Thách thức đối với tham vọng trung hòa carbon của Malaysia

Malaysia đặt mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và không phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài.

Tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/10, Hạ viện Malaysia đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 12 (12MP). Điều khiến khiến các nước trong khu vực ngạc nhiên đó là Malaysia đã vạch ra lộ trình nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tiến sỹ Ryan Wong, chuyên gia nghiên cứu về chính sách khí hậu tại Viện nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak cho rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể đối mặt với nguy cơ rủi ro lớn hơn nếu không phát triển các nguồn lượng tái tạo bền vững.

Malaysia ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015, theo đó cam kết sẽ chung tay hành động nhằm kiểm soát việc phát thải khí carbon. Ban đầu, quốc gia Đông Nam Á cam kết cắt giảm 45% cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030, trong đó mức mục tiêu là 35% và 10% còn lại phụ thuộc vào sự sẵn có của nguồn tài chính dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực từ các nước phát triển. Trong cam kết lần thứ hai, Malaysia vẫn nhất quán với mục tiêu cắt giảm 45% lượng khí thải, nhưng không phụ thuộc vào nguồn tài chính bên ngoài.

Các bên ký kết Hiệp định Paris đặt ra và cập nhật các mục tiêu, biện pháp của mình trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm giữ nhiệt độ Trái Đất tăng ở mức dưới 2 độ C. Vào năm 2015, mục tiêu cắt giảm carbon của Malaysia là 45% trong khi của Indonesia là 41%. Cả hai quốc gia Đông Nam Á đã quy định cụ thể tỷ lệ và các cam kết có điều kiện của mình.

Nếu xét về mặt giá trị, các mục tiêu của Malaysia có vẻ có tham vọng hơn Indonesia. Tuy nhiên, Malaysia đã lựa chọn cách tính cường độ phát thải so với GDP. Khi GDP của Indonesia tăng lên thì mức trần phát thải của nước này cũng được phép tăng cao hơn. Trong khi đó, Indonesia cam kết giảm phát thải tuyệt đối, nên nếu nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn thì họ cần tăng cường giảm phát thải để duy trì tỷ lệ như cam kết.

Mục tiêu trung hòa carbon: Không phải cam kết cứng

Nhằm duy trì sự tín nhiệm đối với nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu, cam kết mà Malaysia đưa ra trong 12MP về trung hòa carbon là mục tiêu đơn giản hơn nhiều. Đối với mỗi tấn phát thải carbon, quốc gia này phải tìm cách giảm 1 tấn carbon tương đương để đảm bảo carbon ở cả hai vế của phương trình là tuyệt đối.

Tuy nhiên, thực tiễn tốt nhất là tách biệt báo cáo về giảm phát thải và loại bỏ phát thải. Và việc loại bỏ phát thải luôn là nội dung gây tranh cãi.

Ngoài ra, cụm từ "sớm nhất" trong lời cam kết của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob khi trình bày bản kế hoạch này tại Hạ viện Malaysia cho thấy mục tiêu năm 2050 không phải là một mục tiêu khó và nhanh chóng. Nhưng bù lại, việc đưa ra mốc thời gian cũng giúp những nhà hoạt động môi trường có cơ sở để yêu cầu chính phủ phải có trách nhiệm cũng như phải chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu này.

Xét về tham vọng, Malaysia đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và khiến các nước trong khu vực phần nào cảm thấy áp lực phải hành động tương tự. Các quốc gia cũng có thể khẳng định hình ảnh của một quốc gia lãnh đạo trong lĩnh vực khí hậu với các hành động mới nhất cả về tài chính, công nghệ và quản trị. Dòng tài chính phát triển khổng lồ sẽ chảy vào các quốc gia sẵn sàng thực hiện chuyển đổi khí hậu.

Hàng năm, 43% nguồn tài chính khí hậu (30,6 tỷ USD) từ các nước phát triển được dành cho các nước đang phát triển tại châu Á. Trong khi Thái Lan nhận được 533 triệu USD, Indonesia nhận 773 triệu USD từ các ngân hàng phát triển đa phương trong năm 2018, thì Malaysia lại không nhận được bất kỳ khoản nào.

Nắm bắt động lực

Cùng với mục tiêu đầy tham vọng, Malaysia đang đưa ra hai biện pháp chính sách mạnh mẽ. Đầu tiên là tạm dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Thứ hai, Malaysia thiết lập kế hoạch buôn bán carbon, ban đầu ở cấp trong nước và sau đó ở cấp quốc tế thông qua trung tâm toàn cầu mới của Singapore về trao đổi tín chỉ carbon. Những biện pháp này gửi đi tín hiệu tích cực tới các đối tác hàng đầu về tính bền vững.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy sự khó khăn của các quốc gia trong nỗ lực chuyển đổi lĩnh vực năng lượng xanh. Ví dụ như làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong đó các quốc gia trở nên ích kỷ hơn khi chỉ đảm bảo an ninh năng lượng của mình và ít hợp tác hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, Malaysia có thể nhanh chóng nhận ra thực tế khó khăn đối với nền kinh tế trong ngắn hạn. Chính vì vậy, quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ phải cân nhắc cắt giảm các biện pháp chính sách khí hậu.

Ngay cả Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng do giá than tăng cao và các tiêu chuẩn khí thải đầy tham vọng. Người dân châu Âu đang tranh giành nguồn cung năng lượng cho các nhà máy của mình hoạt động khi mùa Đông đang đến gần trong khi nguồn cung cấp khí đốt từ Na Uy và Nga bị hạn chế.

Malaysia có thể đặt câu hỏi liệu họ đã sẵn sàng để thực hiện bước nhảy vọt trong ứng phó với biến đổi khí hậu hay chưa. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách cũng cần xem xét những rủi ro lớn hơn nếu tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của quốc gia Đông Nam Á này chậm lại./.

Mạnh Tuân (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-doi-voi-tham-vong-trung-hoa-carbon-cua-malaysia/216116.html