Thách thức an ninh mạng khi Việt Nam bước vào thời đại 5G và IoT

Kỷ nguyên số đang mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có cho Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức an ninh mạng nóng hơn bao giờ hết.

Tình hình an ninh mạng trong nước

Tại buổi Tọa đàm "An toàn thông tin trong kỷ nguyên số" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh mạng trong thời gian qua.

Theo số liệu đáng báo động từ Kaspersky, chỉ trong quý 3 năm 2024, hơn 5 triệu mối đe dọa mạng đã được phát hiện tại Việt Nam, với gần 1/5 người dùng Internet trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công. Sự phát triển vũ bão của công nghệ 5G và IoT, dù mang lại nhiều tiềm năng, lại vô tình mở ra những lỗ hổng bảo mật mới, khiến tình hình an ninh mạng càng thêm phức tạp.

Ông Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, nhấn mạnh rằng kỷ nguyên số đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong kinh tế, xã hội và văn hóa. Chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế mà còn giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là thách thức lớn về an toàn thông tin. Những lỗ hổng bảo mật, các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng đang đặt ra nguy cơ không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nhà nước và an ninh quốc gia.

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM đã chia sẻ về các hình thức lừa đảo, thao túng tâm lý mà ai cũng có thể sập bẫy. Điều này cho thấy mức độ tinh vi của các cuộc tấn công mạng trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng.

 Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM. Ảnh: TIỂU MINH

Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM. Ảnh: TIỂU MINH

Những giải pháp bảo vệ an toàn thông tin

GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh - UEH, nhấn mạnh rằng các cuộc tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và cá nhân, mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia. Ông kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.

Để đối phó với các cuộc tấn công mạng, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, ĐH Luật TP.HCM cho rằng cần tạo khung pháp lý vững chắc để xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư vào công nghệ tường lửa, endpoint và các giải pháp bảo mật tiên tiến khác, như khuyến nghị của ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An ninh mạng Việt Nam. Việc thường xuyên đánh giá và nâng cấp hệ thống an ninh mạng cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Tuy nhiên, công nghệ thôi chưa đủ. GS.TS Võ Xuân Vinh cho rằng nâng cao nhận thức của người dùng chính là "vắc xin" phòng ngừa hiệu quả nhất. Cần thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng, trang bị kiến thức và kỹ năng để người dùng tự bảo vệ mình trước các mối đe dọa.

 Nâng cao nhận thức của người dùng chính là "vắc xin" phòng ngừa hiệu quả nhất các cuộc tấn công an ninh mạng. Ảnh: TIỂU MINH

Nâng cao nhận thức của người dùng chính là "vắc xin" phòng ngừa hiệu quả nhất các cuộc tấn công an ninh mạng. Ảnh: TIỂU MINH

Trở về trang chủ

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/thach-thuc-an-ninh-mang-khi-viet-nam-buoc-vao-thoi-dai-5g-va-iot-post821994.html