Thách thức sống còn với truyền hình cáp truyền thống

Theo công ty dịch vụ truyền hình cáp Charter Communications, bất đồng về phát sóng của công ty với Disney là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn mà mô hình truyền hình cáp truyền thống đang gặp phải.

Charter Communications, một trong những công ty dịch vụ truyền hình cáp lớn nhất ở Mỹ, mới đây cho rằng bất đồng về phát sóng của công ty này với Disney là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn mà mô hình truyền hình cáp truyền thống đang gặp phải. Và mâu thuẫn giữa hai "ông lớn" này có thể định hình tương lai của truyền hình trong kỷ nguyên của dịch vụ phát trực tiếp (streaming).

ESPN, ABC và các kênh truyền hình khác của Disney gần đây đã biến mất trên dịch vụ truyền hình cáp Spectrum TV của Charter, khiến cho gần 15 triệu người dùng đăng ký trả phí của công ty này không còn được xem giải quần vợt Mỹ Mở rộng, các giải bóng đá và nhiều chương trình khác.

Những bất đồng về phát sóng như vậy không phải là chuyện hiếm thấy trong thế giới truyền thông, khi các kênh truyền hình bị cắt sóng trong thời gian các công ty dịch vụ cáp đàm phán với các công ty sáng tạo nội dung về giá trị các kênh và cách xây dựng các gói kênh.

Nhưng nhận định của Charter rằng mô hình kinh doanh của công ty này đang có nhiều chỗ hổng đã tạo thêm một vết nứt mới cho cuộc khủng hoảng mà ngành kinh doanh truyền hình cáp đang đối mặt. Đây là một thừa nhận đáng chú ý từ Charter, khi ngành truyền hình cáp đã đem lại cho những công ty như Charter và Disney nhiều tỷ USD suốt hàng chục năm qua.

Trong bối cảnh người xem đang có xu hướng từ bỏ truyền hình cáp để chuyển sang các dịch vụ streaming như Netflix, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp như Charter và Comcast ngày càng "nản" với việc phải trả phí cao cho những nội dung mà ít người xem qua các phương tiện truyền thống hơn.

Charter trả cho Disney hơn 2,2 tỷ USD/năm để có quyền phát sóng ABC, ESPN, FX và các kênh khác. Những doanh nghiệp như Charter cho biết phí phát sóng gia tăng đang buộc các công ty cáp phải tăng giá dịch vụ, từ đó khiến nhiều người dùng quay lưng với họ và thua lỗ gia tăng. Theo thông tin từ Charter, tình hình này đã khiến số lượng khách hàng thuê bao của ngành dịch vụ cáp giảm 25 triệu trong 5 năm qua.

Chính vì vậy, Charter muốn có một mô hình "lai" có cả dịch vụ truyền hình truyền thống và ứng dụng streaming, qua đó vừa giúp kìm hãm đà suy yếu trong mảng kinh doanh truyền thống của doanh nghiệp này, đồng thời vẫn đem tới cho người dùng trải nghiệm các dịch vụ streaming mới.

Charter đồng ý trả phí cao hơn để phát sóng các kênh của Disney, nhưng đổi lại công ty này muốn có sự linh hoạt hơn trong cách xây dựng những gói kênh cho người dùng, trong đó có quyền đưa các kênh thể thao ra khỏi nhiều gói phát sóng hơn và gộp chúng thành một gói có phí cao hơn với tên gọi Spectrum Select Plus. Charter còn muốn các khách hàng dịch vụ cáp của mình được sử dụng những dịch vụ streaming có quảng cáo của Disney mà không mất thêm phí.

Về phía mình, Disney cũng đang cố gắng xoay sở với tình hình số lượng người dùng dịch vụ cáp giảm, giữa lúc doanh nghiệp này đang phát triển các dịch vụ streaming. Disney dựa vào những khoản phí mà các công ty như Charter trả để trang trải một phần chi phí xây dựng chương trình đang gia tăng, trong đó có quyền phát sóng các giải thể thao như NFL và NBA. Disney muốn giữ chân càng nhiều người dùng dịch vụ cáp càng tốt, trong khi doanh nghiệp này đang chuẩn bị cung cấp ESPN trực tiếp cho người dùng trên một ứng dụng. Disney đã bác bỏ yêu cầu cung cấp dịch vụ Disney+ miễn phí của Charter.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Disney công khai thông báo về việc chuyển kênh thể thao ESPN vào một dịch vụ streaming đã khiến cho nhiều công ty truyền hình lo lắng.

Charter muốn Disney đảm bảo bất cứ dịch vụ nào của ESPN được cung cấp trực tiếp cho người dùng cũng phải được cung cấp miễn phí cho những người đăng ký trả phí hiện tại của Charter, điều mà Disney đã từ chối đáp ứng. Ông Richard Greenfield, nhà phân tích truyền thông của công ty nghiên cứu thị trường truyền hình, viễn thông và công nghệ LightShed Partners, cho rằng nếu kênh thể thao ESPN vĩnh viễn không còn được phát sóng trên dịch vụ truyền hình cáp của Charter thì điều này sẽ tác động tiêu cực dây chuyền tới các công ty truyền hình truyền thống.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Charter, ông Christopher Winfrey, cho biết công ty này sẵn sàng từ bỏ mảng truyền hình cáp truyền thống nếu Charter không có được các điều khoản có thể chấp nhận được sau khi đàm phán với Disney, mà thay vào đó là "các giải pháp video thay thế" bao gồm các dịch vụ do Apple và Roku cung cấp./.

Khánh Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thach-thuc-song-con-voi-truyen-hinh-cap-truyen-thong/307114.html