Tết về hay ở - Những lựa chọn và nỗi niềm: Sẻ chia đong đầy

'Năm nay tôi vẫn diễn xuyên tết phục vụ bà con mình, không kể chương trình lớn nhỏ. Diễn cho các quận trung tâm hay về các huyện ngoại thành xa hơn đều có lịch. Tới mỗi điểm, thấy các địa phương vừa tổ chức văn nghệ vừa chăm lo cho người còn khó khăn, không thể về quê dịp tết, tôi thấy ý nghĩa quá chừng, ấm áp lây', ca sĩ Nguyễn Phi Hùng chia sẻ với chúng tôi.

Chăm lo người dân khó khăn tại quận Bình Tân, TPHCM

Chăm lo người dân khó khăn tại quận Bình Tân, TPHCM

Chăm lo từ sớm

Có mặt tại một trong những chương trình nghệ thuật của quận Bình Tân (TPHCM) vừa qua, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng thể hiện bài hát về tình yêu quê hương, đất nước, thành phố. Điều nam ca sĩ thấy ý nghĩa là ngay trong chương trình, quận Bình Tân trao tặng nhiều phần quà cho người dân khó khăn.

Bên cạnh những chương trình văn nghệ đầu tư bài bản, mời các nghệ sĩ nổi tiếng thì các sân khấu nhỏ hơn được tổ chức nhiều nơi trên địa bàn thành phố với sự tham gia tích cực của ca sĩ từ các trung tâm văn hóa, đội nhóm văn nghệ. Các khu phố, những trung tâm sáng đèn, rực rỡ. Hầu như nơi nào cũng lên kế hoạch tổ chức các sự kiện ca nhạc, hoạt động cộng đồng, rưng bày các không gian đón tết truyền thống từ rất sớm.

Nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức có các hoạt động cây nhà lá vườn chung vui ngày xuân, cùng với tiếng hát mộc mạc của các ca sĩ đem lại những chương trình văn nghệ ấm áp.

Tại quận Bình Thạnh, Ngày hội “Hương sắc mùa xuân” lần 6 được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn được xem các chương trình nghệ thuật, được cắt tóc miễn phí, mua hàng tại gian hàng 0 đồng do hội viên Hội Doanh nghiệp quận và hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận thực hiện.

Tại quận Bình Tân, những hoạt động văn nghệ, vui tết cùng thanh niên, công nhân; tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay cho người lao động, sinh viên về quê đón tết; phiên chợ 0 đồng; các phiên chợ bán hàng giảm giá từ 5%-45%, vận động chủ các nhà trọ tặng quà, tổ chức hoạt động vui tết cùng người thuê trọ… được tổ chức đều đặn. Các đơn vị sử dụng kinh phí công đoàn, vận động các doanh nghiệp chăm lo tặng quà cho công nhân và tổ chức các chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” để chăm lo công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn tết. Hội Xuân của quận được tổ chức đến ngày 30 tháng Chạp, phục vụ văn nghệ hàng đêm miễn phí.

Đồng chí Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết, quận triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo tết từ đầu tháng Chạp với nhiều hoạt động phong phú. Để tạo không khí tết cho người lao động, đặc biệt là công nhân không có điều kiện về quê, quận tổ chức phục vụ văn nghệ miễn phí trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao quận vào ngày 24, 28 tháng Chạp và mùng 2 Tết... “Quận tổ chức 16 hoạt động, dự kiến hỗ trợ 35.037 trường hợp, với số tiền hơn 26 tỷ đồng.

Năm nay, không ít lao động tự do, người nghèo, cận nghèo lâm vào khó khăn, công nhân mất việc làm dịp cận tết. Do đó, dịp tết, Quận ủy - UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tập trung chăm lo tết với mục tiêu “mọi người, mọi nhà đều đón tết”. Trước mắt, quận phối hợp các doanh nghiệp và các khu nhà trọ có đông công nhân tổ chức các chương trình văn nghệ kết hợp chăm lo, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, dự kiến từ ngày 15 đến ngày 24 tháng Chạp tại Nhà văn hóa Lao động quận và các khu nhà trọ”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin.

Các đoàn cải lương trong nước tổ chức các suất diễn cải lương dịp tết tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Các hoạt động biểu diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 7 đến ngày 14-2 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết Nguyên đán). Bên cạnh đó, liên tục diễn ra các chương trình nghệ thuật truyền thống hàng đêm tại khu vực phía trước Nhà hát Thành phố vào ngày 9 và 10-2; khu vực phía trước Trung tâm Văn hóa thành phố từ ngày 10 đến ngày 13-2. Đặc biệt, luôn có các đêm diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, ký túc xá, khu công nghiệp và khu chế xuất.

Nghệ sĩ đồng hành

Đồng hành, chia sẻ cùng bà con về mặt tinh thần trong dịp tết không thể không kể đến lực lượng nghệ sĩ. Rất nhiều nghệ sĩ có tinh thần vì cộng đồng sẵn sàng xa nhà hay về nhà đón tết trễ để mang tết đến với bà con. Từ các khu phố trung tâm đến các quận, huyện xa như Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, các nghệ sĩ thành phố đều không ngại đi, diễn.

Trong gần 24 năm gắn bó với TPHCM, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng không nhớ lần thứ bao nhiêu anh ở lại thành phố đón giao thừa cùng bà con, công nhân xa nhà như chính anh. Dẫu tất bật với chương trình nghệ thuật ở các sân khấu lớn, anh vẫn không ngại nhận chương trình nhỏ, ở xa để biểu diễn phục vụ người dân.

 Người nghèo quận Bình Tân mua hàng ở cửa hàng 0 đồng

Người nghèo quận Bình Tân mua hàng ở cửa hàng 0 đồng

“Ở TPHCM suốt mấy ngày tết, tôi hạnh phúc vì góp phần nhỏ mang lại niềm vui tinh thần cho khán giả. Thường đến mùng 6, tôi mới về quê ở Hà Nội. Thiên chức của nghệ sĩ là cống hiến, phục vụ. Trong những ngày này, khi bà con mình đón xuân thì âm nhạc luôn là sự kết nối, tạo thêm niềm vui, niềm tin. Góp niềm vui tinh thần phục vụ người dân dịp tết cũng không kém gì niềm vui vật chất”, ca sĩ Nguyễn PhiHùng tâm sự.

Anh kể thêm, tết của anh cũng có những khoảng lặng - như khi giao thừa đang ở một địa phương xa xôi nào đó biểu diễn phục vụ văn nghệ tết và đặt tâm tưởng hướng về gia đình. “Tôi cảm nhận được, các anh chị em công nhân cũng đang như thế. Tôi may mắn hơn họ khi có thể sắp xếp được để về nhà sau tết, còn với nhiều người, sự trở về được tính bằng nhiều năm. Thế nên, hát cho anh chị em công nhân, người lao động khó khăn trong dịp tết cũng là cách mình san sẻ yêu thương, đồng hành cùng họ”, anh nói.

Ca sĩ trẻ Đoàn Đại Hòa cho biết, năm nay là lần thứ hai anh quyết định chọn ở lại TPHCM phục vụ văn nghệ cho bà con. Với anh, biểu diễn phục vụ người dân những ngày cuối năm hay mấy ngày tết tới đây là mang niềm vui chia sẻ. “Nếu được chọn biểu diễn ở trung tâm thành phố với sân khấu lung linh, hoành tráng với một nơi như Bình Chánh, Cần Giờ xa hơn thì có lẽ tôi chọn nơi xa. Nơi nào cũng là phục vụ bà con mình, nhưng tôi nghĩ ở khán giả ngoại thành, công nhân không có điều kiện về quê đón tết cần nghệ sĩ hơn rất nhiều. Được mang lời ca tiếng hát, mang niềm vui gần gũi của nghệ thuật đến với mọi người, đặc biệt chia sẻ với những người thiệt thòi thì mình có về nhà sau tết một chút cũng đáng”, ca sĩ Đoàn Đại Hòa bày tỏ.

Ca sĩ Thùy Trinh cũng đồng tình với sẻ chia này: “Hát xong bà con nắm tay, yêu thương quá chừng. Lúc đoàn nghệ sĩ về, mấy cô chú tiễn ra tận ngoài đường, còn cho thêm nguyên xe trái cây, rau củ quả, trứng gà… tặng chúng tôi mang về, dù họ cũng không phải quá dư dả. Kỷ niệm đó nhớ hoài. Tết giản dị mà san sẻ, chân thành”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, thông tin: “Ngoài những chương trình lớn do UBND TPHCM, Sở VH-TT TPHCM tổ chức, các địa phương làm rất tốt việc vận động quỹ chăm lo tết cho người dân nghèo. Nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức có các hoạt động cây nhà lá vườn mang xuân đến cùng bà con địa phương nói chung, người dân xa xứ ở địa bàn nói riêng. Tết vì thế mà mỗi ngày thêm ấm. Giữa phố đông nhộn nhịp hay khu vực ngoại thành, những xóm nghèo thì tết cũng đã len lỏi, sáng đèn rực rỡ, thắp lên những hy vọng mới…”.

Không khí xuân vui tươi, đầm ấm lan tỏa khắp nơi

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, dịp Tết Giáp Thìn 2024, Hội LHPN TPHCM, các tổ chức thành viên, Hội LHPN 21 quận, huyện và TP Thủ Đức; phường, xã, thị trấn dự kiến trao tặng hơn 70.000 phần quà (mỗi phần trị giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng). Tổng kinh phí chăm lo hơn 20 tỷ đồng. Các cấp hội cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho chị em phụ nữ: họp mặt nữ công nhân nhà trọ không có điều kiện về quê ăn tết; hội thi gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt, cắm hoa; liên hoan văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân”… để phụ nữ khó khăn thêm niềm vui khi mùa xuân đến.

Đặc biệt, từ ngày 27-1 đến 2-2, Hội LHPN TPHCM phối hợp Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Doanh nhân trẻ Việt Nam, Sở Du lịch TPHCM, Thành đoàn, Hiệp hội Du lịch thành phố, Khu du lịch Suối Tiên tổ chức chương trình du lịch “Trao xuân yêu thương - Chắp cánh ước mơ” chăm lo 3.000 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ tại các mái ấm, nhà mở trên địa bàn thành phố. Các em được tham gia nhiều hoạt động vui xuân qua các trò chơi dân gian, tham quan, chơi các trò chơi tại Khu du lịch Suối Tiên, được ăn bữa cơm trưa cuối năm và nhận phần quà thiết thực.

Liên đoàn Lao động quận 5 tổ chức Hội thi thiết kế bao lì xì, thiệp chúc tết và trang trí cây nêu ngày tết với chủ đề “Tết sẻ chia - Xuân ấm áp” Xuân Giáp Thìn 2024 để tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào năm mới gắn với việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho các đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động quận 1 đưa chương trình văn nghệ “Mừng Đảng - Mừng Xuân” và chương trình “Tết sum vầy” về nhà máy để chăm lo 1.000 công nhân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón Tết Giáp Thìn tại Công ty TNHH E.Land Việt Nam (đóng tại huyện Củ Chi, TPHCM).

HỒNG HẢI

TIỂU TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tet-ve-hay-o-nhung-lua-chon-va-noi-niem-se-chia-dong-day-post724533.html