Thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Khẳng định chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp , chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, song với tỷ lệ 97% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là thách thức không nhỏ…

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: DĐDN)

Quang cảnh Diễn đàn (Ảnh: DĐDN)

Tăng trưởng nhanh, lo ngại thiếu bền vững

Tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) của doanh nghiệp (DN) trong nền kinh tế số (KTS) do Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức sáng 25/10, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn Báo cáo nền KTS 2022 do Google và Temasek thực hiện.

Theo đó, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, KTS tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển KTS hàng đầu khu vực. Năm 2022, KTS đã đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu KTS đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, phát triển KTS là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào NLCT của nền kinh tế cũng như của các DN. “Chỉ có nâng cao NLCT cho DN, chúng ta mới tạo nền tảng cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ… ”- ông Phòng nhấn mạnh.

Nhận định tăng trưởng KTS có thể đạt chỉ tiêu theo Chiến lược đặt ra, song TS Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia chuyển đổi số (CĐS), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) lưu ý, đang có sự mất cân đối giữa KTS công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và KTS ngành, khiến cho việc phát triển thiếu bền vững, đặc biệt Việt Nam chưa khai thác được tiềm năng phát triển của KTS ngành.

“Do vậy, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ trên sẽ phải thay đổi: KTS ICT chỉ chiếm 30% và mức độ lan tỏa ICT trong các ngành và lĩnh vực khác (KTS nền tảng và KTS ngành) là 70%…” - ông Đường cho hay.

Để hướng tới mục tiêu này, theo chuyên gia CĐS của Bộ TT&TT, đẩy mạnh CĐS, đặc biệt là CĐS DN là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển KTS nền tảng và KTS ngành, từ đó đảm bảo phát triển KTS bền vững.,,

TS Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia CĐS, Bộ TT&TT

TS Nguyễn Trọng Đường, chuyên gia CĐS, Bộ TT&TT

Doanh nghiệp chưa sẵn sàng…

Khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao NLCT của DN, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng trở ngại lớn nhất hiện nay là 97% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ bé…

Ngoài những yếu tố nội tại, theo khảo sát của VCCI, DN còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường, những phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu tạo ra những rủi ro và bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

“Thực trạng này đang kéo giảm NLCT, tạo áp lực và khó khăn cản trở DN vận dụng mô hình hoạt động mới từ KTS mang lại…” - ông Phòng nhận định.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hà Nội (HBA) - Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân TP Hà Nội (HNEW), từ giữa năm 2020 đến nay nhiều hội nghị, hội thảo về CĐS đã được VCCI và nhiều đơn vị khác tổ chức. “Tuy nhiên, đến thời điểm này nên nghiêm túc nhận xét rằng đại đa số DN chưa thực sự bắt tay vào CĐS…” - bà Yến thẳng thắn.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

Bà Yến dẫn chứng: Có hiện tượng khá phổ biến là, không ít DN nhận thấy có những ứng dụng trước kia mình chưa làm, ví dụ, làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp (ERP),… thì nay thử áp dụng. Có DN thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có DN không thấy hiệu quả và ngừng lại. Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐTvề CĐS cho biết gần 50% DN trong nước đã ngừng áp dụng CĐS.

Theo Phó chủ tịch HBA, không ít DN đang nhầm lẫn giữa “tự động hóa” – kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin với “thông minh hóa” - kết quả ứng dụng công nghệ số. “Tất cả các DN “tạm ngừng CĐS” theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào CĐS, mà là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa (hay tin học hóa). Những sản phẩm này không làm thay đổi phương thức sản xuất của DN, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có…” - bà Yến phân tích, đồng thời nhấn mạnh: “Cộng đồng DN Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo để chủ động dấn thân vào nền KTS toàn cầu”.

Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch HBA

Bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch HBA

Theo chuyên gia CĐS - TS Nguyễn Trọng Đường, để CĐS hiệu quả, DN cần tư duy lại mô hình kinh doanh. Đó là mô hình kinh doanh tập trung vào khách hàng; cung cấp dịch vụ và trải nghiệm tăng cường nhờ dữ liệu; xây dựng nền tảng và hệ sinh thái; thúc đẩy kinh tế chia sẻ, cho thuê và đi thuê. Đặc biệt tự động hóa và dữ liệu sẽ dẫn dắt phát triển.

Theo ông, khác với tư duy cạnh tranh trước đây theo kiểu “cá lớn” nuốt “cá bé”, trong bối cảnh KTS, tư duy cạnh tranh sẽ là “cá nhanh” nuốt “cá chậm”, vừa thúc đẩy hợp tác vừa cạnh tranh để cùng phát triển, xóa bỏ trung gian và trung gian hóa.

”Nâng cao NLCT của DN trong nền KTS đang là yêu cầu cấp bách, cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của DN” - ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhấn mạnh.

Thanh Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thach-thuc-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-post493053.html