Thạc sĩ Việt được Chính phủ Anh công nhận là Tài năng toàn cầu
Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật số, ThS Ngô Lê Huy Hiền vừa được Chính phủ Anh công nhận là Tài năng toàn cầu.
Ngày 7/11 vừa qua, ThS Ngô Lê Huy Hiền (sinh năm 1998, quê Đà Nẵng) chính thức được Chính phủ Anh công nhận là Tài năng toàn cầu (Global Talent), và được chứng nhận là Nhà lãnh đạo mới nổi trong Công nghệ Kỹ thuật số (Emerging Leader in Digital Technology).
“Mình rất bất ngờ khi chỉ sau 7 ngày, hồ sơ của mình được thông qua và chính thức được chứng nhận. Mình đã thực sự bật khóc, vì bao nhiêu cố gắng của mình trong nhiều năm qua cuối cùng cũng đã được ghi nhận”, ThS Huy Hiền chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Tài năng Toàn cầu là chứng nhận được trao cho những cá nhân đã có những thành tích và đóng góp đáng kể trong lĩnh vực của họ ở quy mô toàn cầu. Đây cũng là chứng nhận dành cho những cá nhân đã có những giải thưởng danh giá quốc tế như Nobel, Fields, Oscars, Grammy…
Chứng nhận này được trao cho 3 lĩnh vực gồm Học thuật hoặc Nghiên cứu (Academia or Research); Nghệ thuật và Văn hóa (Arts and Culture); Công nghệ Kỹ thuật số (Digital Technology).
Theo thống kê của Chính phủ Anh, mỗi năm, chỉ khoảng 4 cá nhân ở Đông Nam Á được chứng nhận theo cùng hạng mục mà ThS Huy Hiền được chứng nhận.
Cuộc gặp gỡ đặc biệt
Năm 2020, Huy Hiền tốt nghiệp thủ khoa ngành Khoa học và Kỹ thuật Máy tính tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng. Sau đó, anh theo học chương trình thạc sĩ Erasmus Mundus GENIAL (Mạng máy tính xanh và điện toán đám mây) với học bổng toàn phần từ Ủy ban châu Âu, học tại 3 nước Anh, Pháp và Thụy Điển.
Sau hai năm, anh tốt nghiệp xuất sắc 4 bằng thạc sĩ các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật hệ thống phức tạp, Mạng máy tính xanh và điện toán đám mây.
Tốt nghiệp thạc sĩ, Huy Hiền sinh sống và làm việc ở những vị trí quản lý trở lên cho các công ty công nghệ tại Anh. Nam thạc sĩ đánh giá vị trí cấp quản lý trở lên sẽ nhận mức lương cao, nhưng cạnh tranh rất lớn và khó để được bảo lãnh ở lại.
Vài tháng trước, khi thị thực tại Anh sắp hết hạn, Hiền phải tích cực tìm những công ty có thể bảo lãnh để tiếp tục ở lại làm việc. Song dù nộp hồ sơ và phỏng vấn với khá nhiều công ty, vào đến vòng cuối, các công ty lại từ chối, cũng vì vấn đề bảo lãnh thị thực.
“Có công ty, sau khi mình trả lời phỏng vấn và thuyết trình xong, ban phỏng vấn đã nói họ rất ấn tượng và ngỏ ý muốn gửi thư mời làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, khi biết mình cần bảo lãnh để ở lại làm việc, họ lại để vị trí đó cho một ứng viên khác”, anh nhớ lại.
Lúc đó, Hiền cảm thấy tinh thần đi xuống và bắt đầu nghĩ đến việc rời nước Anh và tìm kiếm cơ hội ở những quốc gia khác.
Hai tháng trước khi hết hạn thị thực, Hiền đặt vé về Việt Nam. Nhưng bất ngờ thay, ngay sau khi đặt vé xong, anh có một cuộc gặp gỡ được coi là “định mệnh”. Chiều hôm ấy, thay vì đi tàu như hàng ngày, Hiền chọn đi xe buýt và vô tình một giáo sư từng dạy anh khi học thạc sĩ ở Anh đã đến và ngồi cạnh.
Trên chuyến xe, anh kể về chuyện mình sắp về Việt Nam và giáo sư đã rất bất ngờ khi biết tin. Sau đó, cô khuyên anh thử sức nộp hồ sơ theo diện Tài năng toàn cầu. Mặc dù đây là diện thị thực khó nhất, cô cũng chưa quen ai từng đỗ theo diện này, nhưng cô đã tích cực động viên và tin tưởng anh sẽ đạt được.
Huy Hiền cảm thấy đây có lẽ không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Anh quyết định thử nộp hồ sơ lần này, coi như là phương án cuối cùng trước khi rời đất nước Anh.
Được chứng nhận chỉ sau 7 ngày nộp hồ sơ
Để được chứng nhận là một Tài năng toàn cầu, cơ quan chứng nhận của Chính phủ Anh sẽ xét duyệt lịch sử thành tích và đóng góp của ứng viên trong nhiều năm. Đặc biệt, những đóng góp chỉ nhằm mục đích và phục vụ trong lúc nộp hồ sơ sẽ không được ghi nhận.
Lĩnh vực chuyên môn của ThS Huy Hiền là Trí tuệ nhân tạo. Để được chứng nhận là Nhà lãnh đạo mới nổi trong Công nghệ Kỹ thuật số, anh phải thỏa mãn nhiều tiêu chí.
Một vài trong số đó là có sự đổi mới với vai trò là người lãnh đạo sản phẩm hoặc công ty công nghệ số; có tài liệu đã xuất bản trong các ấn phẩm chuyên ngành; có đóng góp đáng kể cho những cải tiến kỹ thuật; có đóng góp trong việc đánh giá công việc của những cá nhân khác trong cùng lĩnh vực; đóng góp cho lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật số bên ngoài công việc chính thức; đóng góp học thuật thông qua nghiên cứu bên ngoài công việc và các thành tích học thuật xuất sắc…
Trong 1,5 tháng “cuối cùng” ở Anh, Huy Hiền đã tìm lại toàn bộ những kinh nghiệm liên quan, cùng với đó là liên hệ các giáo sư, doanh nhân, chuyên gia và thầy cô ở nhiều quốc gia - là những người anh từng làm việc cùng - để xin thư giới thiệu.
Anh cũng liên hệ hơn 20 người, là nhân viên hay những người từng được anh dẫn dắt ở nhiều quốc gia, để viết nhận xét về chuyên môn và khả năng lãnh đạo của anh.
Hiện tại, ThS Hiền đã có 12 bài báo nghiên cứu quốc tế được xuất bản trong các tạp chí khoa học uy tín trong lĩnh vực AI và đang có H-index là 7. Anh từng lãnh đạo một dự án hợp tác công nghệ quốc tế về AI với các giáo sư ở Anh và Pháp, và nhận được các quỹ hỗ trợ từ Liên minh châu Âu và các tổ chức cho các nghiên cứu về AI.
Ba năm qua, anh cũng làm người đánh giá (Reviewer) cho các tạp chí nghiên cứu khoa học quốc tế có thứ hạng cao trong lĩnh vực, như Journal of Big Data (Q1), Information Retrieval (Q1), International Journal of Computational Intelligence Systems (Q2), ... và các hội nghị khoa học quốc tế như The 8th International Conference on Computer Science and Application Engineering (CSAE).
Ngoài công việc chính thức, Huy Hiền cũng hướng dẫn hoàn toàn miễn phí cho các cá nhân khác (ngoài mục đích thương mại) trong các dự án nghiên cứu, công nghệ hay nộp đơn vào các chương trình học trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật…
Với những tiêu chí trên, Huy Hiền khiêm tốn tự đánh giá bản thân không phải người quá xuất sắc trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật số, nhưng may mắn dung hợp được các tiêu chí đánh giá.
Tuy nhiên, chính vì những tiêu chí khắt khe và sự cạnh tranh lớn, sau khi hoàn thành và nộp hồ sơ chứng nhận, anh lại không kỳ vọng quá nhiều. Nam thạc sĩ cũng đã lên sẵn kế hoạch khi về Việt Nam và chuẩn bị hồ sơ nộp thị thực ở những nước khác.
Thông thường, hồ sơ chứng nhận sẽ được cơ quan của Chính phủ Anh xử lý trong vòng 8 tuần. Chỉ những ứng cử viên nào thuộc diện đặc biệt xuất sắc, ví dụ như đã có giải thưởng Nobel, Fields, Oscars, Grammy,... thì mới được xử lý theo diện xét duyệt nhanh hồ sơ trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, chỉ sau 7 ngày, Hiền bất ngờ nhận thông báo đạt đủ điều kiện, thành công thuyết phục cơ quan chứng nhận của Chính phủ Anh.
“Mình thực sự cảm thấy rất biết ơn và may mắn khi những đóng góp một cách vô tư của mình trong những năm qua lại bất ngờ thỏa mãn những tiêu chí trong quá trình xét duyệt hồ sơ này”, anh chia sẻ nếu lúc trước không tích cực tình nguyện làm người đánh giá cho các tạp chí khoa học quốc tế, hay tình nguyện hướng dẫn cho các cá nhân trong lĩnh vực, có lẽ anh chưa thể thỏa mãn được các tiêu chí trong quá trình xét duyệt.
Với chứng nhận Tài năng toàn cầu, ThS Hiền được phép làm việc và cư trú vĩnh viễn tại Anh mà không có ràng buộc nào thêm đến khi nhận quốc tịch. Ngoài ra, anh có thể bảo lãnh cho gia đình và người thân.
Đặc biệt, anh sẽ được phép thành lập và đứng tên công ty tại Anh. Công ty được cấp giấy phép sẽ được bảo lãnh công dân từ các quốc gia khác làm việc tại Anh Quốc, bao gồm Việt Nam.
“Với chứng nhận này, mình hy vọng sẽ phần nào có thể hỗ trợ và là cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam được phát triển nhiều hơn tại Anh và châu Âu nói chung”, ThS Huy Hiền nói.