Thà ít mà tốt
'Tinh gọn bộ máy', 'tinh giản biên chế' là 2 cụm từ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội trong thời gian gần đây. Với mục tiêu xây dựng một bộ máy của hệ thống chính trị thực sự 'tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả', Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Đây được xác định là một 'cuộc cách mạng', đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì lợi ích chung của tập thể.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Bàn về xây dựng bộ máy nhà nước, cách đây hơn 100 năm, Lê-nin đã viết tác phẩm “Thà ít mà tốt” và thẳng thắn chỉ rõ: “Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp, vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân lực tốt… Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết”.
Xây dựng một bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả là mục tiêu chung mà các quốc gia đều hướng tới. Để làm được điều này, không còn cách nào khác là phải lựa chọn được đội ngũ cán bộ thực sự chất lượng, vừa chắc chuyên môn vừa có tinh thần trách nhiệm và vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Đối chiếu với nguyên tắc “thà ít mà tốt” được Lê-nin chỉ ra, không khó để thấy chúng ta chưa thực sự làm tốt điều này. Thực tế cho thấy, bộ máy hành chính công của nước ta còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; việc phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, thiếu hợp lý. Hệ lụy kéo theo là hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển; tạo kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Tất cả tồn tại, hạn chế, bất cập này đã trở thành rào cản, kìm hãm sự phát triển.
Với mục tiêu phá bỏ những điểm nghẽn để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng ta đang chỉ đạo rất quyết liệt việc tinh gọn bộ máy. Đánh giá khách quan, tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết, không thể trì hoãn. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là việc “phải làm ngay”, “thời gian không chờ đợi”, “càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”… Dĩ nhiên, cuộc cách mạng nào cũng có những “đau thương” nhất định. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của toàn dân tộc, không còn cách nào khác là phải chấp nhận đánh đổi những lợi ích cá nhân. Bởi vậy, tinh thần được đặt ra là “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
“Tự lui” khi không còn phù hợp
Đến nay, nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại bộ máy đang được triển khai xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt. Về cơ bản, quần chúng nhân dân và cán bộ, đảng viên đều đồng tình, ủng hộ và có sự tin tưởng lớn vào thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy gắn liền với việc xuất hiện cán bộ dôi dư. Sẽ có những người từng gắn bó thời gian dài ở các cơ quan trong hệ thống chính trị bị loại bỏ. Bởi vậy, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, đơn vị.
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải: “đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết”, “hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”, “nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên”…
Trong quá trình tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự dũng cảm; thấm nhuần các quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; phát huy lòng tự trọng; chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ tương lai chung của cả dân tộc. Những ai năng lực hạn chế, ngại khó, ngại khổ, sợ trách nhiệm thì hãy mạnh dạn… “đứng sang một bên”, “tự lui” ra khỏi bộ máy, nhường chỗ cho những cán bộ thực sự nhiệt huyết, có năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đó là hành động tôn trọng bản thân và cũng là sự “cống hiến” đáng được ghi nhận.
Nếu như trước đây, cơ quan nhà nước được một số cán bộ năng lực hạn chế, trung bình lựa chọn là “nơi trú ẩn an toàn” thì trong cuộc cách mạng lần này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu kiên quyết loại bỏ tình trạng này. Do đó, cùng với tinh thần tự nguyện, tự giác của từng cá nhân, những người làm công tác tổ chức, cán bộ khi tham mưu tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phải thực sự khách quan, chuẩn xác để có thể giữ chân những người đáng ở lại và đưa ra khỏi bộ máy những người xứng đáng phải ra. Chỉ có như vậy, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/166981/tha-it-ma-tot