Thạch Kim, Thạch Nhọn
Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) trở thành biểu tượng thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nơi đây, hàng vạn người, từ bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), công nhân, lái xe đến dân công, dân quân, du kích... đã hy sinh tuổi trẻ, xương máu để viết nên những chiến công huyền thoại. Vào những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với bà Lê Thị Nhị, cựu TNXP, là nguyên mẫu trong bài thơ 'Gửi em, cô thanh niên xung phong' của nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Lê Thị Nhị sinh ra và lớn lên ở vùng biển Cửa Sót, xã Thạch Kim (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Tuổi xuân của bà từng trải qua những năm tháng lửa đạn chiến tranh, gắn liền với những cung đường bom rơi, đạn nổ. Năm nay, ở tuổi 79, thời gian đã in dấu lên khuôn mặt bà với những nếp nhăn và vết đồi mồi. Ít ai biết rằng, bà chính là nguyên mẫu trong bài thơ nổi tiếng “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Bài thơ từng làm rung động bao trái tim người đọc.

Cựu thanh niên xung phong Lê Thị Nhị kể lại những năm tháng tuổi xuân ở Ngã ba Đồng Lộc.
Năm 1966, vừa tròn 20 tuổi, Lê Thị Nhị viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP và được điều về Tiểu đội 4, Đại đội 554 (Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh). Lúc ấy, Lê Thị Nhị là cô gái xinh đẹp, đầy sức sống. Dáng người cao ráo, tóc đen, dài buông ngang lưng, nước da trắng hồng nổi bật trong màu áo xanh TNXP. Cô gái ấy nổi bật không chỉ bởi nhan sắc mà còn bởi nghị lực và khí chất mạnh mẽ. Năm 1968, Lê Thị Nhị tự nguyện vào đội cảm tử với nhiệm vụ rà phá bom, đếm bom, cắm cọc tiêu cạnh những quả bom nổ chậm trên tuyến lửa Quốc lộ 15A.
“Biết tin tôi vào đội cảm tử, mẹ tôi vượt mấy chục cây số đến đơn vị, khóc lóc đòi cho tôi về. Bà bảo, nhà chỉ còn hai đứa con gái, một đứa lấy chồng rồi, nếu tôi chết thì bà chẳng còn ai nương tựa. Nhưng tôi ôm lấy mẹ, động viên: Mẹ yên tâm, con không chết được mô. Nếu không có tụi con, làm sao có hòa bình...”, bà Nhị xúc động kể.
Một buổi tối giữa năm 1968, pháo sáng giăng kín trời, Lê Thị Nhị cùng Tiểu đội làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Trong chiếc áo xanh còn mới, cô gái trẻ nổi bật giữa đồng đội, mái tóc dài khẽ bay trong gió, làn da trắng hồng dưới ánh pháo sáng, tạo nên một hình ảnh vừa kiêu hãnh vừa dịu dàng. Đúng lúc ấy, xe của Bộ tư lệnh 559 chi viện cho chiến trường miền Nam đi qua. Khi Nhị cùng một số chị em đang cắm hàng rào xung quanh một hố bom để cảnh báo cho các đoàn xe qua lại, bỗng một anh bộ đội cao ráo, đẹp trai, với chiếc mũi thẳng, giọng nói miền Bắc bước tới. Anh hỏi thăm mọi người rồi tiến lại gần Nhị, hỏi: “Em quê ở đâu?”. Nhị khẽ liếc nhìn anh, rồi trả lời: “Em ở Thạch Nhọn”. Mọi người xung quanh cười khúc khích khiến anh bộ đội ngơ ngác hỏi lại: “Thạch Nhọn là ở đâu?”. Một người khác lên tiếng giải thích: “Thạch Kim đó ạ”. Anh bộ đội quay sang nhìn Nhị và hỏi: “Sao em ở Thạch Kim lại bảo là Thạch Nhọn?”. Nhị mỉm cười đáp: “Kim không nhọn thì răng nựa”. Lại một tràng cười vang lên...
Một câu nói đùa thoáng qua, không ai ngờ lại trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ nổi tiếng “Gửi em, cô thanh niên xung phong” được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam một năm sau đó:
Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất.
Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
Em đóng cọc dài quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để...
Khi bài thơ được phát sóng, đồng chí đại đội trưởng khi ấy lập tức gọi Lê Thị Nhị lên “kiểm điểm” vì tội "lừa bộ đội". Nước mắt lưng tròng, Nhị nghẹn ngào phân trần: “Thủ trưởng có phạt em thế nào, em cũng chịu, nhưng xin đừng đuổi em về quê. Về quê lúc này, em biết giấu mặt vào đâu, xấu hổ với gia đình, bạn bè, làng xóm!”. Sau đó, Nhị chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng, vì đó chỉ là một bài thơ...
Tưởng rằng câu chuyện năm xưa đã ngủ yên cùng những tháng ngày cũ, vậy mà tại Hà Nội vào một buổi chiều năm 2007, bà Nhị gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật, người từng đưa hình ảnh của bà vào những vần thơ cháy bỏng thời chiến. Khi ấy, nhà thơ đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bệnh nặng khiến ông không thể cất lời. Căn phòng lặng như tờ, chỉ có tiếng máy thở đều đều và ánh sáng nhợt nhạt xuyên qua khung cửa sổ. Bà đến gần, cúi xuống, thì thầm rất khẽ vào tai ông như một lời gọi từ miền ký ức xa xôi: “Anh Duật ơi, em là o TNXP ở Thạch Kim năm nào, em là Thạch Nhọn đây...”. Như một phép màu, đôi mắt của nhà thơ bỗng mở to, ánh lên những tia sáng yếu ớt nhưng đầy xúc cảm. Đôi tay ông run rẩy nhấc lên, cố gắng vươn về phía bà như thể muốn chạm vào quá khứ, chạm vào bóng hình người con gái năm xưa từng in đậm trong tâm trí.
Khi hay tin nhà thơ Phạm Tiến Duật rời cõi tạm, bà Nhị lặng lẽ khăn gói ra Hà Nội, đứng lẫn trong dòng người tiễn đưa. Nước mắt âm thầm, lòng bà nghẹn lại vì vừa tiễn biệt một người tri kỷ, một phần của ký ức tuổi trẻ hào hùng vô cùng, đẹp đẽ vô cùng.
Nhắc lại sự hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 24-7-1968, bà Nhị không cầm được nước mắt. Bom rơi như trút xuống "tọa độ lửa" này. Khói lửa mịt mù, đất đá tung lên như muốn xé nát cả bầu trời. 10 đóa hoa tuổi mười tám, đôi mươi vừa hoàn thành nhiệm vụ lấp hố bom, vẫn chưa kịp rời hầm trú ẩn... thì một loạt bom nữa ập đến. Đơn vị của bà Nhị khi đó đang làm nhiệm vụ ở vị trí khác, nghe tiếng bom nổ, lòng bà như thắt lại. Sau đó, cả đơn vị chạy đến, đào bới trong tuyệt vọng...

Tượng đài chiến thắng ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).
Mỗi lần trở lại Ngã ba Đồng Lộc, bà Nhị không giấu nổi nghẹn ngào. Dù chiến tranh đã lùi xa, nơi đây giờ yên bình với rừng thông xanh mát và những hàng bia đá lặng lẽ nhưng trong lòng bà, từng bước chân vẫn gợi lại bao ký ức đau thương xen lẫn tự hào. Trước đây, khi còn khỏe, năm nào bà Nhị cũng về Ngã ba Đồng Lộc, mang theo túi bồ kết, thứ quả mộc mạc mà ngày trước các cô gái thường nhặt về gội đầu sau khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom. Mỗi ngôi mộ, bà đặt ba quả bồ kết lên như một lời thăm hỏi thân thương gửi đến những người chị, người em đã khuất. Phần còn lại, bà đem đến hố bom năm xưa, nơi các cô gái đã nằm xuống rồi châm lửa đốt. Khói bồ kết bay lên, mùi hương ngào ngạt lan tỏa trong gió như lời thì thầm từ quá khứ vọng về.
Đồng Lộc hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới thanh bình và đầy sức sống. Nhưng từng tấc đất nơi đây vẫn thấm đẫm ký ức về một thời máu lửa. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc không những đã trở thành một điểm hành hương linh thiêng mà còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ và nhân dân. Hằng năm, khu di tích đón tiếp hơn 400.000 lượt khách về dâng hương, tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và nghiên cứu, tìm hiểu các hiện vật, tư liệu, hình ảnh, lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về lòng yêu nước, về tấm gương hy sinh anh dũng của 10 cô gái TNXP cùng bao cán bộ, chiến sĩ. Nơi đây mãi là biểu tượng của lòng dũng cảm, sức mạnh, ý chí chiến đấu kiên cường, niềm tin và khát vọng hòa bình.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/thach-kim-thach-nhon-826124