại trên hè phố. Bởi tại đây, họ không chỉ được đắm chìm trong không khí người dân TP.HCM đón Tết mà còn nhặt được nhiều ve chai hơn.

Bà Phượng nói: “Những ngày Tết là thời điểm xóm có thu nhập hơn cả. Tết, người dân ăn uống nhiều nên có nhiều ve chai hơn. Chúng tôi cố gắng nhặt, tích trữ trong phòng, đến khi vựa mở cửa lại mới đem bán. Như thế sẽ có được chút tiền hơn so với ngày thường”.

Những đêm nhặt ve chai xuyên Tết, bà Phượng và người dân xóm Ruộng rong ruổi khắp các cung đường trong quận Bình Thạnh. Có khi họ phải đi xa hơn, đi liên quận để không phải “dẫm lên chân nhau”.

Trước đó, bà vừa dọn dẹp lại căn phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp, bề bộn của mình.

Trước đó, bà vừa dọn dẹp lại căn phòng trọ tồi tàn, ẩm thấp, bề bộn của mình.

Mỗi chuyến nhặt ve chai ngày Tết của người dân xóm Ruộng thường bắt đầu từ 18h và kết thúc lúc 1-2h sáng khi những hoạt động vui chơi, ăn uống tại TP.HCM đã tạm dừng.

Chị Mai Thị Hoàng Minh (46 tuổi) đã có 7-8 cái Tết trên hè phố như thế. Trong những chuyến nhặt ve chai xuyên đêm dịp Tết, chị đều không cần phải đem theo cơm. Bởi, dịp này, chị thường được mạnh thường quân tặng quà bánh, thậm chí cả bao lì xì.

Đến sáng, chị và mọi người thường tập hợp tại quán nước đầu dãy trọ chuyện trò, chia nhau quà bánh nhận được từ mạnh thường quân. Lúc này, họ kể cho nhau nghe chuyện đi nhặt ve chai ở đâu được nhiều, gặp được mạnh thường quân nào tốt tính, thương người...

Con hẻm tối tăm dẫn vào dãy phòng trọ tồi tàn của xóm Ruộng.

Con hẻm tối tăm dẫn vào dãy phòng trọ tồi tàn của xóm Ruộng.

Không khí Tết của xóm Ruộng đến từ những câu chuyện tủn mủn, vặt vãnh như thế. Thế nhưng ai cũng tỏ vẻ lạc quan.

Bà Phạm Thị Thúy, Tổ trưởng tổ dân phố 31A, phường 26, cho biết, đa số người thuê trọ trong xóm Ruộng đều là người già, tàn tật và có cuộc sống khó khăn. Dịp Tết, những người làm nghề nhặt ve chai ở đây vẫn đi làm, không nghỉ ngơi.

“Trước hoàn cảnh ấy, chính quyền địa phương rất quan tâm và hỗ trợ tận tình. Ngoài ra, người dân xóm Ruộng còn nhận được sự hỗ trợ từ mạnh thường quân khắp nơi”, bà Thúy thông tin thêm.

Bài, ảnh:Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/tet-tren-he-pho-cua-nguoi-dan-xom-ruong-813526.html