Thách thức hoàn thiện hệ thống metro Tp. Hồ Chí Minh

Gần 20 năm qua, Tp. Hồ Chí Minh cơ bản làm xong khoảng 20 km đường sắt đô thị. Để hoàn thiện 200 km còn lại trong 12 năm tới, thành phố phải có cách làm mới, đột phá và khác biệt.

Tàu metro số 1 chạy thử nghiệm đoạn trên cao. Ảnh: Quang Châu – TTXVN

Tàu metro số 1 chạy thử nghiệm đoạn trên cao. Ảnh: Quang Châu – TTXVN

Gần 20 năm qua, Tp. Hồ Chí Minh cơ bản làm xong khoảng 20 km đường sắt đô thị. Để hoàn thiện 200 km còn lại trong 12 năm tới, thành phố phải có cách làm mới, đột phá và khác biệt. Nội dung được nêu ra tại tọa đàm “Kết luận số 49 và Nghị Quyết số 98 - Cơ hội và thách thức cho đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh”, do Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố và Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 31/7.

Theo ông Hoàng Ngọc Tuân, Quyền Giám đốc Ban Chuẩn bị đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị), Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2035. Đây là cơ hội lịch sử để thành phố phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Trong khi đó, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh cũng mở ra các cơ chế giúp thành phố huy động nguồn lực làm đường sắt đô thị thông qua mô hình TOD (mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị), vay trái phiếu địa phương, vay các tổ chức tài chính trong nước...

Hệ thống đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh được quy hoạch gồm 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT); 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.

Ông Hoàng Ngọc Tuân cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh phải hoàn thành các tuyến đường sắt còn lại với chiều dài khoảng 200 km trong 12 năm tiếp theo là một thách thức, bởi thành phố mới làm được 20 km đường sắt đô thị trong 20 năm qua. Trong đó, việc chuẩn bị dự án từ 4 - 5 năm và thực hiện dự án trong vòng 7 - 8 năm. Yêu cầu này đặt ra cho thành phố phải có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, khác biệt.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tp. Hồ Chí Minh cần phải thu xếp nguồn lực tài chính khoảng 25 tỷ USD cho toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trong vòng 4 - 5 năm tới (chậm nhất là vào năm 2028). Theo ông Hoàng Ngọc Tuân, nguồn lực tài chính thực hiện dự án đường sắt đô thị tại thành phố hiện chủ yếu là vốn vay ODA cùng ngân sách nhà nước tham gia khoảng 10 - 20%. Việc đầu tư bằng nguồn vốn ODA ngày càng khó khăn do thủ tục, điều kiện vay phức tạp, suất đầu tư cao, phụ thuộc thiết kế, công nghệ...

Cùng nhận định các dự án đường sắt đô thị sử dụng vốn ODA sẽ bị phụ thuộc từ thiết kế và công nghệ, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần đề xuất nhiều cơ chế đột phá từ quy hoạch, đặc biệt cần chú trọng vào nguồn tài chính như đa dạng hóa nguồn lực tài chính như huy động vốn trong nước, ngoài nước, vốn ngân sách nhà nước…

Theo các chuyên gia, Nghị quyết số 98/2023/QH15 là một cơ hội lớn cho thành phố; trong đó nổi bật là thí điểm mô hình TOD và cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư. Việc triển khai xây dựng theo mô hình TOD là giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lực tài chính vô cùng lớn thông qua khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đồng thời chỉnh trang toàn bộ cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại.

Theo ông Đỗ Ngọc Long, Phó Vụ trưởng Vụ giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khó khăn và thách thức là rất lớn. Vấn đề đặt ra là 12 năm tới thành phố sẽ triển khai thế nào để hoàn thành 200 km đường sắt đô thị còn lại. Tp. Hồ Chí Minh cần đưa ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để thực hiện. Ví dụ, tuyến metro số 1 có thể khai thác ngay mô hình TOD sẽ rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý đường sắt đô thị Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, Nghị quyết số 98/2023/QH15 có hiệu lực từ 1/8 là một cơ hội, một công cụ vô cùng lớn đối với thành phố nói chung và lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng yếu - đường sắt đô thị nói riêng nhằm hiện thực hóa Kết luận 49-KL/TW. Tuy nhiên, chỉ công cụ này rõ ràng là chưa đủ.

Hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị đang phối hợp với một số sở, ngành thành lập tổ xây dựng Đề án triển khai Kết luận 49-KL/TW nhằm đưa ra các đề xuất để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nguồn vốn, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tiến độ thi công…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu nhiều thách thức trên, thành phố cần tập trung nghiên cứu ngay các lĩnh vực: quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai; tiêu chuẩn, giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực./.

Tiến Lực/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-hoan-thien-he-thong-metro-tp-ho-chi-minh/301345.html