Thách thức của lĩnh vực dịch vụ, khách sạn tại Hà Nội trong thời điểm hiện nay
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng 7 ước đạt 468 nghìn lượt người, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch đến Hà Nội tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước
Tính chung 7 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3.494 nghìn lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách quốc tế tháng 7 ước đạt 300 nghìn lượt người, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế ước đạt 2.433 nghìn lượt người, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 285 nghìn lượt người, tăng 14,4%; Trung Quốc 280,4 nghìn lượt người, tăng 82,8%; Mỹ 170,8 nghìn lượt người, tăng 28%; Nhật Bản 140,1 nghìn lượt người, tăng 31%; Anh 139,5 nghìn lượt người, tăng 48,2%; Pháp 113,5 nghìn lượt người, tăng 56,4%; Đức 84,5 nghìn lượt người, tăng 54,6%; Malaysia 62,9 nghìn lượt khách, tăng 15,9%; Singapore 54,8 nghìn lượt người, tăng 10,4%.
Khách du lịch nội địa tháng 7 ước đạt 168 nghìn lượt người, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 1.061 nghìn lượt người, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch khác: trên địa bàn TP hiện có 3.760 cơ sở lưu trú du lịch với 71,2 nghìn phòng, trong đó 606 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 26,6 nghìn phòng, chiếm 37% tổng số phòng và 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Trong tháng 7, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt 58,6%, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng năm 2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 61,8% (cùng kỳ 7 tháng năm 2023 tăng 60,4%).
Dịch vụ du lịch đạt chuẩn trên địa bàn Hà Nội hiện có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn đã thu hút, đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
Hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn chưa quay về mức trước đại dịch
Theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels, dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn chưa quay về mức trước đại dịch do sự sụt giảm công suất phòng cho thuê. Trong khi đó, giá phòng bình quân gần đạt xấp xỉ mức trước dịch tại phần lớn các điểm đến trong nước. Một số khách sạn tại Hà Nội ghi nhận sự cải thiện giá phòng cao hơn thời điểm 2019 nhưng nhìn chung, mức tăng trưởng giá phòng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Sự khôi phục chậm từ các thị trường khách truyền thống như Nga, Trung Quốc, cùng với sự tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ tại các điểm đến du lịch biển trong những năm qua là nhân tố chính tác động đến công suất phòng cho thuê. Theo thống kê của Savills Hotels, khoảng 45.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2020 đến tháng 6/2024, tương đương mức tăng 25% nguồn cung phòng.
Ông Mauro Gasparotti nhận định về tổng quan thị trường: “Có thể nói rằng nguồn cầu đã gần như khôi phục, tuy nhiên thị trường nghỉ dưỡng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức - từ tình trạng dư thừa nguồn cung tại một số nơi khi nhiều dự án quy mô lớn được đưa vào vận hành, cho đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung đa dạng, chất lượng khi so với các điểm đến khác trong khu vực.
Trước đây, nhiều chủ đầu tư vội vàng nắm bắt cơ hội phát triển của ngành du lịch, nhưng lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo mô hình, lựa chọn sản phẩm. Nhiều dự án được xây dựng nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của một số tệp khách lưu trú sẵn có, thay vì chú trọng đem đến các sản phẩm nhằm thu hút nguồn cầu mới. Condotel tại các điểm đến ven biển là ví dụ minh họa cho điều này, và chúng ta có thể thấy được khó khăn mà nhiều dự án condotel gặp phải khi thị trường không thuận lợi, thậm chí một số phải tạm dừng triển khai”.
“Gần đây chúng tôi nhận thấy xu hướng hợp tác cùng với các thương hiệu nhà điều hành khách sạn, tái định vị đang diễn ra mạnh mẽ, khi nhiều dự án khách sạn và cả condotel mong muốn thúc đẩy khả năng cạnh tranh và gia tăng thị phần, một số đang trong quá trình chuyển đổi thương hiệu, trong khi đó nhiều khách sạn cũng đang nâng cấp các trải nghiệm ẩm thực” - ông Mauro Gasparotti chia sẻ thêm.
Số lượng dự án mang thương hiệu nhà điều hành khách sạn không ngừng gia tăng tại Việt Nam. Trong ba năm tới, số lượng dự án khách sạn mang thương hiệu của nhà điều hành quốc tế dự kiến chiếm 40% tổng số lượng dự án trung cao cấp đang hoạt động tại Việt Nam, tăng mạnh so với tỷ trọng 25% vào năm 2013.
Các biến động trên thị trường nghỉ dưỡng những năm gần đây khiến ngành khách sạn gặp nhiều thách thức trong việc duy trì biên lợi nhuận tốt. Quy mô dự án càng lớn càng dễ gặp nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi. Do vậy, việc tối ưu hóa hiệu suất vận hành trở nên quan trọng hơn, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng phục vụ cho ngành.
Việc thấu hiểu điều kiện thị trường, đặc điểm dự án và các xu hướng trong ngành là yếu tố quan trọng trong quá trình hoạch định dự án để có thể chọn lựa được mô hình kinh doanh tối ưu đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với chiến lược cũng như nguồn lực của chủ đầu tư. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cần có lộ trình triển khai chỉn chu từ các bước hoạch định ban đầu.
Trong thời gian tới, sự hồi phục của thị trường Trung Quốc, cùng với các chương trình thị thực và kích cầu du lịch được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy tốc độ khôi phục hoạt động du lịch. Thị trường cần đa dạng hơn về sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu của tệp khách du lịch và công vụ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp và cá nhân trong ngành để có thể tạo thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, từ đó gia tăng vị thế của ngành du lịch trên bản đồ du lịch quốc tế.