Thách thức mới của ngành tạo vị thế thứ 2 thế giới cho Việt Nam

Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại không dây, Top 5 thế giới về xuất khẩu máy tính và linh kiện, xuất siêu 8,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, ngành điện tử Việt Nam đang đối diện thách thức mới.

Tự hào vị thế Việt Nam trên bản đồ ngành điện tử thế giới

“Chúng ta tự hào khi đứng thứ hai thế giới, chỉ sau mỗi Trung Quốc trong xuất khẩu điện thoại không dây; Top 5 thế giới về xuất khẩu máy tính và linh kiện”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, dẫn số liệu của Báo cáo thương mại thế giới khi bàn về vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới tại sự kiện NEPCON Vietnam 2024 diễn ra sáng 11/9 ở Hà Nội.

Bà Hương cho biết, 2023 là năm suy giảm của ngành điện tử và thương mại toàn cầu, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2024, ngành điện tử Việt đã tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu đạt 83,6 tỷ USD, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hai thị trường lớn nhất thế giới gồm Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là những thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành điện tử Việt, thay nhau chiếm vị trí nhất - nhì trong hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực (với điện thoại và linh kiện, Trung Quốc chiếm 28%, Hoa Kỳ 19%; với máy tính và linh kiện, Hoa Kỳ 39%, Trung Quốc 14%).

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Bình Minh

Đầu tư nước ngoài có vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của ngành điện tử.

Một loạt “ông lớn” công nghệ như Intel, Canon, Panasonic, Foxconn... đã có mặt tại Việt Nam. Tới giờ, giữ vị trí nhà đầu tư lớn nhất là Samsung với 8 dự án, tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ USD. Lớn thứ hai là LG với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD.

“Dòng chảy” FDI trong lĩnh vực điện tử vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm 2024, hàng loạt dự án FDI được triển khai trong các mảng linh kiện, thiết bị kết nối, máy vi tính... Gần đây nhất, Foxconn vừa cam kết đầu tư xây dựng nhà máy bảng mạch in ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 383 triệu USD.

Theo bà Hương, Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng nhờ có khung chính sách pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp; có nguồn cung lao động và tiền lương hợp lý so với khu vực. Bên cạnh đó, tác động của các hiệp định thương mại đầu tư thế hệ mới đã và đang mang lại cơ hội, lợi thế cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.

"Xu hướng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động của Covid-19 cũng làm thay đổi chuỗi cung ứng, Việt Nam đang được xem là điểm đến để tiếp cận 'dòng chảy' đầu tư này”, bà Hương phân tích.

Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn nhưng lợi nhuận từ gia công còn thấp do chúng ta chỉ tập trung vào khâu sản xuất, lắp ráp, chưa mở rộng được ở những phân khúc giá trị gia tăng cao hơn trong “đường cong nụ cười”.

Mảng gia công sản xuất điện tử Việt Nam chủ yếu vẫn do các nhà sản xuất linh kiện và “ông lớn” công nghệ nước ngoài dẫn đầu, chưa có doanh nghiệp Việt tiên phong.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn nhưng lợi nhuận từ gia công còn thấp. Ảnh: Bình Minh

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử lớn nhưng lợi nhuận từ gia công còn thấp. Ảnh: Bình Minh

Tính kết nối của doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI vẫn lỏng lẻo, vì vậy, doanh nghiệp Việt còn thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng, giá cả.

“Doanh nghiệp điện tử Việt cần tích cực tham gia các hoạt động kết nối với các nhà đầu chuỗi cung ứng công nghệ để có thể có đơn hàng tốt hơn, vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng”, bà Hương khuyến nghị.

Thách thức mới khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc Công ty GSS thông tin, tháng 4/2024, Liên minh châu Âu ra Chỉ thị chung về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kiểm soát rủi ro toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Trong vòng 2 năm tới, các quốc gia châu Âu có nghĩa vụ luật hóa theo chỉ thị này. Các tập đoàn như Apple, Samsung, Microsoft, Amazon... có chi nhánh hoạt động tại các quốc gia châu Âu, sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật mới. Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu chắc chắn sẽ chịu tác động.

Ông Quang nêu khá nhiều khía cạnh doanh nghiệp Việt cần chú ý nếu muốn đạt tiêu chí kinh doanh có trách nhiệm.

Cụ thể, không có lao động trẻ em trong doanh nghiệp; không có lao động cưỡng bức; không có phân biệt đối xử; không có quấy rối tình dục; đảm bảo tiền lương và phúc lợi xã hội cho người lao động đúng quy định pháp luật; đảm bảo thời gian làm việc không quá giới hạn cho phép; đảm bảo các vấn đề an toàn từ phòng cháy chữa cháy tới an toàn điện, hóa chất, máy móc thiết bị...

Thực tế, không ít doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu rõ nội hàm của khái niệm “lao động cưỡng bức”, đề cập tới những người lao động bị cô lập, bị giữ giấy tờ tùy thân, ràng buộc về các khoản vay để ép buộc làm việc trái ý muốn, bị hạn chế di chuyển trong giờ nghỉ giải lao, bị ép làm thêm giờ...

Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc Công ty GSS. Ảnh: Bình Minh

Ông Trần Xuân Quang, Giám đốc Công ty GSS. Ảnh: Bình Minh

Còn với khái niệm “phân biệt đối xử”, nếu quy chiếu thực tiễn thì rất nhiều doanh nghiệp Việt đang vi phạm.

“Doanh nghiệp đăng tuyển lao động từ 18-35 tuổi là phân biệt đối xử về độ tuổi. Chỉ ưu tiên tuyển lao động nam hoặc nữ là phân biệt đối xử về giới tính. Không tuyển lao động có hình xăm, khuyên lưỡi... là phân biệt đối xử về đặc điểm cá nhân. Rất nhiều yếu tố không chỉ trong khâu tuyển dụng mà còn trong khâu bố trí công việc, sắp xếp công việc, cung cấp phúc lợi, tiền lương, cơ hội đào tạo, thăng tiến... đều có rủi ro bị đánh giá là phân biệt đối xử”, ông Quang dẫn giải.

Bàn về Chỉ thị mới của EU, ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng giám đốc Hanel PT, nhấn mạnh, chỉ khoảng 2 năm nữa, các quốc gia châu Âu đều có quy định pháp luật về kinh doanh bền vững. Các doanh nghiệp toàn cầu sẽ siết chặt hơn các yêu cầu về tính minh bạch, đạo đức kinh doanh và nhiều nội dung khác với các đối tác trong chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ danh tiếng, thương hiệu.

Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu phải sẵn sàng đón đầu xu hướng kinh doanh có trách nhiệm, sản xuất bền vững. Nếu coi đây là rào cản thì sẽ là rào cản, nhưng nếu coi là cơ hội thì sẽ là cơ hội.

“Doanh nghiệp điện tử Việt cần tăng cường đầu tư chuyển đổi sang sản xuất xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới để giảm thiểu nguồn phát thải, nâng cao năng suất lao động.

Cùng với đó, phải có chiến lược hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà cung cấp để có được chuỗi cung ứng xanh. Đặc biệt, tăng cường R&D (nghiên cứu và phát triển), không ngừng đổi mới sáng tạo, đưa ra sản phẩm mới tạo lợi thế cạnh tranh cốt lõi”, ông Tùng gợi ý một số việc doanh nghiệp Việt cần làm.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thach-thuc-moi-cua-nganh-tao-vi-the-thu-2-the-gioi-cho-viet-nam-2321076.html