Thạch Thành phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành đã ban hành kế hoạch, giải pháp để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thị trấn Vân Du ưu tiên phát triển cây ăn quả chủ lực.

Huyện đã tích cực rà soát kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp chủ lực nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Cùng với đó, huyện đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 10-1-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến 2030. Địa phương cũng khuyến khích doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình, cá nhân thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Các xã, thị trấn cũng rà soát và chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, mía, sắn... kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Thạch Thành đã lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để đầu tư mới và hoàn thiện các công trình về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung. Lấy khoa học - kỹ thuật là khâu then chốt, huyện đã đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ưu tiên các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và lâm sản chủ lực, nhất là liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Thạch Thành đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp liên kết theo hướng sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình, như: Mô hình sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại các xã Thạch Quảng, Thành Vinh, Thạch Cẩm... cho năng suất bình quân hơn 80 tấn/ha; liên kết trồng bí xanh, ớt, dưa chuột xuất khẩu; trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh (quy mô hơn 20 ha/mô hình) tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du cho doanh thu từ 200 - 300 triệu đồng/ha; trồng thanh long với quy mô 5 ha/mô hình tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; trồng mít Thái, ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm cho doanh thu từ 150 - 200 triệu đồng/ha...

Cùng với phát triển trồng trọt, huyện Thạch Thành đẩy mạnh tái cơ cấu đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chăn nuôi lợn tập trung, quy mô công nghiệp tại các xã Thạch Lâm, Thạch Tượng. Trong lâm nghiệp, huyện xây dựng phương án và thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC đối với sản phẩm lợi thế là cây gỗ rừng trồng.

Huyện Thạch Thành phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 8%, sản lượng lương thực ổn định 53.000 tấn, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 136,5 triệu đồng/ha. Huyện cũng phấn đấu diện tích gieo cấy lúa đạt 8.700 ha, sản lượng lúa 48.698 tấn; rau, quả 2.300 ha, sản lượng 28.143 tấn; cây ăn quả 2.854 ha, sản lượng 57.080 tấn; mía 4.500 ha, sản lượng 317.190 tấn; đàn gia cầm 1 triệu con, thịt hơi 2.300 tấn, trứng 6,5 triệu quả; đàn lợn 350.000 con, thịt hơi 50.500 tấn; trâu 13.650 con, sản lượng 1.700 tấn; bò 9.407 con, sản lượng thịt 1.167 tấn; gỗ rừng trồng 12.487 ha, sản lượng 105.890m3... Để đạt được mục tiêu đó, ông Hoàng Minh Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Ngành nông nghiệp của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cụ thể đến từng sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, xác định rõ vị trí, quy mô, sản lượng, giá trị, thương hiệu, định hướng thị trường tiêu thụ cho từng sản phẩm và định hướng phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Địa phương tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt...

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thach-thanh-phat-trien-cac-san-pham-nong-nghiep-chu-luc/181034.htm