Thách thức bủa vây nước Mỹ

Trong khi giới chuyên gia dự đoán số ca mắc Covid-19 ở Mỹ sẽ vượt Trung Quốc vào tháng 4 tới, theo số liệu do trường Đại học Johns Hopkins công bố ngày 27-3, Mỹ đã đứng đầu thế giới với hơn 85.000 ca, trong đó hơn 1.100 người tử vong.

Trong khi giới chuyên gia dự đoán số ca mắc Covid-19 ở Mỹ sẽ vượt Trung Quốc vào tháng 4 tới, theo số liệu do trường Đại học Johns Hopkins công bố ngày 27-3, Mỹ đã đứng đầu thế giới với hơn 85.000 ca, trong đó hơn 1.100 người tử vong.

Diễn biến khó lường này khiến chính trường và nền kinh tế Mỹ chao đảo, số lượng người thất nghiệp tăng cao kỷ lục. Các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở ngay cả quốc gia phát triển nhất cũng đang bị quá tải - và dự đoán có khoảng 1,8 triệu người trên toàn thế giới có thể chết vì căn bệnh này trong năm nay.

Người dân xếp hàng bên ngoài Trung tâm Y tế Elmhurst ở Queens, New York, Mỹ để được xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: AFP

Người dân xếp hàng bên ngoài Trung tâm Y tế Elmhurst ở Queens, New York, Mỹ để được xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: AFP

Vì sao Mỹ có số người nhiễm cao nhất thế giới?

Mỹ hiện có số ca nhiễm Covid-19 cao hơn bất cứ nước nào trên thế giới, với 85.500 người dương tính với SARS-CoV-2.

Theo số liệu mới nhất mà Đại học Johns Hopkins thu thập được, Mỹ hiện đã vượt Trung Quốc (gần 82.000 ca) và Italia (hơn 80.000 ca) về số ca nhiễm. Nhưng số ca tử vong ở Mỹ hiện là 1.200, hiện vẫn thấp hơn Trung Quốc (3.291) và Italia (8.215). Cột mốc nghiệt ngã này xảy ra vào lúc Tổng thống Donald Trump dự đoán nước Mỹ sẽ hoạt động trở lại “nhanh chóng”. Khi được hỏi về con số tăng vọt này trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng rạng sáng 27-3 (giờ Việt Nam), ông Trump nói đó là do “số lượng lớn các cuộc xét nghiệm mà chúng ta đang làm”. Phó Tổng thống Mike Pence nói, hiện các bộ xét nghiệm đã được cung cấp cho 50 bang của Mỹ và đã có 552.000 xét nghiệm được thực hiện. Ông Trump cũng tỏ ra nghi ngờ số liệu của Trung Quốc. Ông nói với các phóng viên: “Quý vị không biết số liệu thực tế ở Trung Quốc là bao nhiêu”.

Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn ở quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới này với số ca nhiễm tăng nhanh hàng ngày. Theo nghiên cứu của trường đại học Washington, Mỹ sẽ có khoảng 38.000-162.000 người tử vong trong vòng 4 tháng tới bởi dịch Covid-19 và các bệnh viện có thể sẽ bị quá tải vào tuần thứ 2 của tháng 4. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin NBC News, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng, Mỹ "rất có thể rơi vào suy thoái", nhưng tiến trình kiểm soát sự lây lan của dịch sẽ quyết định đến thời điểm nền kinh tế số 1 thế giới này có thể mở cửa trở lại hoàn toàn.

Những con số này làm bùng lên những chỉ trích từ các quan chức y tế nhằm vào tuyên bố của Tổng thống Trump về việc cân nhắc nới lỏng biện pháp giữ khoảng cách xã hội và đưa người lao động quay trở lại làm việc. Giới chuyên gia cho rằng, những thông điệp trái chiều của Nhà Trắng về quy mô, mức độ của dịch bệnh cũng như các biện pháp đối với dịch bệnh dẫn đến việc thực hiện không thống nhất các biện pháp đối phó với mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng này.

Bầu cử tổng thống liệu có bị hoãn?

Nhiều cuộc bầu cử ở các nước đã bị hoãn. Các giải đấu thể thao lùi vô thời hạn. Ngay cả Olympic 2020 cũng chính thức hoãn đến năm 2021. Và trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh đang phức tạp ở Mỹ, đã có nhiều nguồn tin nói về khả năng hoãn bầu cử Tổng thống được chờ đợi vào tháng 11 tới.

Hồi đầu tuần trước, người đứng đầu cơ quan y tế bang Ohio, bác sĩ Amy Acton, đã hoãn cuộc bầu cử sơ bộ bang, theo kế hoạch diễn ra ngày 17-3 sau khi được Thống đốc Mike DeWine và Tòa án Tối cao tiểu bang chấp thuận. Theo luật, quyết định trì hoãn cuộc bầu cử này là đúng và có cơ sở. Tuy nhiên, việc trì hoãn cuộc bầu cử sơ bộ của tiểu bang này có thể gây ra lo ngại rằng, các quan chức khác ở các tiểu bang khác, thậm chí cả Tổng thống Trump, có thể hành động tương tự.

Tuy nhiên, cho đến nay, ông Trump vẫn tỏ ra bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế công cộng bằng cách đề nghị người Mỹ quay trở lại làm việc để giúp kích thích nền kinh tế. Ngay cả khi nhà lãnh đạo này muốn trì hoãn cuộc bầu cử vào tháng 11, quyết định cũng không nằm trong tầm tay. Theo luật, một quyết định hủy bỏ bầu cử chỉ có thể xảy ra khi được Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu đảng Cộng hòa muốn thay đổi luật này, họ sẽ cần phải vượt qua Hạ viện, nơi phe Dân chủ đang chiếm đa số. Nhưng khả năng này là rất mong manh. Trường hợp cuộc bầu cử năm 2020 bị hủy bỏ sẽ còn nhiều rối ren hơn. Kết quả có thể là một nhiệm kỳ gia hạn với Tổng thống Trump, và hậu quả dễ thấy nhất sẽ là sự hỗn loạn trong Nội các Mỹ.

Đã có nhiều ý kiến phản đối việc hoãn bầu cử. “Chúng ta thậm chí đã bỏ phiếu giữa cuộc Nội chiến. Chúng ta đã bỏ phiếu vào giữa Thế chiến I và II. Và vì vậy, ý tưởng hoãn bầu cử là không thể”, Joseph R. Biden Jr., một người ủng hộ đảng Dân chủ nói với AFP. Tuy nhiên, mối lo dịch bệnh đang khiến mọi việc không có gì là chắc chắn. Giới quan sát nhận định, mọi việc đều có thể xảy ra nhất là dưới sự điều hành nước Mỹ của ông Trump.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_222429_thach-thuc-bua-vay-nuoc-my.aspx