TH true MILK chung tay 'vá rừng trên núi đá', bảo tồn đa dạng sinh học
TH true MILK tài trợ hàng ngàn cây giống, chung tay trồng rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và loài linh trưởng quý hiếm tại Sơn La.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5) và Ngày Môi trường Thế giới (5/6), ngày 21/5, tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, đại diện tập đoàn TH đã tài trợ hơn 1.000 cây giống giúp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và chính quyền nhân dân huyện Vân Hồ hiện thực hóa hành động đẹp “Vá rừng trên núi đá”.
Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 300 người, bao gồm lực lượng Đoàn thanh niên xã Vân Hồ, Hội phụ nữ xã Vân Hồ, cán bộ nhân viên tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) và Mạng lưới cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên, những người ủng hộ phục hồi rừng từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Gia Lai, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La…
Giống như vá tấm báo bị rách, chúng ta leo núi vá lại rừng xanh
Huyện Vân Hồ sở hữu dải rừng già trên núi đá vôi với hệ thống động, thực vật đa dạng nhưng diện tích rừng hiện đang bị phân mảnh, suy thoái do áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Ước tính có khoảng 30% diện tích rừng cần được phục hồi để đảm bảo cảnh quan tự nhiên và duy trì sinh cảnh sống cho loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) - loài linh trưởng đặc hữu, cực kỳ nguy cấp trên phạm vi toàn cầu.
Sau nhiều cuộc điền dã điều tra thực địa và phân tích nghiên cứu, các chuyên gia môi trường rừng quyết định chọncách phục hồi những mảng rừng bị chia cắt, suy thoái tại Pa Cốp và Hua Tạt - Vân Hồ bằng phương án bổ sung các loài cây bản địa – vốn là nguồn thức ăn chính của quần thể Vượn đen má trắng quý hiếm. Đây là khu vực sinh cảnh chính của quần thể Vượn đen má trắng hiếm hoi còn lại trong tự nhiên ở châu Á, với 14 cá thể đang được người dân, chính quyền và các tổ chức môi trường bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện đàn Vượn đang đối diện với nguy cơ bị đe dọa về sinh cảnh và nguồn thức ăn do rừng ngày một suy thoái, phân mảnh.
“Giống như hành động vá lại một tấm áo sau quá nhiều lần sử dụng và không biết cách gìn giữ đã bị rách. Bây giờ chúng ta cùng nhau leo núi vá lại rừng xanh!”, chuyên gia về môi trường Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên chia sẻ.
Tại lễ phát động Chương trình, ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu: “Việc phục hồi những mảnh rừng nơi đây không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái, đa dạng sinh học mà còn góp phần hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế thông qua các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…”
Trồng rừng với dân bản bằng trọn tấm lòng
Hôm ấy, chị Phàng Thị Ca - Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ xã Hua Tạt đã cùng 14 chị em tạm dừng việc nhà, trở thành lực lượng quan trọng cùng gần 300 con người gùi hơn 1.000 bầu cây giống, 50kg bom hạt, phân bón hữu cơ… leo núi đá vá rừng.
Sau khi vượt qua nhiều vách núi chỉ thấy đá dựng ngược, đoàn trồng rừng đến được nơi tập kết – là một vạt rừng chỉ còn vài bóng cây bụi thấp tè. Dường như chỉ cần thêm một cơn mưa lũ nữa là vạt rừng này có thể bị xối trôi sạch đất, trơ lại ngày càng nhiều trầm tích đá đang vươn lên cao hơn cả đầu người.
Nhóm trồng rừng ở bản Hua Tạt dừng chân uống nước và trò chuyện làm quen. Thạc sĩ Phan Văn Thăng, điều phối viên dự án của Trung tâm Thiên nhiên và Con người bắt đầu phổ biến nội dung, hướng dẫn địa điểm và cách thức trồng cây với mọi người. Lúc ấy, mọi người mới bất ngờ khi biết, chị Ca đang mang thai ở tháng thứ 6!
Hỏi sao liều lĩnh thế? Chị Ca cứ cười: “Phụ nữ H’Mông toàn thế thôi. Ban ngày leo núi đi làm, đêm về đi đẻ bao đời nay rồi. Có gì phải sợ đâu”.
Hóa ra là vậy, nhưng sao hôm nay chị không đi làm? Leo núi trồng rừng có được tính công không? - “Chẳng được tính gì. BTC chỉ mời bữa cơm trưa tình cảm thôi. Nhưng Tập đoàn TH true MILK từ xa thế vẫn tài trợ đến 1.000 cây giống lại còn nhiều nhóm cá nhân cũng đóng góp tiền của, công sức để “vá rừng”. Tại sao mình lại không đi?”
Trong mạch câu chuyện ấy, chị Ca kể về cháu Xoài, mới học lớp 4, vừa tròn 10 tuổi, là con của một cán bộ Phát triển bền vững ở Tập đoàn TH cũng tham gia sự kiện trồng rừng hôm nay: “Nếu cần hỏi sao liều lĩnh thế thì nên hỏi Xoài và gia đình cháu kìa. Xoài leo rừng không kém người lớn, trồng cây không thua người lớn. Len lỏi khắp nơi xa ơi là xa để ném bom hạt vào đúng trong khe đá như một người H’Mông biết xót hạt tiếc hạt…Tất cả họ đều đến đây cùng trồng rừng với dân bản bằng trọn tấm lòng mong cây sống, cây lớn, có lá cho Vượn ăn, cho rừng giàu, cho dân bớt khó. Vậy tại sao mình không đi?”
Hóa ra là vậy, ngày vá rừng trên núi đá nhận được sự chung sức chung lòng của rất nhiều con người và tổ chức cụ thể.
Tập đoàn TH với định vị “con đường xanh” cho một tương lai bền vững đã luôn là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt thực hiện mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thông qua chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín, sản xuất năng lượng sạch, giảm phát thải carbon, bảo vệ nguồn nước và hàng loạt giải pháp tiêu dùng bền vững.
TH cũng là nhà sáng lập và thành viên của các tổ chức lớn tại Việt Nam trong trách nhiệm hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, như: Sáng lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam - PRO Vietnam, sáng lập Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam - VB4E, là thành viên tích cực của Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi nilon dùng một lần,..
Việc trồng cây xanh vốn được coi là truyền thống thường niên đáng tự hào của toàn bộ CBCNV tập đoàn TH. Riêng năm 2021 - 2022, trong các khu vực nhà máy của TH đã trồng được gần 40.000 cây thân gỗ.
Trưởng Ban Điều phối phát triển bền vững Tập đoàn TH - bà Hoàng Thị Thanh Thủy cho biết: “Chính sách phát triển bền vững của Tập đoàn TH gồm 6t trụ cột: Dinh dưỡng và sức khỏe, Môi trường, Con người, Giáo dục, Cộng đồng, và Phúc lợi động vật. Khi chọn phát triển kinh tế bằng “con đường xanh” chúng tôi hiểu rằng phục hồi hệ sinh thái rừng là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ. TH cam kết đồng hành cùng nhân dân, chính quyền các địa phương và các tổ chức yêu môi trường ở nhiều hoạt động phục hồi và bảo vệ rừng”.
Giống như Cháu Xoài và chị Ca, thấy mệt đó nhưng chọn không dừng tay - những người chọn gác lại ngày chủ nhật cho riêng mình đã cùng nhau đồng hành lên núi đá, vun một nắm đất trồng một bầu cây xanh. Những hành động, những cam kết của những cá nhân, doanh nghiệp yêu môi trường và vì môi trường qua chương trình “Vá trừng trên núi đá” đã và đang kiên định, bền bỉ vô cùng.