Tết xưa trong ký ức

Quê tôi ở làng Đại Xá, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lúc còn nhỏ, như mọi đứa trẻ ở quê, tôi luôn háo hức mong chờ Tết đến.

Trước Tết nguyên đán đến cả tháng, quê tôi đã có sự chuẩn bị khá rộn ràng trong từng ngõ xóm. Thường thì dăm ba nhà bà con láng giềng rủ nhau “đụng lợn”. Tức là chọn một con lợn ưng ý để nuôi ở một nhà, chờ đến ngày áp Tết mổ thịt chia phần. Những năm đó cha tôi còn ở bộ đội, ít khi được về ăn Tết cùng gia đình. Ở nhà chỉ có mẹ, chị Hòe và tôi. Không có đàn ông trong nhà, mẹ tôi thường hay đụng lợn với các chú, các bác trong xóm.

Năm thì đụng với chú Chiếng, chú Tụy, chú Ngọc; năm thì với bác Thuần, chú Ước… Ngày mổ lợn thật vui. Mọi người dậy từ rõ sớm. Trời mù sương, giá lạnh. Một không khí ấm áp trong âm thanh hỗn tạp đan xen: Tiếng cối xay lúa miệt mài. Tiếng chày giã gạo theo nhịp rền vang. Tiếng người rộn rã nói cười, gọi nhau ý ới. Rồi thì lợn kêu, chó sủa, gà đua nhau gáy vang. Người già và trẻ nhỏ quây quần bên bếp lửa hồng luộc bánh. Tôi dậy rất sớm, lò dò xem các ông bắt lợn, chọc tiết, cạo lông, làm lòng, xẻ thịt. Khi lòng lợn đã luộc chín, vớt ra để ráo nước, mọi người sẽ đổ một ít gạo tẻ vào nước luộc lòng để nấu cháo. Mọi người già trẻ chia nhau xì xụp húp bát cháo loãng nóng hổi, thật ngon và ấm bụng. Và cuối cùng, thế nào tôi cũng nài nỉ xin bằng được cái bong bóng lợn mang về rửa sạch, sấy khô để thổi lên làm bóng, tựa như trẻ nhỏ chơi bóng bay bây giờ. Vui đáo để!

 Đụng lợn ngày Tết. Ảnh minh họa

Đụng lợn ngày Tết. Ảnh minh họa

Ngày 27 tháng Chạp là phiên chợ Sơn - chợ lớn nhất trong vùng - cách nhà tôi chừng 3 cây số. Tôi thường lẽo đẽo theo mẹ đi chợ Sơn. Chợ rộng, rất đông người và đủ loại hàng hóa. Tôi mới lên bảy, tám tuổi, mẹ tôi chưa đầy 40 tuổi. Giữa buổi chợ đông, hai mẹ con dắt díu nhau. Tôi là đứa trẻ trai hiếu động, hiếu kỳ, mẹ sợ tôi lạc, có lúc phải cầm tay. Hai mẹ con lòng vòng đi ngắm chợ, xem người là chính. Mẹ tôi chẳng có gì để bán và không có nhiều tiền để mua. Tôi thường sà vào các chỗ bán bánh kẹo và đồ chơi. Đồ chơi đủ loại: cu cò, trống bỏi, pháo các loại, hoa giấy nhiều màu, cái gì trông cũng thích. Mẹ tôi mua mấy bó hương trầm, vài lạng đường phên, một chai mật mía, một ít miến, mấy miếng cá thu nướng, một chai nước mắm… Cuối cùng là vài ống giang tươi để chẻ làm lạt, mấy tệp lá dong và các thứ khác về đùm bánh chưng, bánh tét. Lớn lên tôi mới biết: Ngày Tết trong Nam thường gói bánh tét. Ngoài Bắc thường gói bánh chưng. Quê tôi - miền Trung - dung hòa, gói cả chưng lẫn tét.

 Một phiên chợ hoa ngày Tết.

Một phiên chợ hoa ngày Tết.

Tôi thường xin mẹ vào hàng thuốc Bắc mua cho một miếng quế chi để thỉnh thoảng nhâm nhi và còn cho bạn bè. Quế vừa ngọt, vừa thơm, vừa cay, trời lạnh gặm nhấm một miếng rất nhỏ cũng ấm người. Hai mẹ con thường dừng lại lâu hơn ở quầy bán quần áo may sẵn. Thứ tôi thích thì mẹ không đủ tiền. Thứ mẹ vừa tiền thì tôi lại không thích. Lật đi lật lại mãi. Dẫu rất thương con, nhưng túi tiền eo hẹp, mẹ tôi chỉ mua được một bộ quần áo vừa phải. Về nhà, quần áo gấp bỏ vào một cái rương gỗ màu đỏ, cất trong buồng. Phải đợi đến sáng Mồng một Tết tôi mới được mặc quần áo mới. Thuở ấy ai cũng vậy thôi. Quần áo cũ mặc đi làm. Bộ mới nhất để dành đến Tết.

Chiều 30 Tết hằng năm, như một sự mặc định, ở quê tôi, mọi gia đình bất kể giàu nghèo đều sắm cỗ về cúng rước ông vải ở nhà con trai trưởng. Mẹ và chị em tôi đội mâm sang cúng ở nhà bác Tần. Hôm đó trên bàn thờ gia tiên có 3 mâm, đại diện cho 3 nhà con con trai của ông nội tôi: Bác Tần là trưởng nam, cha tôi và chú Cát là con trai áp út. Sau khi bày xong mâm cỗ, mọi người từ lớn đến bé, lần lượt thắp hương khấn vái. Phía trước bàn thờ trải một tấm chiếu. Từng người thắp hương rồi chắp tay làm lễ. Cách khấn vái không giản đơn như bây giờ. Sau khi vái 3 lạy, người cúng phải gập đầu nằm úp mặt sát tận đất duỗi chân thẳng ra rồi đứng dậy. Cứ thế, đứng lên sụp xuống 3 lần, trong lúc miệng vẫn đọc lời khấn. Cách cúng ấy, theo tôi, dẫu có cầu kỳ nhưng biểu thị sự thành kính rất cao. Cúng xong, chờ hương cháy gần hết, mọi người theo ngôi thứ, ngồi vào các mâm.

 Tác giả (bên phải) và đồng đội.

Tác giả (bên phải) và đồng đội.

Tết nào cũng vậy, cúng tại nhà con trưởng 2 lần: Chiều tối 30, gọi là rước ông vải; chiều mồng 2, gọi là đưa ông vải. Với chúng tôi, bữa ăn chiều tối 30 Tết là ngon nhất trong năm. Quê nghèo quanh năm ăn uống đạm bạc. Nhưng dẫu nghèo khó đến đâu, chiều tối 30 Tết mọi nhà đều tổ chức ăn uống tươm tất, thịnh soạn. Cái ngon không chỉ vì thức ăn. Hơn thế, đó là bữa ăn sum vầy ấm cúng giữa những người ruột thịt trong gia đình, trong nội tộc. Tôi cho rằng, ngày Tết, phong tục cúng tại nhà con trưởng là một truyền thống văn hóa đẹp. Qua đó, trong bầu không khí huyết thống ấm cúng, là một dịp nhắc nhở, thắt chặt sự đoàn kết, động viên con cháu học tập và làm ăn tốt hơn. Sáng Mồng một, sau khi súng sính trong bộ quần áo mới, tôi được mẹ dẫn sang nhà bác Tần cúng tổ tiên. Trước khi đi bao giờ cũng được mẹ tôi dặn kỹ nói lời chúc Tết. Lời chúc đầu năm ngắn, không dài cầu kỳ, đầy đủ như bây giờ. Chỉ vỏn vẹn một câu thôi: “Năm mới, cháu mừng tuổi ông (hoặc bà, bác, chú,...) ạ”. Kể ra, một câu ngắn như vậy cũng đã nói lên mọi điều. Chiều Mồng một hoặc sáng mồng hai, ba mẹ con chúng tôi đội mâm về cúng và chúc Tết bên ngoại ở làng Xuân Tình, xã Nghi Thịnh, cách nhà hơn 2 cây số. Xong mọi thủ tục lễ nghĩa, phần còn lại đối với lũ trẻ chúng tôi là vui chơi thỏa thích trong mấy ngày Tết…

NGUYỄN MẠNH ĐẨU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tet-xua-trong-ky-uc-763018