Thách thức chờ đón tham vọng xe điện của Huawei

Tham vọng trở thành nhà cung ứng phần mềm cho xe điện của Huawei đối mặt nhiều thách thức từ lệnh cấm của Mỹ, cạnh tranh tại quê nhà cũng như thương hiệu.

Tại diễn đàn China EV 100 Forum cuối tuần trước, Chủ tịch luân phiên Huawei Richard Yu Chengdong chia sẻ các nhà sản xuất xe hơi của châu Âu, Nhật Bản và Mỹ sẽ không sử dụng giải pháp của họ vì lệnh cấm vận của Mỹ. Trong khi đó, các hãng xe điện lớn ở quê nhà cũng không hợp tác với họ vì tham vọng riêng và muốn hạn chế phụ thuộc vào dịch vụ bên thứ ba. Vì thế, khách hàng của Huawei chỉ giới hạn trong các thương hiệu ô tô truyền thống.

 Huawei bán xe hơi trong cửa hàng tại Thâm Quyến, Trung Quốc hồi tháng 4/2021. (Ảnh: SCMP)

Huawei bán xe hơi trong cửa hàng tại Thâm Quyến, Trung Quốc hồi tháng 4/2021. (Ảnh: SCMP)

Chia sẻ của ông Yu bộc lộ sự thật phũ phàng mà Huawei phải đối mặt, đó là chặng đường của hãng trên thị trường xe điện nội địa sẽ không bằng phẳng. Mảng kinh doanh này đòi hỏi cam kết đầu tư khổng lồ nhưng nhóm khách hàng lại hạn chế.

Năm 2022, bộ phận non trẻ mang về 2,1 tỷ NDT (305 triệu USD) cho Huawei, sinh lợi thấp nhất trong 6 ngành mà công ty đang theo đuổi. Hãng bắt đầu xoay sang mảng ô tô sau khi mảng tiêu dùng – đặc biệt là smartphone – bị thiệt hại do các lệnh cấm vận của Mỹ. Doanh thu của bộ phận này năm ngoái giảm 11,9% xuống 214,5 tỷ NDT.

Công ty vận dụng ba mô hình kinh doanh khi làm việc với các nhà sản xuất xe hơi: cung ứng linh kiện, cung ứng phần mềm và dịch vụ (thông qua Huawi Inside) và hợp tác thiết kế, bán hàng (thông qua Huawei Select).

Theo ông Yu, mô hình cung ứng linh kiện - với các đối thủ như Robert Bosch GmbH và Continental Automotive Components – không khả thi vì sức mạnh của Huawei nằm ở phần mềm, dịch vụ đám mây và công nghệ truyền thông hơn là linh kiện xe hơi.

Gần đây, Huawei Inside cũng gặp áp lực và chỉ còn một đối tác là Avatr của Changan Automobile sau khi Guangzhou Automobile Group (GAC) rút khỏi dự án hợp tác phát triển. Tháng 7/2021, GAC và Huawei công bố dự án 788 triệu NDT phát triển mẫu xe SUV điện AH8. Tuy nhiên, gần đây GAC đã “chia tay” đối tác để tài trợ hoàn toàn cho AH8. Tổng số tiền đầu tư tăng lên 1,23 tỷ NDT. Vai trò cung ứng linh kiện của Huawei cho công ty con Aion của GAC cũng giảm đi.

Theo nguồn tin của SCMP, Aion có “công nghệ lõi” và nguồn vốn dồi dào cần thiết để tài trợ cho hoạt động R&D riêng. Vì vậy, họ quyết định tự mình phát triển xe sau khi cân nhắc tác động đến việc niêm yết cổ phiếu tiềm năng trong 2 năm tới.

Với Huawei Select, hãng khai thác khả năng sản xuất của Seres, một thương hiệu xe hơi Trung Quốc. Select cho phép các doanh nghiệp tiếp cận năng lực thiết kế sản phẩm, tiếp thị và bán hàng của Huawei. Theo mô hình này, "ông lớn" công nghệ phải tìm cách quảng bá tốt nhất cho những mẫu xe mà họ hỗ trợ phát triển.

Aito, thương hiệu xe Huawei hợp tác cùng với Seres, được giới thiệu vào đầu tháng 3 trên Weibo và thông báo sẽ đổi tên thành “Huawei Aito”. Tuy nhiên, theo truyền thông Trung Quốc, kế hoạch bị nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hủy bỏ. Ông nhấn mạnh công ty không trực tiếp sản xuất xe.

Giám đốc điều hành Eric Xu Zhijun xác nhận điều này trong hội nghị thông báo kết quả kinh doanh thường niên 2022. Ông cho biết, ban lãnh đạo thay đổi hướng đi vì một số doanh nghiệp đã “lợi dụng” thương hiệu Huawei trước đây. Ông nói thêm rằng, ngoài Seres, Chery Automobile, BAIC Motor, Anhui Jianghuai Automobile cũng sẽ sản xuất xe điện Aito.

(Theo SCMP)

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thach-thuc-cho-don-tham-vong-xe-dien-cua-huawei-2128455.html