Thách thức già hóa dân số

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2023, Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới có dân số trên 100 triệu người. Giới chuyên gia nhận định, đây là cơ hội để nước ta phát triển kinh tế-xã hội, song cũng đặt ra thách thức không nhỏ về già hóa dân số trong tương lai.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Với quy mô dân số lớn cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức về thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Thực tế, mỗi năm Việt Nam có hơn một triệu người bước vào độ tuổi lao động, song lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Bởi số lao động qua đào tạo đạt 69-70% nhưng lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt ở mức 26%.

Nhiều lao động đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu ngành nghề, dẫn đến năng suất lao động thấp. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp là những thách thức không nhỏ trước yêu cầu chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dẫn đến nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Đáng lo ngại hơn khi nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ bình quân của người dân liên tục tăng nhanh, từ 68,6 tuổi vào năm 1999 lên 73,2 tuổi vào năm 2014 và dự báo là 78 tuổi vào năm 2030. Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 11,86% dân số. Dự báo, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049.

Già hóa dân số đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhịp độ tăng dân số. Điều này sẽ là thách thức lớn cho nước ta khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nguy cơ “già trước khi giàu” sẽ xảy ra, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Tốc độ già hóa dân số có xu hướng tăng mạnh cũng đồng thời rút ngắn thời kỳ dân số vàng.

Đó là chưa kể 70% số người già đang sống ở nông thôn, không có lương hưu, phụ thuộc vào con cái. Tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5% và 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y.

Các chuyên gia dân số khuyến nghị, để tận dụng thời kỳ dân số vàng, tránh lãng phí nguồn nhân lực trước khi bước vào gia đoạn già hóa hóa dân số, Việt Nam cầnphải tính đến những nhiệm vụ, giải pháp, điều kiện thích ứng cho một xã hội có dân số già cả về phương diện chính sách, luật pháp, cơ sở vật chất, kỹ thuật và tâm lý xã hội.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ, đặc biệt là nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật với chất lượng cao.

Đồng thời, xây dựng cơ chế cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng cung cầu; quy hoạch phát triển đa dạng các ngành nghề phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế lao động quốc tế để nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước “nói không” với nhân công giá rẻ.

Cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

Song song với các giải pháp trên, Nhà nước sớm thiết kế chính sách cho người cao tuổi một cách thiết thực theo hướng vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho họ.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thach-thuc-gia-hoa-dan-so-post460119.html