Thạch Thành khơi dậy tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP
Từ 9 sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2023, huyện Thạch Thành phấn đấu có thêm từ 6-8 sản phẩm OCOP. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Gia đình anh Trần Tiên Sinh và chị Trần Thị Mai (thôn Tiên Hương, xã Thành Tân) đã xây dựng thành công thương hiệu Thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai. Từ năm 2015, chị Mai bắt đầu làm món thịt trâu gác bếp, ban đầu chỉ làm để sử dụng trong gia đình, tiếp khách, sau đó chị đầu tư máy móc làm sản phẩm để kinh doanh. Gia đình chị Mai vốn có trang trại nuôi trâu bò với quy trình khép kín, vì vậy ngay từ đầu đã giải quyết được nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn và chất lượng.
Cho đến nay, gia đình chị Trần Thị Mai đã đưa hàng nghìn sản phẩm thịt trâu gác bếp đến tay người tiêu dùng, trở thành địa chỉ cung cấp thực phẩm uy tín không chỉ ở xứ Thanh mà còn xuất đi các tỉnh thành khác trên cả nước. Thịt trâu gác bếp 36 Sinh Mai được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022.
Ngược lên vùng đất Thành Minh, chúng tôi có dịp đến thăm Hợp tác xã miến dong Thành Minh do bà Trương Thị Thuần làm giám đốc. Bà là một trong những người đầu tiên đưa cây dong trở thành sản phẩm miến dong đặc sản trên vùng đất này. Từ tổ hợp tác chỉ có vài thành viên được thành lập từ năm 2017, với mong muốn đưa sản phẩm miến dong ngày càng phát triển, từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hợp tác xã miến dong được thành lập cuối năm 2020 và bà Thuần được các thành viên tín nhiệm bầu là giám đốc hợp tác xã.
Theo bà Thuần, tất cả quy trình sản xuất miến dong Thành Minh từ chọn nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến đều thực hiện khép kín, đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Với lợi thế về điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch từ các khe suối nguồn nên miến dong Thành Minh thơm ngon. Miến có màu mộc óng tự nhiên, sợi dai giòn, khi nấu không bị nát. Sản phẩm miến dong Thành Minh đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022, nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của khách hàng trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... Nhờ vào việc đầu tư máy móc, cơ sở vất chất, mở rộng quy mô sản xuất, miến dong Thành Minh đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Tại xã Thành Tâm, nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng kỹ thuật chăm sóc tốt, cây ổi sinh trưởng, phát triển tốt. Ổi trồng ở vùng đất Thành Tâm được đánh giá có thơm, giòn, đậm vị, là cây trồng đem lại thu nhập lớn cho người dân.
Trước kia gia đình anh Bùi Anh Kiều, thôn Vạn Bảo, xã Thành Tâm chỉ trồng 1,5 ha các loại ổi, nhãn, chanh, bưởi. Nhận thấy cây ổi phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên năm 2017 anh mở rộng diện tích lên 5 ha. Hiện gia đình anh có hơn 1 vạn cây ổi, sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng mỗi năm.
Năm 2020, xã Thành Tâm thành lập Hợp tác xã (HTX) ổi Thành Tâm với 10 hộ tham gia, anh Bùi Anh Kiều là Giám đốc. Hiện nay, ổi của gia đình anh nói riêng và HTX nói chung được chứng nhận VietGAP, ổi của HTX Thành Tâm đạt sản phẩm OCOP năm 2021.
Là người con sinh ra và lớn lên ở Vân Du, vùng đất có diện tích cây ăn quả có bưởi, cam lớn nhất huyện Thạch Thành, ông Trịnh Huy Hùng đã đầu tư trồng các loại cây ăn quả trên diện tích 15 ha, trong đó nổi bật là cây cam. Năm 2022, sản phẩm cam mang thương hiệu Hùng Hải trở thành sản phẩm OCOP. Đây là sản phẩm đầu tiên được thị trấn Vân Du lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP.
Hiện nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện Thạch Thành là 2.602 ha, diện tích trồng tập trung là 1.362 ha, trồng chủ yếu tại thị trấn Vân Du, các xã: Thạch Quảng, Thành Công, Thành Minh, Thành Tâm, Thành Tân, Thạch Cẩm. Phát triển cây ăn quả ở huyện Thạch Thành trong những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời là cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạch Thành cho biết: Thời gian qua, với vai trò tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm ở cấp huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thạch Thành đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ thể thực hiện các bước, thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ, quy trình, đảm bảo ATTP, chứng nhận VietGAP, mẫu mã, tem mác đảm bảo trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP đem lại thu nhập, phát triển kinh tế cho chủ thể, địa phương, góp phần xây dựng chương trình nông thôn mới của huyện.
Năm 2023, huyện Thạch Thành phấn đấu có từ 6-8 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Đến ngày 7-2, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã chấm điểm và 2 sản phẩm là cam Vy Giang của Công ty TNHH MTV Vy Giang, thị trấn Vân Du và gạo nếp hạt cau Phú Quý, Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh nông nghiệp xã Thạch Đồng. Huyện đang tiếp tục xét thêm 2 sản phẩm là giò lụa Cường Tâm, xã Thành Hưng và bánh lá Tiến Hưng, Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh nông nghiệp Thạch Định.