Tết trong tôi là nỗi nhớ...
Những ngày cuối năm như giãn ra đủ để những kẻ 'lang bạt' ngồi đâu đó một góc quê người vào một sớm mai nhớ về một khoảng trời riêng tết những ngày thơ ấu miền quê ngoại.
Tết trong tôi là nỗi nhớ
Thời gian ấy, âm thanh đánh thức tôi không phải là tiếng chuông hay tiếng gà gáy mà là vó ngựa lốc cốc gõ trên nền đường cùng với cạp cạp của vịt.
Cái mớ âm thanh tưởng chừng hỗn độn ấy nhưng với tôi lại là một bản giao hưởng đón xuân giàu cảm xúc nhất. Cứ mỗi một hai phút, tổ hợp ấy lại vang lên ở phía đầu đường rồi dần tắt khi đã xa khỏi nhà ngoại tôi. Tôi cuộn mình trong chăn để tận hưởng. Cho đến khi cảm thấy thật đã mới choàng dậy làm vài động tác thể dục, vệ sinh cá nhân rồi lang thang từng ngõ ngách của xóm.
Lúc bấy giờ, quê ngoại tôi chưa có điện mà chỉ sử dụng đèn dầu. Những ngày giáp tết, nhà nào cũng “hào phóng” hơn cho tổ ấm của mình thêm ấm. Trong cái sớm mai mặt trời chưa ló dạng, từng ô cửa hắt ra ánh sáng vàng vàng, nhà này thì thoảng mùi gừng từ cái nồi nấu nước đường chuẩn bị đóng cốm, nhà kia thì “côm cốp” âm thanh đóng ra từng hộc cốm nếp thơm nức mũi. Ánh sáng – âm thanh – mùi hương trong sớm mai thôn quê an lành nó len lỏi vào tận ngõ ngách tâm hồn thơ trẻ của tôi…
Trở lại với tiếng vó ngựa và vịt kêu. Chắc không nhiều nơi ở đất nước này, mấy ngày giáp tết có được âm thanh đó.
Ở rẻo đất cuối cùng của khúc ruột miền Trung ấy, dường như thiên nhiên và những người khai khẩn đã quy hoạch vùng từ rất sớm. Nơi chuyên trồng lúa, nơi sản xuất hoa màu, nơi khai thác hải sản. Và tết là dịp để những thành quả lao động ấy trao đổi với nhau sôi động nhất.
Ở một vùng đất mà “từ thuở mang gươm…” đã biết dùng sức ngựa để vận chuyển hàng hóa đạt đến trình “logistic” thì không có gì lạ khi ở giai đoạn “kinh tế bao cấp”, xe ngựa vẫn là phương tiện vận chuyển phù hợp và hữu hiệu.
Ở vùng đất này có một món ăn ngày tết mà gần như ai ở đây cũng cảm thấy tự hào, cũng thấy không thể thiếu mỗi độ xuân về, đó là “vịt dầm”. Vì thế bao đàn vịt thả đồng sau mùa gặt béo tròn của nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn được các bà, các mẹ vốn là những “nông dân làm tiểu thương ba ngày tết” mang ra nơi thị tứ để đổi lấy vài bộ quần áo mới cho trẻ con, gói trà hương thơm cúng ông bà…
Giờ đây, cứ mỗi 4, 5 giờ sáng những ngày giáp tết, bản giao hưởng xuân bởi tiếng vó ngựa và vịt kêu quê ngoại lại vang lên và có lẽ còn vang mãi trong tiềm thức dù cho tóc tôi ngày càng phai màu…
Hà Nam Phong
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/tet-trong-toi-la-noi-nho-135057.html