Thách thức trong phát triển Chính phủ điện tử
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc trưng phát triển dựa trên nền tảng internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho phát triển Chính phủ điện tử.
Chính phủ điện tử (CPĐT) là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hệ thống công nhằm cải thiện tính hiệu quả và trải nghiệm người dùng với các dịch vụ công qua việc thay thế thủ tục hành chính trên giấy tờ bằng nền tảng số.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với đặc trưng phát triển dựa trên nền tảng internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Về cơ bản, CMCN 4.0 mang lại cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để triển khai và gia tăng hiệu quả của chính phủ điện tử (CPĐT).
Trên thực tế, những thành tựu của CMCN 4.0 đã và đang tạo đột phá để ứng dụng trong hoạt động của Chính phủ, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Trên cơ sở đó, việc triển khai CPĐT đã đạt được hiệu quả nhất định.
Qua 3 kỳ đánh giá vào các năm 2014, 2016 và 2018 cho thấy, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đã liên tục tăng (từ mức 0,47 năm 2014 lên mức 0,51 vào năm 2016 và đạt trên 0,59 vào năm 2018), đưa Việt Nam tăng từ hạng 99 (năm 2014) lên 89 (năm 2016) và tiếp tục nâng lên thứ hạng 88/193 quốc gia trong năm 2018, đứng thứ 6/11 trong khu vực ASEAN về chỉ số phát triển CPĐT.
Trong những năm qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng về số lượng cung cấp dịch vụ. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương ngày 9/12/2019, tính đến giữa tháng 5/2020, từ 8 nhóm dịch vụ ban đầu, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tăng lên 389 dịch vụ công trực tuyến, gồm 160 dịch vụ cho công dân, 229 dịch vụ cho DN.
Tính đến ngày 8/5/2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có trên 35 triệu lượt truy cập; trên 134 nghìn tài khoản đăng ký; trên 7 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái... Ước tính, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm
Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng đặt ra các thách thức cho phát triển CPĐT gồm:
Một là, thách thức về kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu kiểm soát an toàn, an ninh thông tin cấp thiết hơn bao giờ hết. Chỉ khi kiểm soát được điều này, quá trình triển khai CPĐT mới bền vững.
Hai là, sự phát triển nhanh chóng của CPĐT đòi hỏi trình độ dân trí cần được cải thiện với mức độ tương ứng. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ dân trí phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như: truyền thống lịch sử, vị trí địa lý, chính sách văn hóa, xã hội, giáo dục… Vì vậy, xu hướng CMCN 4.0 diễn ra quá nhanh và không đồng bộ, tương thích với trình độ dân cư, có thể dẫn đến tình trạng bị tụt hậu, bị “bỏ rơi” và lạc lõng của một bộ phận dân cư trong quá trình triển khai CPĐT.
Ba là, CMCN 4.0 có thể tác động đến sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động và nguy cơ thất nghiệp. Máy móc tự động hóa dần thay thế lao động thủ công. Vì vậy, sự phát triển của CMCN 4.0 đặt ra yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực tương lai nói chung và nguồn nhân lực trong khu vực công nói riêng.
Bốn là, xuất phát từ đặc trưng “điện tử”, các hoạt động quản lý và cung ứng dịch vụ công trong CPĐT cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, thủ tục đã quy định. Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước là dạng hoạt động phức tạp với sự đa dạng và phong phú, biến đổi liên tục của đối tượng quản lý. Vì thế, sự cứng nhắc của máy móc trong quá trình giải quyết công việc đôi lúc sẽ gây ra khó khăn trong việc giao tiếp giữa chính quyền và người dân cũng như các nhóm công chúng liên quan khác...
Những khó khăn, thách thức trên đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế thực hiện xây dựng CPĐT, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, DN trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản trị CPĐT hiện đại; Đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ; Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ phát triển CPĐT.