Thách thức chuyển đổi năng lượng xanh
Để chuyển đổi năng lượng tái tạo, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), là một thách thức cho nền kinh tế. Theo cam kết này, các quốc gia bảo đảm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; đồng thời loại bỏ dần năng lượng hóa thạch, phát triển năng lượng sạch, giảm phát thải nhà kính.
Bước ngoặt lịch sử trong ứng phó biến đổi khí hậu
Việc chuyển đổi năng lượng xanh (điện tái tạo) đang là xu hướng của thế giới, mà nhiều quốc gia phát triển đã đạt những thành tựu bước đầu rất đáng khích lệ. Tình trạng dư thừa nguồn cung năng lượng tái tạo khiến giá điện ở các nước châu Âu rơi xuống mức âm vào một số thời điểm ban ngày, là một minh chứng, dù châu Âu từng đối diện với rất nhiều khó khăn về nguồn cung năng lượng khi xung đột quân sự Nga - Ukraine xảy ra.
Để đi đến quyết định này không đơn giản, với nhiều cuộc tranh luận rất gay gắt của nhiều bộ ngành liên quan, trước khi ký cam kết lịch sử COP26. Nhiều ý kiến cho rằng các nước phát triển cao, hàng trăm năm qua đã thải ra môi trường lượng CO2 khổng lồ, mà hậu quả làm cho tình hình biến đổi khí hậu tồi tệ đến mức báo động như hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nếu tham gia công ước này sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi, đặc biệt phải thay đổi căn bản nền kinh tế.
Nhìn cách Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN) đang loay hoay tìm nhiều cách để đưa hơn 4.600 MW điện tái tạo "tồn đọng" lên lưới, mới thấy thách thức trong việc chuyển đổi năng lượng tái tạo ở nước ta khó khăn như thế nào. Trong khi đó, Quy hoạch điện VIII đã đặt yêu cầu ưu tiên phát triển nguồn điện tái tạo, với rất nhiều thách thức ở phía trước. TS Đỗ Nam Thắng, chuyên gia về môi trường và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng cam kết COP26 là bước ngoặt lịch sử trong chính sách ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam, đưa Việt Nam hội nhập cùng khoảng 140 nước trên thế giới thực hiện NetZero vào năm 2050.
Số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chỉ tính riêng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, công suất tiềm năng đạt khoảng 475 GW. Cũng theo WB, hơn 39% khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 mét/giây, tương đương công suất 512 GW. Việt Nam có tiềm năng lớn với 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại điện gió lớn. Một số nghiên cứu của các tổ chức khác, công suất này có thể đạt đến hơn 900 GW. Tiềm năng này lớn hơn cả Indonesia và Philippines.
Về năng lượng mặt trời, theo bản đồ bức xạ do WB phát triển, tiềm năng của Việt Nam về mặt lý thuyết là rất lớn. Cường độ bức xạ mặt trời dao động từ 897 - 2108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước. Qua phân tích kết quả tính toán tiềm năng kỹ thuật của điện mặt tời, tổng diện tích khả dụng là rất lớn, chiếm gần 14% tổng diện tích toàn quốc, với tiềm năng kỹ thuật khả dụng đến 1.677.461 MW.
Giá điện tái tạo ngày càng rẻ do công nghệ phát triển rất nhanh. Hiện tại giá công nghệ của năng lượng gió và mặt trời đang ở mức có thể cạnh tranh được với điện khí, dự báo sẽ còn tiếp tục giảm vì công nghệ ngày càng phát triển. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư các dự án điện tái tạo ở nước ta vừa qua có tranh chấp gay gắt về giá bán điện cho EVN. Chính phủ cũng thấy rõ vấn đề này nên yêu cầu giá bán điện phải phù hợp với sức mua của người dân, sức chịu đựng của nền kinh tế, lợi ích phải hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ.
Cần 500 tỷ USD để thực hiện
Các quốc gia phát thải nhiều khí nhà kính cần phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực, chuyển đổi năng lượng phù hợp theo điều kiện của từng quốc gia. Đó là lý do khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo nhiều nước phát triển, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng hôm 20-5-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các nước G7 và các đối tác góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và lợi thế, trở thành trung tâm năng lượng tái tạo khu vực.
Phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về "Chuyển đổi năng lượng công bằng và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu" diễn ra ngày vào 26/5/2023 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt bày tỏ lo ngại trước các tác động gia tăng của biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu cũng như ở Việt Nam, từ đó khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Theo báo cáo của WB năm 2022, nếu không có biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, đến năm 2050, GDP mỗi năm của Việt Nam có thể giảm 12-14,5% do tác động của biến đổi khí hậu. Tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và quyết định tham gia JETP với một số nước G7 và đối tác quốc tế khác, nhằm vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, vừa chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam sẽ đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn và dài hạn. Nhu cầu về vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam là rất lớn. Đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD và vào năm 2050 là hơn 500 tỷ USD. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu có 40% lượng điện tiêu thụ đến từ năng lượng tái tạo và tăng lên 70% vào năm 2050. Đó là thách thức rất lớn trong việc chuyển năng lượng xanh.
Chuyển đổi năng lượng xanh đem lại nhiều lợi ích rất quá rõ ràng, đặc biệt đối với quốc gia như Việt Nam đang phải chịu nhiều ảnh hưởng của thực trạng biến đổi khí hậu. Chuyển đổi năng lượng xanh cũng mở ra một con đường dẫn đến mô hình phát triển mới cho Việt Nam. Có cơ hội để xây dựng một nền kinh tế vững chắc hơn, không bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng nhìn vào thực tế thành quả ban đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, thấy vẫn còn quá nhiều bất cập, thậm chí chuyển động chậm chạp.
Theo nghiên cứu Quy hoạch điện VII, dù đã có điều chỉnh quy hoạch từ đầu năm 2016, vẫn xem điện than là nguồn cung ứng điện lớn nhất, khi xác định đến năm 2030, tổng công suất 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ. Để đạt mục tiêu này sẽ phải xây dựng thêm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than, tương đương 25 nhà máy vào năm 2030. Đó là lý do có năm Việt Nam đưa vào sử dụng 2 nhà máy điện than.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đã và đang từ bỏ điện than. Kinh nghiệm của Ba Lan - nước xuất khẩu than lớn và có nhiều nhà máy điện than nhất châu Âu cho thấy, Ba Lan chính là quốc gia ô nhiễm cao nhất châu lục này. Indonesia cũng là nước xuất khẩu điện than, có nhiều nhà máy điện than cũng đang dần loại bỏ. Việt Nam cũng tương tự, khi một số địa phương từ chối điện than; Quy hoạch điện 8 cũng đề xuất bỏ 5 dự án điện than...
Một vấn đề rất quan trọng là truyền tải cũng đã điều chỉnh trong Quy hoạch điện VII: "Xây dựng và nâng cấp lưới điện, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của lưới điện truyền tải; đến năm 2020, lưới điện truyền tải đạt tiêu chuẩn độ tin cậy N-1 cho các thiết bị chính và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định... Ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh trong truyền tải điện".
Quy hoạch rõ ràng như vậy, nhưng vì sao ngay trong thời điểm tháng 5/2023, truyền tải vẫn không theo kịp tốc độ phát triển nguồn cung ứng điện, nhất là điện tái tạo, khi rất khó khăn để hòa lưới điện quốc gia hơn 4.600 MW điện sạch của các nhà đầu tư đã sẵn sàng phát điện thương mại? Vì vậy, yêu cầu lớn nhất của ngành truyền tải là phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ để đón nhận công suất của các trung tâm năng lượng tái tạo trong tương lai.
Khó khăn lớn nhất ngoài vấn đề kỹ thuật truyền tải, còn là các vấn đề về pháp lý, khi có đến 40 chủ đầu điện sạch sẵn sàng phát thương mại lên lưới nhưng còn thiếu nhiều thủ tục, hồ sơ, bao gồm cả thiếu giấy phép hoạt động điện lực, thì ai phải chịu trách nhiệm?
Quy hoạch điện VIII: ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Theo Quyết định số 500 của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030. Tiến tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050. Để thực hiện nguồn và lưới điện, giai đoạn 2021-2030 ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD và tăng lên 399,2 - 523,1 tỉ USD cho giai đoạn 2031-2050.