Thách thức trong xây dựng nông thôn mới
Kể từ khi Bộ Chính trị (tháng 8/2010) chọn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) làm 'xã điểm' đại diện cho vùng Tây Bắc về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian như 'bóng câu qua cửa'. Mới đó mà đã 13 năm trôi qua. 'Vạn sự khởi đầu nan', với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng nhất trí của nhân dân trong xã, đến cuối năm 2015, Thanh Chăn đã về đích NTM.
Đến tháng 6/2023, bên cạnh “xã điểm” Thanh Chăn, thì tỉnh ta có 21 xã nữa được khoác lên mình “chiếc áo” NTM. Có 120 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài phấn đấu xây dựng xã, bản đạt tiêu chí NTM, hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng tiêu chí xã, bản đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Thực tế chứng minh, tại những xã đạt NTM mới, cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa...) được xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp khang trang. Năng lực công tác của cán bộ và trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao, tinh thần đoàn kết nội bộ, cộng đồng dân cư được củng cố vững chắc; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể.
Tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu tại các xã, bản đang được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản, có trách nhiệm. Với quan điểm, xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc. Căn cứ nguồn lực, tiềm năng, điều kiện thực tế để xây dựng NTM. Không ép tiêu chí và không để người dân trở thành “con nợ” sau khi đạt NTM.
Tuy nhiên, để duy trì và giữ vững được tất cả những tiêu chí NTM là vô cùng khó khăn, thách thức, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và cần thường xuyên. Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ, với hầu hết các xã của tỉnh Điện Biên thì tiêu chí nào cũng khó. Trong đó, tiêu chí số 10 về thu nhập được coi là thách thức lớn nhất, khó vượt qua nhất. Các tiêu chí về giao thông, kênh mương nội đồng, y tế, văn hóa... có vốn là làm được, nhưng tiêu chí về thu nhập bình đầu người thì không giản đơn như thế. Hầu hết các xã thuần nông, ngành nghề dịch vụ chưa có nhiều, để phát triển kinh tế đã khó huống chi là duy trì tăng trưởng bền vững trong nhiều năm.
Sau gần 8 năm đạt chuẩn NTM ở Thanh Chăn, hầu hết các công trình đã bắt đầu xuống cấp và thiếu nguồn để sửa chữa. Lãnh đạo chính quyền xã thừa nhận rằng, trong số 19 tiêu chí NTM hiện nay, có những tiêu chí rất khó duy trì và tính bền vững cũng không cao. Đặc biệt là khi áp vào bộ tiêu chí mới với những cách tính mới.
Tại xã Ẳng Nưa - xã đầu tiên của huyện Mường Ảng đạt chuẩn NTM. Sau hơn 6 năm phát động, với sự ưu tiên về nguồn lực của địa phương, năm 2016 Ẳng Nưa đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, dù trong đó có một số tiêu chí còn chưa hoàn toàn “đạt chuẩn”. Giai đoạn 2011 - 2016 tổng nguồn vốn huy động để xây dựng NTM trên địa bàn xã khoảng hơn 77 tỉ đồng. Song do phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo các tiêu chí nên nguồn vốn thiếu dẫn đến nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng phải “nợ” lại và đến gần 7 năm sau vẫn chưa “trả” được. Cụ thể, các tuyến đường giao thông liên bản đã được đầu tư bằng bê tông, còn các tuyến nhánh thì chưa được đầu tư. Thời điểm ấy, do mỗi thôn bản không có đủ 1 nhà văn hóa nên xã Ẳng Nưa đã “linh hoạt” áp dụng 2 - 3 bản ở gần nhau sử dụng chung 1 nhà văn hóa. Sau gần 7 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay xã Ẳng Nưa vẫn chưa trả được “nợ” về các hạng mục, công trình mà còn đang “chật vật” để duy trì các tiêu chí. Giao thông trong xã nhiều tuyến đã xuống cấp nhưng chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, được các cấp ngành Trung ương và địa phương nỗ lực nhập cuộc triển khai. Với tỉnh miền núi, dân trí hạn chế, kinh tế chậm phát triển như Điện Biên, thì việc tập trung nguồn lực xây dựng NTM càng cần thiết và tác dụng nhiều mặt.
Muốn đạt, duy trì bền vững các tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo quy định, mang lại cuộc sống “no cơm ấm áo” cho người dân, chúng ta cần sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn lực cho chương trình này. Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước là nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ... Mỗi người dân cũng cần ý thức hơn trong việc đóng góp công sức, tiền của, hiến kế, nghĩ cách xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương cần sâu sát, nhiệt tình, năng động hơn nữa trong tuyên truyền, vận động, lựa chọn các tiêu chí cần thiết để tập trung xây dựng NTM một cách bài bản, khoa học. Quan trọng nhất trong xây dựng NTM là cuộc sống người dân được nâng lên, chứ không phải áp lực được đè lên.