Thách thức hoàn thành mục tiêu tăng trưởng

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023, phản ánh bức tranh kinh tế rất khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,0 - 5,8%

Tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 4,14% và 3,72% (giảm mạnh từ mức tăng trưởng ấn tượng của năm ngoái là 8%), là mức gần thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây, chủ yếu do các rủi ro bên ngoài.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng

Cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng xuất khẩu vẫn giảm tốc. Xuất siêu hàng hóa lên đến 12 tỷ USD trong nửa đầu năm, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm 15,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%, nhập khẩu giảm 18,2% là điều đáng ngại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các DN sản xuất hàng xuất khẩu và lao động tại khu vực này.

Mặc dù trong quý II, khu vực công nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm từ quý I/2023, đạt mức tăng 1,56%, tuy nhiên, toàn ngành công nghiệp có tốc độ tăng giá trị tăng thêm chỉ đạt 0,44%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo các năm trước đây là động lực tăng trưởng kinh tế, nay chỉ đạt tốc độ khiêm tốn với giá trị tăng thêm 6 tháng ước tăng 0,37%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022.

Trong nửa đầu năm nay, có 100.000 DN đóng cửa, 113.600 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại thị trường. Như vậy, cứ 11 DN tham gia thị trường thì có 10 DN rút lui khỏi thị trường. Nhiều DN ở các khu công nghiệp lớn đã sa thải công nhân. Đây là điều đáng quan ngại.

Mục tiêu tăng GDP năm nay ở mức 6 - 6,5% rõ ràng là rất thách thức và mục tiêu 9% và 10,3% trong quý cuối năm (theo hai kịch bản tăng GDP 6% và 6,5%) của Bộ KH&ĐT là rất khó khăn. Đặc biệt, nền kinh tế toàn cầu hiện chưa có dấu hiệu phục hồi, trong đó những nền kinh tế là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu…

Dựa trên điều kiện thực tế, việc đạt được mức tăng trưởng từ 4,5 - 5% trong năm nay đã là rất thành công. Để đạt được mức tăng trưởng này, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp kích cầu trong nước, giảm lãi suất, thuế phí… việc nỗ lực giải ngân đầu tư công vẫn là điểm quan trọng nhất. Nếu giải ngân được 95% tổng số vốn 713.000 tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2% vào GDP, bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng tổng cầu thế giới.

Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Nhiều định chế tài chính đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2023, sau tình hình 6 tháng đầu năm nhiều thách thức. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2023, trong đó thấp nhất GDP tăng trưởng 5,34% và cao nhất đạt 6,46%.

Cuối tháng 6/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 5,8%. Trong báo cáo mới nhất, Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 xuống 5,4% từ mức 6,5% trước đó. Ngân hàng HSBC trong báo cáo "Vietnam At A Glance tháng 7/2023" dự báo GDP của Việt Nam năm 2023 còn 5,0%, giảm từ mức 5,2%.

Ngân hàng UOB (Singapore) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ rất khó đạt mức 6% như dự báo trước đó và điều chỉnh còn 5,2%. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo năm 2023, GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5% và phục hồi đến khoảng 5,5 - 6% vào năm 2024…

Cần nhiều công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ

“Mức tăng trưởng 5,0 - 5,5 hay 5,8% trong năm nay của Việt Nam như dự báo của một số tổ chức quốc tế cũng không phải là mức quá thấp so với bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay và khi so sánh với các nước khác trong khu vực ASEAN” - TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá.

Theo TS Lê Duy Bình, dù với mức tăng trưởng nào, điều quan trọng vẫn là duy trì được các nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong trung hạn như các cân đối lớn của nền kinh tế, sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng, chất lượng của môi trường kinh doanh, môi trường thể chế và duy trì niềm tin của các DN, nhà đầu tư.

Điểm sáng của nền kinh tế là lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã bù đắp phần nào nhờ vào sự phục hồi đang tiếp diễn. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, tăng 7,7%.

Doanh nghiệp ngành may mặc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Doanh nghiệp ngành may mặc tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Bên cạnh đó, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quý III/2023 sẽ là thời điểm quan trọng vì đây là những tháng thường chứng kiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh trước nhu cầu lễ hội cuối năm tại các thị trường phát triển.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho biết, bối cảnh hiện nay đang mở ra thêm dư địa cho chính sách tiền tệ. Dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô (chỉ số lạm phát vẫn ở mức thấp, tỷ giá ổn định), điều kiện về huy động vốn cũng như khả năng hấp thụ vốn của DN và những cân đối tổng thể khác của nền kinh tế, Nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các DN nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các DN.

“Mặt khác, sách tiền tệ vẫn phải luôn song hành với chính sách tài khóa. Hoạt động đầu tư công, chính sách về thuế, phí, lệ phí cũng cần được thực hiện hiệu quả. Từ đó, chúng ta có thể tránh phụ thuộc vào công cụ tiền tệ, hoặc tạo sức ép đẩy mạnh vốn tín dụng vào thị trường trong khi sức hấp thụ vốn của DN hạn chế, dẫn đến nhiều khoản cho vay dưới chuẩn và có thể gây rủi ro tới gia tăng nợ khó đòi trong tương lai”- TS Nguyễn Ngọc Tuyến nhấn mạnh.

Lúc khó khăn đặc biệt như này, phải có giải pháp khác thường. Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn và giảm chi phí cho người dân, DN.
PSG.TS Trần Đình Thiên

Đánh giá về chính sách tài khóa của Việt Nam trong thời gian qua, bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cao cấp của WB cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách tài khóa. Đơn cử, Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục đầu tư và việc xác định mục tiêu, chất lượng thực hiện.

Chuyên gia của WB gợi ý, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn như củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.

Đặc biệt, Việt Nam cần củng cố niềm tin vào công cuộc cải cách này thông qua cải cách cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh, khởi động lại chương trình cải cách DN Nhà nước, thúc đẩy tài chính toàn diện, tạo điều kiện tiếp thu kỹ năng theo nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng thích ứng trung hạn của hàng xuất khẩu.

Đột phá thể chế, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đặc biệt khó khăn, PSG.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng như năng lực thực sự của nền kinh tế, kết hợp DN nội với DN ngoại yếu kém, việc điều chỉnh cách thể chế chính sách.

Đơn cử các quy định mới đây của EU (quy định về carbon) sẽ thay đổi nhiều về hành vi tiêu dùng của người dân châu Âu với sản phẩm dệt may da giày, thủy sản và những ngành hàng thế mạnh khác.

DN Việt tham gia trong chuỗi cung ứng cũng sẽ phải sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất, khi đó, mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Sự cạnh tranh từ các nền kinh tế khác như Bangladesh, Campuchia trong một số ngành như dệt may đã trở nên khốc liệt hơn trước rất nhiều…

Một số ngành chủ yếu dựa trên lợi thế lao động giá rẻ không còn duy trì được lợi thế này nữa. Những thay đổi trên khiến DN của chúng ta không thể giữ mô hình tăng trưởng như cũ mà cần phải có sự tái cơ cấu, dịch chuyển.

Các cơ quan bộ, ngành hay hiệp hội DN cần cung cấp cho DN những thông tin định hướng và đồng hành cùng các DN trong quá trình dịch chuyển, tái cấu trúc để có thể duy trì chặng đường phát triển bền vững của mình.

“Hoặc có những khoảng thời gian khá dài, thị trường cả nước thiếu xăng, dầu trầm trọng và tác động lớn tới các hoạt động sản xuất cũng như đời sống xã hội. Hoặc trong thời gian gần đây, nắng nóng bất thường cộng với công tác quản lý, điều phối điện chưa tốt cũng ảnh hưởng tiêu cực với nền kinh tế” - TS Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính chỉ ra.

Ngoài ra, chi phí logistics còn cao, tiến trình xanh hóa một số lĩnh vực còn chậm, khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác.

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thach-thuc-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong.html