Tết Trung thu: Vui và chưa vui

Đâu đó vẫn còn nhiều em nhỏ chưa được hưởng rằm tháng tám trọn vẹn và trong khâu tổ chức vẫn còn lãng phí.

Trung thu là Tết của thiếu nhi nên mọi hoạt động này chỉ nên hướng về trẻ em. Trong ảnh: "Đêm hội trăng rằm" được tổ chức tại Trường Tiểu học Tân Bình (TP Hải Dương)

Trung thu là Tết của thiếu nhi nên mọi hoạt động này chỉ nên hướng về trẻ em. Trong ảnh: "Đêm hội trăng rằm" được tổ chức tại Trường Tiểu học Tân Bình (TP Hải Dương)

Những ngày này, các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn nhiều em nhỏ chưa được hưởng rằm tháng tám trọn vẹn và trong khâu tổ chức vẫn còn lãng phí.

Nơi nơi tổ chức

Dịp này, ở khắp các vùng từ nông thôn tới thành thị, đâu đâu cũng thấy tổ chức "Đêm hội trăng rằm" vui Trung thu cho trẻ em. Tùy thuộc điều kiện, các nơi đều cố gắng tổ chức một đêm hội thật ý nghĩa. Chúng tôi được dự chương trình "Đêm hội trăng rằm" do Thành đoàn Hải Dương phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức tại Trường Tiểu học Tân Bình. Sân khấu trang hoàng đẹp mắt, mỗi khối lớp đều có một mâm cỗ đủ đầy bày biện chu đáo. Phía dưới sân khấu là trên 1.000 em học sinh của trường trong bộ đồng phục màu cam, tay cầm đèn ông sao, khuôn mặt rạng ngời mong chờ buổi lễ. Các tiết mục văn nghệ do học sinh Trường Tiểu học Tân Bình biểu diễn giúp cho không khí đêm hội thêm rộn ràng. Ngoài ra, các em thiếu nhi còn được thưởng thức các màn múa lân, múa rồng sôi động, được tham gia giao lưu cùng chú Cuội, chị Hằng - một tiết mục đặc sắc của đêm rằm tháng tám. Kết thúc buổi lễ, 1.000 em học sinh múa dân vũ bài "Chiếc đèn ông sao" và cùng nhau phá cỗ.

Trong dịp rằm tháng tám, không chỉ trường học tổ chức cho học sinh vui Trung thu, mà hầu hết các thôn, khu dân cư đều tổ chức. Nhiều tổ liên gia cũng sắp mâm cỗ vui Trung thu cho các con. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị cũng có các hoạt động hưởng ứng Tết Trung thu cho các em thiếu nhi. Trong nhiều chương trình, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng những phần quà ý nghĩa. Các hoạt động này thể hiện tình cảm, sự chăm lo của toàn xã hội dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, xung quanh việc tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi cũng vẫn còn nhiều điều chưa vui. Khắp nơi tổ chức rằm tháng tám nên dễ bị trùng lặp, có thể một em nhỏ được tham gia 3-4 đêm hội. Nhiều trường học không chỉ tổ chức vui Trung thu ở quy mô toàn trường mà từng lớp học cũng tổ chức. Ngoài tham gia ở trường, các em còn tham gia ở thôn, khu dân cư, ở cơ quan, doanh nghiệp, nơi bố mẹ các em làm việc. Nhiều em được tặng rất nhiều quà bánh nên dễ gây thừa thãi, lãng phí. Một số gia đình dùng không hết bánh kẹo, nhất là bánh Trung thu, khi hết hạn sử dụng phải bỏ đi.

Bệnh hình thức

Ở nhiều thôn, khu dân cư tổ chức Tết Trung thu khá linh đình, phô trương. Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao được làm với kích cỡ khổng lồ, thậm chí giữa các thôn, khu dân cư còn đua nhau làm đèn thật to, thật hoành tráng để thể hiện "chất chơi". Đương nhiên kinh phí làm mỗi chiếc đèn này không phải nhỏ. Việc lãng phí trong Tết Trung thu còn ở chính cách sắm sửa, bày biện mâm cỗ của mỗi gia đình. Trước đây, mâm cỗ Trung thu rất đơn giản với những thức quà bánh, hoa quả theo mùa. Nhưng bây giờ, các nhà đều cố gắng bày biện mâm cỗ thật to, thật hoành tráng trong khi nhà ít người, mua về rồi bỏ rất lãng phí. Chưa kể trong vài năm gần đây còn rộ mốt mua các loại bánh Trung thu đắt tiền, nhiều người sẵn sàng bỏ vài triệu đồng chỉ để mua một cặp bánh.

Tết Trung thu là của thiếu nhi nhưng ở một số nơi thì đây đã trở thành dịp để người lớn tổ chức cỗ bàn linh đình. Không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều khu dân cư, tổ liên gia ngoài bày biện mâm cỗ trông trăng cho trẻ em thì người lớn cũng tranh thủ làm dăm ba mâm cỗ để thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Tuy nhiên, người lớn lại quá mải mê với việc ăn uống, chén rượu, chén chè mà thiếu quan tâm đến các em.

Theo nhà giáo Hoàng Thị Sao (68 tuổi), ở phố Lê Viết Hưng, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), trước đây Trung thu rất đơn giản, không cầu kỳ như bây giờ. Bây giờ phú quý sinh lễ nghĩa nhưng những giá trị truyền thống đã bị phai nhạt đi nhiều. Trung thu là Tết của thiếu nhi nên mọi hoạt động trong ngày này chỉ nên hướng về trẻ em. Nên khôi phục những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết này để thiếu nhi hiểu hết ý nghĩa văn hóa. "Thay vì nặng nề tổ chức phần lễ, khi tổ chức Trung thu các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn đến phần hội, tạo nên ngày Tết thật sự của thiếu nhi. Việc tổ chức Trung thu cũng không đặt nặng mâm cỗ hay cách thức tổ chức để tránh gây lãng phí", bà Sao nêu quan điểm.

Trong khi các em nhỏ ở thành thị, con nhà có điều kiện được tham gia nhiều hoạt động vui Trung thu thì vẫn còn những em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa thể có một mùa trăng rằm đủ đầy. Từ ngày mẹ bỏ đi, bố lại bị bệnh về thần kinh nên hai anh em V.T.D. và V.T.D. ở xã Việt Hưng (Kim Thành) chưa bao giờ có một Tết Trung thu trọn vẹn, đủ đầy. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày chỉ dựa vào ít tiền trợ cấp xã hội của người bố bị tâm thần. Việc lo đủ cơm ăn hằng ngày với 2 anh em D. đã rất khó khăn nên hai em chưa bao giờ dám nghĩ nhà có đủ tiền để mua cặp bánh Trung thu hay đồ chơi, đèn ông sao. Còn chị Nguyễn Kim Hoa, tình nguyện viên Đội thiện nguyện Cẩm Giàng cho biết: "Vẫn còn nhiều em nhỏ không được hưởng một Trung thu trọn vẹn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chỉ mong xã hội quan tâm nhiều hơn đến các em nhỏ nghèo khó, bệnh tật để các em cũng được như bạn bè cùng trang lứa".

TÂM PHÚC

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/tet-trung-thu-vui-va-chua-vui-116063