Thách thức đối với việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng
Ngày 3/6/2024, Học viện Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo khoa học 'Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024'.
Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương, cản trở đầu tư, làm tăng biến động thị trường, giá cả… tác động xấu tới cả sản xuất và tiêu dùng.
Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần.
Tính tới cuối tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan hơn về kinh tế thế giới năm 2024, điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng thêm từ 0,1-0,3 điểm % so với các dự báo đưa ra trước đó.
Kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam tiếp tục theo xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo… Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức khoảng 3,4% (+/- 0,2%).
Lý do chính là bởi: kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng; tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm; dự báo tỷ giá sẽ ổn định, thậm chí giảm trong 6 tháng cuối năm, khi Fed hạ lãi suất 1-2 lần và USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế; lãi suất ở Việt Nam mặc dù thấp, nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát; mặc dù lương cơ sở được tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nên tác động tới lạm phát sẽ không quá lớn…
PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có diễn biến sôi động, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc.
Dự báo thị trường này sẽ tiếp tục sôi động trong các tháng cuối năm 2024, giúp gia tăng các nhu cầu đầu vào và sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản, lan tỏa tới hơn 40 ngành nghề khác trong nền kinh tế quốc gia. ThS Đinh Lê Hạnh - Chủ tịch Tập đoàn Đinh Lê, đánh giá, kỷ nguyên số 4.0 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực ngân hàng.
Bên cạnh những điểm tích cực, kỷ nguyên số 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo vệ an ninh ngân hàng và bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi có hành vi xâm phạm trên không gian số. Có thực trạng là rất nhiều vụ việc khách hàng liên tục bị mất hết tiền mà tan vỡ gia đình, sự nghiệp hoặc phải tìm đến cái chết vì không còn gì để sống, không thể trả được nợ nần…
Vì vậy, việc bảo mật trong phát triển ngân hàng điện tử là cực kì quan trọng để giữ cho thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của khách hàng được an toàn, bảo vệ khỏi những mối đe dọa từ các tấn công mạng và hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Đồng thời, các ngân hàng cần chủ động nhận trách nhiệm và giải quyết kịp thời, thỏa đáng lợi ích của khách hàng, của mình và các bên có liên quan nhằm tạo dựng lòng tin vững chắc từ Nhân dân và đảm bảo tính thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.