Tết xưa - Tết nay
Tết là điều gì đó thật liêng thiêng để ta tạm gác lại những bộn bề, lo toan của năm cũ, chào đón những điều tốt lành của năm mới. Tết, mọi người quây quần, sum họp bên nhau, cùng chuẩn bị bữa cơm cúng ông bà, tổ tiên, kể nhau nghe bao chuyện vui, buồn trong cuộc sống và cầu chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tết xưa, chừng đầu tháng 5 âm lịch, ngoại gầy mấy bầy gà, bầy vịt để tết làm thịt. Đến hết vụ mùa, ngoại để riêng mấy giạ gạo để dành xay bột làm bánh ít, bánh tét. Độ tháng 9, tháng 10, ông ra vườn chăm mấy bụi chuối để còn kịp trổ buồng đến tháng Chạp có chuối gói bánh tét. Mới tháng 11 đã nghe hương tết vương vấn đâu đây khi trong xóm nhà nào rục rịch xay bột. Đám trẻ con hí hửng mang nia ra trước sân, phụ ngoại phơi từng cục bột dưới cái nắng vàng ươm. Bầy gà, bầy vịt lang thang trong vườn nhà nhìn cũng “trọng trọng” lắm rồi! Đầu tháng Chạp, khi cơn gió lạnh đầu mùa thổi về mang theo cả hương tết, ai cũng nôn nao. Các dì, các mẹ chuẩn bị thau, rổ, thúng, nia,... đi đến đâu cũng nghe hỏi chuẩn bị tết đến đâu rồi. Nhà bác năm có con heo cũng ngoài tạ, cả xóm hẹn nhau đến tối 29 làm heo chia thịt ăn tết. Nhà bà bảy có đứa con gái gả về miệt Cần Đước, năm nào con gái bà cũng mang về chia mỗi nhà vài kílôgam gạo Nàng Thơm. Tết mà nghe hương gạo Nàng Thơm bay thoang thoảng thì còn gì bằng.
Cha đi cắm câu, giăng lưới, kiếm thêm vài con cá lóc về cho má xẻ khô, tết có mồi lai rai vài xị với mấy chú trong xóm. Đến rằm tháng Chạp, ôi thôi, tết đến nơi rồi! Đám trẻ con tranh nhau tuốt lá mai. Trong xóm, nhà nào cũng có vài ba cây mai trước ngõ, tết về mai nở vàng rực cả xóm. Mẹ rủ mấy dì bơi xuồng ra chợ huyện mua mấy xấp vải đỏ về may quần áo cho các con. Tết phải mặc nàu đỏ mới hên. Rồi nào dưa hành, củ kiệu, cải mần dưa, chất đầy cả xuồng. Tết xưa, nhà nào cũng có hũ cải mần dưa, thêm hũ củ kiệu, dưa giá. Không có mấy món này xem như ít nhiều mất đi hương vị tết. Chừng 20 tháng Chạp, cả xóm rủ nhau làm mứt: Mứt gừng, mứt dừa, mứt me, nhà nào có trồng khóm thì làm thêm mứt dẻo. Tiếng nói cười rôm rả, gọi nhau í ới xem mẻ mứt có đặng hay không. Đám trẻ con thì mừng thôi khỏi nói, cứ xúm xít để được ăn mứt vụn. Đến 23, đưa ông Táo về trời thì tết đã đến gần lắm rồi! Nhà thì nấu chè cúng ông Táo, nhà thì chỉ dĩa thèo lèo đưa ông về trình với Ngọc Hoàng chuyện năm qua. Đêm 30, nhà nào cũng sáng ánh lửa nồi bánh tét. Từ sáng sớm, mẹ đã lo chuẩn bị rước ông bà. Cha cắt mấy nhánh mai, vạn thọ trong vườn chưng lên bàn thờ. Lúc nào ở bàn giữa cũng có một nhánh mai đẹp nhất, cầu mong một năm mới may mắn, vạn sự như ý. Giao thừa đến, cha đốt phong pháo dài được treo trước cửa, đám trẻ con vừa mừng, vừa sợ, bịt chặt tai, chờ pháo nổ hết chạy ù ra sân nhặt mấy viên pháo lép. Sáng mùng một, cả nhà mặc áo mới chúc tết ông bà, rồi cùng sang xông đất hàng xóm. Mai vàng, xác pháo đỏ đầy trước sân nhưng theo tục lệ ba ngày tết không được quét rác nên đi đến đâu cũng đầy xác pháo.
Tết nay, chiều 29, con mới xong việc, vội vã đón chuyến xe cuối ngày để kịp về quê với lỉnh kỉnh quà bánh. Hối hả theo nhịp sống hiện đại, con không có thời gian cùng mẹ gọt dừa, hái me làm mứt. Hộp mứt con mang về có cả những loại nhập từ nước ngoài nhưng sao vẫn không đậm đà bằng món mứt quê mình. Đám trẻ con quê mình cũng không còn háo hức chờ tết để được mặc quần áo mới như con ngày xưa. Có lẽ, quanh năm chúng đã được mặc quần áo đẹp, ăn nhiều quà bánh nên không còn cảm giác nôn nao tết như chúng con. Tiếng pháo đì đùng đêm giao thừa của tết xưa được thay bằng những chùm pháo bông rực rỡ trên bầu trời. Gia đình mình vẫn quây quần bên nồi thịt kho tàu, dĩa dưa giá, cải mần dưa. Tết nay, cây mai trước nhà vẫn trổ từng chùm vàng rực, mấy luống vạn thọ mẹ trồng vẫn ngan ngát hương thơm. Sáng mùng một, tiếng dì năm í ới: “Tí, lát qua nhà dì ăn tết”. Thằng Tèo gặp tôi, cười hí hửng: “Tối tao qua lắc bầu cua nha mậy, muốn quẹt lọ nghẹ hay quỳ gối?”. Tết xưa, tụi thằng Tí, thằng Tèo chúng tôi mới năm, bảy tuổi. Tết nay, đã hơn ba mươi tuổi rồi! Có người bảo, tết nay có phần nhạt hơn và tụi nhỏ không còn háo hức đón tết như xưa. Cũng phải thôi, theo thời gian, tết ngày càng sung túc, đủ đầy nhưng không vì thế mà mất đi giá trị bởi trên hết, tết không nằm ở giá trị vật chất mà ở tình cảm thiêng liêng mà mỗi thành viên trong gia đình dành cho nhau. Tết xưa - tết nay có khác nhau về hình thức nhưng vẫn còn nguyên giá trị, là dịp đoàn tụ, sum vầy sau một năm dài tất bật./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/tet-xua-tet-nay-a89331.html