Hạnh phúc khi được tận mắt chiêm bái xá lợi Đức Phật
Xá lợi Đức Phật tôn trí tại chùa Thanh Tâm để tăng ni, phật tử chiêm bái là một trong những hoạt động mở màn cho Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TP.HCM. Những ngày qua, mỗi ngày có hàng chục ngàn người từ khắp nơi về chiêm bái xá lợi Phật được cung thỉnh từ đất nước Ấn Độ xa xôi.
Nghe tin xá lợi Đức Phật được tôn trí tại chùa Thanh Tâm ở huyện Bình Chánh, ngay trong ngày đầu tiên khai mở chiêm bái, bà Trần Thị Lê, ngụ xã An Phú, huyện Củ Chi cùng hơn 80 phật tử đã có mặt ở cổng chùa từ 5h30. Dù phải xếp hàng chờ đợi lâu và mệt mỏi, nhưng sau khi được chiêm bái xá lợi Phật đưa về từ Ấn Độ, bà lại cảm thấy hoan hỉ, an lạc như được tiếp nhận nguồn năng lượng quý báu của Đức Phật.
“Tôi từ Củ Chi lên đây, 2 giờ sáng lên xe tới đây khoảng 5h30, đi chung một đoàn xe từ Tu viện Như Giác. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây, nghe sư phụ trong chùa kêu phật tử đi chiêm bái xá lợi Phật, cầu nguyện bình an, mong cho nhà cửa yên lành, anh em mạnh giỏi” - bà Lê chia sẻ.

Hàng chục ngàn người dân, phật tử khắp nơi đến chiêm bái xá lợi Phật
Theo Hòa thượng Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng thư ký thường trực Đại lễ Vesak tại Việt Nam, việc chiêm bái xá lợi Phật từ Ấn Độ có ý nghĩa rất lớn đối với Đại lễ Vesak 2025 và cộng đồng phật tử tại Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xem Phật giáo và xá lợi Phật là phương tiện ngoại giao quốc tế hiệu quả nhất, trong suốt 10 năm qua ông đã rất trung thành với chính sách này. Do đó việc người dân Việt Nam được chiêm bái xá lợi Phật từ Ấn Độ góp phần tăng cường ngoại giao nhân dân giữa hai nước.
Hòa thượng Thích Nhật Từ cho rằng, đây là cơ hội, là phần quà quý mà Ấn Độ trao tặng cho cộng đồng Phật giáo và người dân Việt Nam.

Xếp hàng chờ vào chiêm bái tại bảo tháp
"Thay vì phải sang Ấn Độ thì mọi người được chiêm bái xá lợi Đức Phật ngay trong nước. Đây là một sự kiện rất quan trọng trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ấn Độ đã xem xét rất kỹ, cử một phái đoàn cấp cao gồm 3 bộ trưởng và đại sứ để ủng hộ Việt Nam hoàn thành đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc lần thứ tư" - Hòa thượng Thích Nhật Từ nói.
Xá lợi Phật được tôn trí tại chùa Thanh Tâm – Học viện Phật giáo Việt Nam, Công viên Láng Le, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh từ nay đến ngày 8/5. Sau đó được cung thỉnh đến núi Bà Đen, Tây Ninh từ ngày 9 - 13/5, tiếp đó sẽ được tôn trí tại chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 14 đến 16/5 và tại chùa Tam Chúc, Hà Nam từ ngày 17 - 21/5 trước khi trở về lại Ấn Độ.

Xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ về Việt Nam tôn trí tại chùa Thanh Tâm, huyện Bình Chánh
Tại TP.HCM, đây là lần đầu tiên diễn ra Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, có 3.000 đại biểu khách mời trong nước và nước ngoài tham dự, cùng hàng ngàn phật tử, người dân đến chiêm bái xá lợi Phật mỗi ngày. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lực lượng tình nguyên viên gồm khoảng 550 sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, 1.000 tăng ni sinh của Học viện Phật giáo, 1.200 người phục vụ hậu cần và 6.000 phật tử các chùa ở TP.HCM.
Tham gia đội tình nguyện với nhiệm vụ hướng dẫn người dân, phật tử đến chiêm bái xá lợi Phật, bạn Đồng Thị Thảo, ngụ quận Bình Thạnh bày tỏ: "Đây là pháp hội đầu tiên mà em cảm thấy ý nghĩa và linh thiêng nhất. Đây là lần đầu tiên xá lợi của Đức Phật được thỉnh về Việt Nam và là lần đầu tiên tại TP.HCM. Là một người dân sinh sống tại TP.HCM, em cảm thấy rất xúc động. Trong những ngày diễn ra Đại lễ, em sẽ tham gia phụng sự tất cả các hoạt động, cố gắng hết sức mình để mọi người có thể chiêm bái xá lợi Phật một cách trang nghiêm nhất”.

Lần đầu tiên tăng ni, phật tử và người dân có cơ hội được chiêm bái xá lợi Phật tại Việt Nam
Tuy phải xếp hàng giữa trưa nắng gắt, chen chúc trong biển người nhưng nhiều người dân, Phật tử vẫn không nản lòng, vì đây là lần hiếm hoi trong đời được có cơ hội chiêm bái xá lợi Đức Phật.
“Đại lễ Vesak rất lớn, dù công việc bận rộn thế nào em cũng cố gắng sắp xếp thời gian đến đây. Khi tiếp xúc với Phật pháp, em học được chân lý của Phật giáo, luôn vững tin, trao đi tình yêu thương, chia sẻ với mọi người. Được có mặt trong Đại lễ này là một niềm vinh hạnh lớn đối với em, với tư cách là một người phật tử” - bạn Hồ Thị Như Ý, một phật tử bày tỏ.