Tết trong tôi
Mỗi cuối tháng Chạp về, khi nàng đông dần nhường chỗ cho nàng xuân đến. Tiết trời chuyển sang xuân, nắng lại lung linh dịu nhẹ tung tăng sải bước trên sân, xuyên qua những hàng rào hoa tươi thắm, những chú chim thi nhau hót ríu rít, chuyền nhau trong những vòm lá xanh. Lòng tôi lại nôn nao khi những ngày Tết sắp về.
Đối với mấy đứa trẻ như tôi thì Tết là một dịp để chúng tôi được nghỉ học, không có bài tập về nhà cũng không phải thức đêm để làm bài tập, mà là thức đêm để đếm từng ngày tới Tết. Tôi mong làm sao một cái Tết đoàn viên, thân thương bên gia đình, họ hàng. Tôi nhớ làm sao không khí ấm áp khi gia đình cùng sum tụ về để đón không khí giao thừa, đón chào một năm mới bình an, may mắn. Và nếu có ai đó hỏi tôi mong chờ điều gì vào ngày Tết, tôi sẽ bảo rằng tôi chờ khoảng khắc lúc gia đình sum vầy bên nhau và thưởng thức hương vị Tết cùng nhau.
Gia đình tôi mỗi người sinh sống và làm ăn mỗi nơi khác nhau, chỉ khi vào những dịp Tết mọi người mới có cơ hội tụ họp về. Vì thế mà tôi mong chờ khoảng khắc đó lắm. Khi được nghỉ Tết, tôi lại cùng mẹ ở nhà để chuẩn bị Tết. Tôi thường phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, trang trí tường nhà. Vào những buổi sáng sớm, tôi thường cùng mẹ đi chợ mua hoa, mua bánh, trái cây. Mỗi lần đi chợ với mẹ, lòng tôi lại háo hức vì được hòa vào không khí trong lành, mát mẻ nhưng tràn đầy nhựa sống của mùa xuân. Lúc đấy tôi có cơ hội cho mình một khoảng lặng để ngắm nhìn dòng người qua lại, ngắm từng cành mai còn lấm tấm sương. Mùi Tết phảng phất trong gió xuân, mưa bụi. Nhìn những chú én chao nghiêng bay lượn trên bầu trời, lòng tôi lại nôn nao muốn Tết đến mau mau.
Đến trưa, tôi cùng cha mẹ đi phát quà cho những người già neo đơn trong xóm. Đó chỉ là những phần quà nhỏ như ký gạo, thùng mì tôm, chai nước mắm. Dù chỉ là giá trị vật chất bé nhỏ nhưng chúng lại mang đến giá trị tinh thần rất lớn đối với chúng tôi. Vì gia đình tôi có cơ hội để làm những điều tích cực, nhân văn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Qua đây, tôi muốn lan tỏa giá trị nhân văn đến mọi người xung quanh. Và để mọi người có thể hiểu rằng Tết không chỉ là những ngày sum vầy cùng gia đình mà còn lan rộng sự ấm áp, yêu thương đến tất cả mọi người, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt. Để Tết này, không chỉ có gia đình ta, mà tất cả mọi người đều có cơ hội đón những ngày Tết đang cận kề.
Và rồi, đêm 30, gia đình tôi lại cùng nhau chuẩn bị những món bánh kẹo, trà, trái cây và ngồi quây quần bên nhau ở nhà ông bà. Tôi sống ở miền Tây nên cứ đến 30, nhà tôi lại nấu bánh tét thay vì nấu bánh chưng như những gia đình miền Bắc. Và khi các bà, các dì nấu bánh, những đứa trẻ chúng tôi lại được bảo trông chừng lửa đuốc, không cho lửa tắt. Lũ trẻ chúng tôi thì nô nức không thôi. Vào đêm 30, gia đình tôi có dịp kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị, về những dư âm còn đọng lại vào các năm trước hay đơn giản là kể cho nhau nghe những câu chuyện hài hước, vui vẻ trong cuộc sống hằng ngày. Mọi người hầu như gạt bỏ những âu lo, họ có cơ hội thoát ra khỏi guồng quay tất bật, ồn ào của cuộc sống để trở về bên gia đình. Gương mặt họ luôn nở những nụ cười chân thực nhất. Chúng tôi cứ thế trò chuyện đến khuya và đợi không khí giao thoa năm cũ sang năm mới. Và khi nghe khoảng khắc Chủ tịch nước đọc thư chúc toàn thể nhân dân một năm mới ấm no, hạnh phúc. Và rồi tiếng pháo hoa vang lên “bùm bụp”, chúng tôi cùng ra sân và ngắm những chùm pháo hoa đang đua nhau vút bay lên bầu trời và tỏa sáng rực rỡ. Khoảnh khắc ấy, tôi sẽ chẳng thể nào quên, nó mãi đọng vào trong tâm trí tôi, kể cả khi tôi đã trưởng thành và đôi chân có thể vững vàng bước vào đời.
Những ký ức về ngày Tết sẽ chẳng thể nhòa, nó luôn thường trực trong trái tim tôi. Để mỗi khi Tết về, lòng tôi lại nô nức, rộn ràng như một đứa trẻ lên năm, mong chờ ngày Tết đến. Và tôi sẽ ngân nga khúc ca “Lắng nghe mùa xuân về” của nhạc sĩ Dương Thụ: “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường. Mùi hương nào rơi thơm thật thơm trong gió thoảng”.
Và đó cũng chính là tâm trạng của tôi khi mong chờ ngày Tết đến.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-trong-toi-post723090.html