Tết xa nhà, sinh viên Việt thức cả đêm cùng canh nồi bánh chưng
Đón Tết xa nhà, năm nay Thành và các bạn đã dành một buổi đêm để canh nồi bánh chưng cùng nhau. Khoảnh khắc vớt những chiếc bánh đã chín ra khỏi nồi là khiến Thành cảm thấy ấm áp nhất.
Năm nay là lần thứ 3 Vũ Đức Thành, sinh viên năm 4 ngành Khoa học Máy tính, Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) đón Tết xa nhà. Tết đầu tiên của Thành tại đây là vào năm 2021. Khi ấy, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra căng thẳng, nam sinh không được tham gia các hoạt động đón Tết.
“Cảm giác của em khi ấy vừa lạ lẫm, vừa buồn và hụt hẫng. Năm đó, mẹ cũng gửi cho em chút bánh chưng và giò lụa, vì thế cảm giác nhớ quê vơi bớt đi phần nào”, Thành nhớ lại.
Theo Thành, khi đi du học, sinh viên cũng phải quen dần với cảm giác nhớ nhà, xa gia đình. Dịp Tết, Thành thường chủ động gọi điện về cho bố mẹ để chia sẻ những kế hoạch và hoạt động đón Tết của mình tại Singapore. Trên nhóm trò chuyện gia đình, cả nhà cũng cập nhật cho Thành các bức ảnh mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết hoặc vui xuân.
Để chuẩn bị cho Tết năm nay, Thành cùng các bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore đã tổ chức sự kiện đón Tết, làm mứt dừa và gói bánh chưng. Đặc biệt, cả nhóm đã dành ra một buổi đêm để cùng nhau canh nồi bánh.
“Khoảnh khắc vớt những chiếc bánh đã chín ra khỏi nồi là điều khiến em thấy ấm áp và đáng nhớ nhất trong những mùa Tết vừa qua”, Thành nói.
Tại Singapore, đa phần người dân là người gốc Hoa, vì thế Tết Nguyên đán vẫn được xem là một ngày lễ. Tuy nhiên theo Thành, Tết ở đây nhỏ hơn nhiều và người dân chỉ được nghỉ 3 ngày. “Có một số phong tục Tết tại đây tương tự Việt Nam như trang trí nhà cửa, tặng bao lì xì, đếm ngược đêm giao thừa… Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt, chẳng hạn đường phố không nhộn nhịp như ở Việt Nam, các loại thực phẩm, bánh kẹo ăn trong Tết cũng không giống nhau”.
Vào đêm giao thừa năm nay, Thành cùng một vài người bạn đi ăn uống và dạo quanh khu phố Chinatown, thưởng thức không khí Tết Nguyên đán của người dân Singapore. Trong những ngày đầu năm mới, nam sinh cũng đi thăm nhà các bạn và có một bữa tiệc nhỏ để mừng xuân.
Còn với Mai Thị Vân Anh, sinh viên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế ở Trường Kinh doanh Budapest (Hungary), đây là năm đầu tiên đón Tết xa nhà. Vì ngày Tết cổ truyền rơi vào khoảng thời gian nghỉ đông nên Vân Anh vẫn có thời gian rảnh và càng thấy nhớ nhà nhiều hơn.
“Em ở nơi xa, xem bạn bè, người thân đăng tải hình ảnh Tết, lòng cũng háo hức theo. Em nhớ cảm giác những ngày cuối năm được mẹ chuẩn bị cho một chậu nước mùi thơm thơm, được bố mẹ, anh trai mừng tuổi”, Vân Anh kể.
Năm nay, Cộng đồng người Việt và Hội sinh Việt Nam ở Hungary cũng tổ chức Tết Giáp Thìn chào Xuân năm mới cho những người con xa quê. Vì thế, dù không ở gần gia đình, Vân Anh vẫn được thưởng thức những món ăn truyền thống, tham gia các hoạt động quen thuộc đầu năm. Nữ sinh cũng mời những bạn cùng lớp của mình là người nước ngoài đến tham dự và xin chữ lộc đầu năm.
Vì ngày Tết cổ truyền của Việt Nam là ngày bình thường tại Hungary, Vân Anh dự định sẽ cùng một vài người bạn làm món nem rán vào ngày mùng 1. Trước đó, trong đêm Giao thừa, cả nhóm cũng cùng nhau lên chùa để cầu một năm bình an, hạnh phúc.
Với Nguyễn Hải Hậu, cô gái vừa tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và Vận hành tại Trường Kinh doanh BI Na Uy, dù đã là năm thứ 3 đón Tết xa nhà, Hậu vẫn cảm thấy nhớ da diết hương vị Tết quê hương. Trong dịp này, bố mẹ Hậu thường xuyên gọi điện cho cho con gái, chia sẻ về quá trình trang trí nhà cửa, mua sắm, cùng nhau quây quần làm bánh chưng để con vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Theo Hậu, Na Uy không đón Tết Nguyên đán giống Việt Nam, do đó những ngày giáp Tết cũng không có hoạt động nào đặc biệt. 3 năm ở lại đất nước này, vào dịp Tết, Hậu vẫn phải đi học và đi làm thêm bình thường. Điều đó khiến cô càng cảm thấy nhớ gia đình và bạn bè ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, em may mắn vì gặp được những người bạn đồng hương. Chúng em cùng nhau tụ tập nấu mâm cỗ Tết truyền thống và đón khoảnh khắc giao thừa”. Theo Hậu, đây là trải nghiệm thú vị vì các bạn đều đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam. Vì thế, mâm cỗ Tết của cả nhóm cũng có đủ các món ăn đặc trưng của cả ba miền.
Dịp Tết năm nay, Hậu được tham gia buổi lễ Mừng xuân Giáp Thìn do Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy tổ chức. Tại buổi lễ, khách mời được xem các đoạn phim về tình hình phát triển kinh tế ở Việt Nam và những tiết mục văn nghệ do Hội sinh viên biểu diễn. Ngoài ra, những người con xa xứ còn được tham gia chương trình đố vui có thưởng về tập tục lễ Tết của các vùng miền khác nhau.
Giao thừa năm nay, Hậu còn cùng các bạn trong Hội sinh viên Việt Nam ở Na Uy tụ tập nấu mâm cỗ Tết truyền thống, lì xì nhau và cùng hát karaoke. Vào ngày đầu năm, cả nhóm sẽ đi chùa ở Na Uy để cầu cho một năm vạn sự như ý.
Hậu quyết định năm nay không về quê ăn Tết để dành tiền tài trợ cho bố mẹ sang Na Uy và du lịch châu Âu. Vì thế, cô gái Việt dự định Tết Nguyên đán năm sau sẽ về quê tụ họp cùng gia đình.