Thả nuôi tôm công nghiệp ở Kiên Giang chỉ chiếm 38 - 57% công suất thiết kế
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa chỉ đạo các Sở, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã có chuyến khảo sát trực tiếp, lắng nghe kiến nghị, đề xuất của địa phương và doanh nghiệp (DN) và chỉ đạo các Sở, ngành bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó quan tâm đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng điện, cấp nước.
Đặc biệt là cần xem xét có chính sách khuyến khích các DN đầu tư, đổi mới công nghệ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng sản lượng, giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm rủi ro dịch bệnh, sản xuất bền vững….
Kiên Giang hiện có 10 DN nuôi tôm công nghiệp với tổng diện tích thả nuôi 593 ha, sản lượng thu hoạch 9.952 tấn. Trong đó, 2 DN có diện tích thả nuôi lớn nhất là công ty CP Thủy sản NTFS (Kiên Lương) 172ha, Công ty CP Thực phẩm BIM 139,6ha.
Mặc dù diện tích và sản lượng tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở các DN năm 2021 tăng hơn so năm 2020, nhưng vẫn còn thấp so với diện tích đất được giao trong thời gian qua.
Theo thống kê sơ bộ, giai đoạn 2019-2021, diện tích thả nuôi của các DN chỉ chiếm từ 38% - 57%công suất thiết kế. Trong đó, một số DN gần như tạm ngưng thả nuôi, hoặc chỉ hoạt động thả nuôi với diện tích rất nhỏ như Công ty Thông Thuận, Công ty Vương Quốc Việt.
Nguyên nhân được đưa ra là do năng lực đầu tư còn hạn chế, chậm đổi mới, cải tiến quy trình nuôi; hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thủy lợi; tình hình dịch bệnh, giá tôm thương phẩm biến động thiếu ổn định, nguồn lao động thiếu…/.