'Thạch Sanh' Tống Toàn Thắng và khao khát nâng tầm xiếc Việt

NSND Tống Toàn Thắng ở tuổi U50 vẫn rắn rỏi, đầy lãng tử với mái tóc dài chấm vai. Trò chuyện với Báo Giao thông, ông say mê nói về hơn nửa cuộc đời gắn bó với ngành xiếc và khát khao đưa xiếc Việt lên tầm cao mới.

Tìm lại hào quang nhờ xiếc trăn

Được khán giả trong và ngoài nước gọi là Thạch Sanh, hay "hoàng tử trăn", vậy ông bắt đầu biểu diễn xiếc trăn từ khi nào?

Năm 1983, tôi ra trường, đi diễn lần đầu tiên tại TP.HCM. Đó cũng là thời hoàng kim của xiếc, đi đến đâu chúng tôi cũng được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Khán giả gửi cả tập thư tay, sướng lắm. Tình yêu với xiếc cũng bắt nguồn từ đó đến bây giờ, dù cho hoàn cảnh thế nào.

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn tiết mục "Ký ức Trường Sơn".

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn tiết mục "Ký ức Trường Sơn".

Những năm 1986-1987, nhiều nghệ sĩ xiếc đi xuất khẩu lao động để lo cho cuộc sống. Tiết mục mà tôi tham gia có 4 người chỉ còn lại mình tôi. Từ một ngôi sao, tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau đó, tôi làm xiếc hề trong mấy năm, lấy ngắn nuôi dài để tập tiết mục mới.

Đến năm 1991, tôi bắt đầu tìm hiểu về trăn, lao vào tập luyện để chuẩn bị cho ngày thành lập Rạp xiếc Trung ương. Tháng 12/1991, tiết mục "Thạch Sanh đánh chằn tinh, giải cứu công chúa" lần đầu ra mắt đã tạo ra hiệu ứng lớn.

Tôi từ một kẻ trắng tay một lần nữa lên đỉnh cao mới. Cái tên mà khán giả, truyền thông ưu ái gọi tôi là "hoàng tử trăn" hay "Thạch Sanh" cũng bắt đầu từ đó.

Nổi tiếng vậy, cát sê của ông liệu có được như các ngôi sao điện ảnh thời ấy?

Tôi công tác tại đơn vị Nhà nước, cát sê đều ở mức quy định, nên không thể đong đếm hay so sánh với các diễn viên điện ảnh. Tất nhiên, khi tìm lại hào quang, cuộc sống kinh tế của tôi được cải thiện. Mới 25-26 tuổi, tôi đã có cơ hội được đi diễn vòng quanh nước Mỹ, Đông Âu, châu Á…

Thời đi lưu diễn, tôi dù là nghệ sĩ trẻ nhưng được chăm sóc, nghỉ ngơi ở những nơi cao cấp mà chỉ những nghệ sĩ cống hiến hàng chục năm mới được đãi ngộ như vậy.

Làm giám đốc vẫn mê diễn

Kể từ khi lên làm Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khán giả ít thấy "hoàng tử trăn" trên sân khấu. Ông có nhớ những tiết mục đã đưa mình lên đỉnh vinh quang?

Dù ở bất kỳ cương vị nào tôi vẫn khát khao được diễn vì đam mê. Với tôi, mục đích cuối cùng vẫn là chinh phục khán giả. Nhưng tôi phải dành thời gian để nâng cao, phát triển ngành xiếc cũng như nâng xiếc Việt lên tầm cao mới.

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn tại chương trình "Đi cùng năm tháng".

NSND Tống Toàn Thắng biểu diễn tại chương trình "Đi cùng năm tháng".

Hiện, ngoài công tác quản lý, tôi còn là đạo diễn, thạc sĩ nghệ thuật sân khấu, không trực tiếp đứng trước khán giả nhưng gián tiếp đóng góp những sản phẩm nghệ thuật, những đứa con tinh thần và đồng hành cùng nhiều đồng nghiệp đi thi quốc tế. Những khi trống lịch, tôi vẫn ra sân khấu diễn hỗ trợ đồng nghiệp, bất kể ở vị trí nào, tôi đều hết mình.

Theo ông, xiếc Việt cần làm gì để phát triển?

Tôi là người có tư duy cởi mở về cả chuyên môn và công tác quản lý. Tôi luôn sẵn sàng đón nhận, thích nghi với sự thay đổi và vận hành của xã hội. Có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật xiếc ở nhiều nơi trên thế giới như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Cuba, Tây Ban Nha… tôi nhận ra rằng phải thay đổi tư duy trong việc đưa xiếc tiếp cận với khán giả.

Ngoài yếu tố chuyên môn, ngành xiếc ở Nga, Trung Quốc luôn sống khỏe, thậm chí ngày càng phát triển qua nhiều thập kỷ còn đến từ truyền thông. Ví dụ như ở Nga, người dân của thủ đô Moscow phải là người biết đến ba loại hình nghệ thuật là xiếc, ba lê và âm nhạc. Họ xếp hàng dài để mua vé xem xiếc, buổi diễn nào cũng không đủ vé để bán.

Ở Trung Quốc, họ còn tạo thành hệ sinh thái để tiêu thụ sản phẩm nghệ thuật bằng cách kết hợp với du lịch, tổ chức biểu diễn và bán vé cùng với các công ty lữ hành. Trong khi đó, tại Việt Nam, thay vì xem xiếc, các hoạt động giải trí vẫn chỉ dừng lại ở xem phim, nghe ca nhạc… Việc khai thác phát triển nghệ thuật như một hệ sinh thái vẫn còn bỏ ngỏ.

Muốn làm được điều đó, nghệ thuật phải đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả, không phải là tiết mục được xây dựng theo một quy chuẩn, đôi khi là lặp đi lặp lại và bắt khán giả phải theo.

Bài toán "cơm áo gạo tiền"

Một vở xiếc cần gì để trở nên hấp dẫn, thưa ông?

Để một vở xiếc hoàn chỉnh cần có đầy đủ các yếu tố: Tính hấp dẫn, hồi hộp, tính thẩm mỹ và không thể bỏ qua tính chất giải trí. Giải trí trong tác phẩm không phải là chiêu trò câu kéo, không phải là bán hàng chợ, càng không để lu mờ những kỹ thuật đỉnh cao của người nghệ sĩ.

Báo chí quốc tế viết về NSND Tống Toàn Thắng.

Báo chí quốc tế viết về NSND Tống Toàn Thắng.

Ngoài ra, những đạo diễn sân khấu, những nghệ sĩ cần có sự tìm hiểu về xu hướng, tận dụng lợi thế về sân khấu, từ âm thanh, hình ảnh đến trang phục để xây dựng một kịch bản hoàn hảo.

Đó là lý do tôi đưa xiếc kết hợp với sân khấu kịch, cải lương, rock… khai thác ở nhiều đề tài như văn hóa truyền thống, ngành nghề để có thể chiều lòng được tất cả các đối tượng gián giả khác nhau. Tôi muốn thế giới nhìn thấy, đây không phải người Việt Nam làm xiếc, mà loại hình xiếc này là thương hiệu riêng của Việt Nam.

Với những thay đổi ấy, đời sống của nghệ sĩ xiếc bây giờ như thế nào, thưa ông?

Ngành xiếc vẫn được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, đặt hàng tiết mục. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải vừa diễn để thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa tính bài toán "cơm áo gạo tiền". Lương thấp khiến nhiều nghệ sĩ đành phải từ bỏ nghề. Điều đó là bài toán rất đau đầu với người quản lý.

Tuy mức bồi dưỡng cho các nghệ sĩ chỉ có 200.000 đồng/buổi nhưng nếu cố gắng tăng số lượng buổi diễn lên thì nghệ sĩ sẽ có thu nhập nhiều hơn. Đó cũng là cách chúng tôi cố giữ và đảm bảo cho các bạn diễn viên có sự bình ổn để cống hiến.

Cảm ơn ông!

NSND Tống Toàn Thắng sinh năm 1967, tốt nghiệp Trung học Xiếc Việt Nam năm 1983. Ra trường, ông làm việc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho đến nay. Ông giữ vị trí Phó trưởng Đoàn xiếc 3 từ năm 2009-2011, trước khi giữ chức Trưởng đoàn vào năm 2012. Năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Tháng 11/2017, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu NSND từ năm 2019. Tháng 1/2023, ông giữ chức Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Dung Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thach-sanh-tong-toan-thang-va-khao-khat-nang-tam-xiec-viet-192240910010434073.htm