Thách thức trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng biên Mường Lát
Bộ tiêu chí mới cho xây dựng nông thôn mới (NTM) được Trung ương ban hành và áp dụng từ tháng 8-2022 với nhiều chỉ tiêu và tiêu chí nâng cao hơn so với trước, đặt ra không ít những thách thức với nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi. Mường Lát là huyện duy nhất đến nay vẫn 'trắng' xã NTM, áp vào bộ tiêu chí mới khó lại càng khó. Qua rà soát theo bộ tiêu chí mới, Mường Lát chỉ đạt trung bình 4,86 tiêu chí/xã. Và nếu chiếu theo mục tiêu phấn đấu có xã đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025 thì nhiệm vụ với Mường Lát trở nên khó khăn, nan giải hơn bao giờ hết.
Một góc bản Poọng, xã Tam Chung.
Từ thực tiễn xây dựng NTM...
Huyện Mường Lát có 7 xã thuộc xã biên giới và 1 thị trấn, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mông, Mường, Thái... Thời điểm bắt tay vào xây dựng NTM hơn 10 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Lát chiếm tới 65,4% và 14% hộ cận nghèo. Bình quân số tiêu chí NTM của huyện bấy giờ mới chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của tỉnh. Trong khi nhiều địa phương triển khai xây dựng NTM được coi như một “cú hích” để phát triển thì với huyện Mường Lát, việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM luôn là bài toán khó.
Xã Mường Chanh, một trong 2 xã được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là xã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm (tháng 9-2011). Khi đó, đồng chí Tổng Bí thư đã đánh giá cao nỗ lực vượt khó không ngừng của cán bộ và Nhân dân nơi đây, mong muốn Mường Chanh sẽ được xây dựng thành mô hình điểm thoát nghèo và xây dựng NTM ở khu vực vùng cao biên giới Thanh Hóa, từ đó nhân rộng ra các làng, bản khác. Hơn 10 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn hỗ trợ khác, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách, xây dựng mới nhiều hạng mục công trình quan trọng như công sở, điện, đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa... Dù vậy, theo ông Bùi Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã, đến nay kết quả xây dựng NTM của xã mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí. Những tiêu chí còn lại để hoàn thành như giao thông, hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa, trường học... với Mường Chanh là vô cùng khó khăn, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn mà việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân luôn là bài toán chưa có lời giải.
Cũng theo ông Nhân, toàn xã có gần 4.000 dân, trong đó tỷ lệ dân trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60% nhưng trên địa bàn lại chưa có một doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nào để thu hút nguồn lao động trên, dẫn tới nguồn lực này chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động thời vụ, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp để phát triển sản xuất nhưng quỹ đất nông nghiệp lại thiếu, phần lớn là đất lâm nghiệp, đất rừng. Đơn cử như bản Lách với 55 hộ dân thì gần một nửa là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào Khơ Mú. Sau hơn 10 năm bắt tay vào xây dựng NTM, dấu ấn rõ nét nhất với bản này có lẽ chỉ là con đường bê tông dẫn vào bản. Do thiếu đất sản xuất, số diện tích trồng lúa ít ỏi, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp nên đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bản này có tới 27 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nay cũng chưa được di dời để ổn định cuộc sống. Với mục tiêu đến năm 2024, bản Lách sẽ về đích NTM xem ra còn là câu chuyện xa vời nếu như chưa có giải pháp mang tính căn cơ.
Có thể nói, thời gian qua nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã giúp cho xã vùng biên Mường Chanh khởi sắc. Song, nhiều hạng mục công trình được đầu tư còn mang tính chất dàn trải, chưa đồng bộ. Ví như trạm y tế xã, được đầu tư khang trang nhưng các hạng mục đầu tư lại không đồng bộ, thiếu trang thiết bị khám, chữa bệnh, các hạng mục tường rào, khuôn viên, nhà vệ sinh chưa có, dẫn đến không đạt chuẩn. Thực tế các dự án này chủ yếu được đầu tư theo nguồn vốn mà không đầu tư theo tiêu chí đạt chuẩn trong bộ tiêu chí xây dựng NTM dẫn đến các hạng mục, công trình đã đầu tư nhưng xét về tiêu chí vẫn chưa đạt. Chưa kể ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ hàng năm có thể xóa bỏ các tiêu chí như giao thông, hạ tầng cơ sở vật chất... chỉ sau một mùa mưa lũ. “Trận bão lũ đầu tháng 9-2018, xã Mường Chanh từ xã đạt 13 tiêu chí trong xây dựng NTM tụt xuống còn 9 tiêu chí” - ông Nhân dẫn chứng.
Với xã Quang Chiểu, qua rà soát theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, xã đang đạt 6 tiêu chí (năm 2021) tụt xuống còn 5 tiêu chí. Nói về những khó khăn, ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND Quang Chiểu cho rằng: Một số tiêu chí khó như điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở, thu nhập, lao động, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, đòi hỏi nguồn vốn lớn. Riêng tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đang là bài toán khó đối với địa phương. Mặc dù được xem là xã có phong trào xuất khẩu lao động sôi nổi nhưng con số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nhưng nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn, mức thu nhập thấp, thiếu ổn định do địa hình chia cắt, ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
“Đơn cử như bản Xim, bản Mờng, bản Hạm bị chia cắt bởi con suối Xim với khu sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong khi đó, đề án trồng xoan đến thời điểm hiện tại gần như không phát huy hiệu quả. Rõ ràng để nâng cao thu nhập cho người dân thì ngoài việc con em đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động, giải pháp được xem là căn cơ lâu dài là giải quyết được công ăn, việc làm cho nguồn lao động tại chỗ là cốt yếu. Mà để có doanh nghiệp thu hút lao động thì đòi hỏi huyện phải thúc đẩy thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp về đóng trên địa bàn” - ông Thứ chia sẻ.
Sau hơn 10 năm tranh thủ sự ủng hộ, nỗ lực, chương trình xây dựng NTM của huyện Mường Lát đã đạt được những kết quả bước đầu. Bình quân số tiêu chí đạt 6,86 tiêu chí/xã và 17/77 bản được công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2021). Tuy nhiên, nếu áp theo bộ tiêu chí mới được ban hành năm 2022, thì số tiêu chí bình quân của huyện chỉ còn 4,86 tiêu chí/xã. Một số xã bị tụt tiêu chí như: Nhi Sơn từ 9/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Quang Chiểu từ 6/19 tiêu chí năm 2021 còn 5/19 tiêu chí năm 2023; Tam Chung từ 7/19 tiêu chí năm 2021 còn 4/19 tiêu chí năm 2023...
... đến thời cơ
Bên cạnh những khó khăn mang tính chất đặc thù trong xây dựng NTM thì Mường Lát cũng nhận được những sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ. Vào đầu tháng 10-2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng NTM tại huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa”. Hội thảo đã đánh giá thực trạng về kinh tế - xã hội, môi trường và các tiến bộ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang áp dụng tại huyện Mường Lát. Qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, xã hội, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn huyện.
Tại hội thảo, bàn về cơ chế, chính sách hỗ trợ các huyện miền núi đặc biệt khó khăn trong xây dựng NTM, trong đó có huyện Mường Lát, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM cho biết, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương còn lại của Chương trình giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề xuất bổ sung khoảng 405 tỷ đồng (bình quân khoảng 27 tỷ đồng/huyện) cho 11 tỉnh để hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng “trắng” xã NTM, trong đó có huyện Mường Lát. Riêng xã Mường Chanh sẽ được hỗ trợ bổ sung 45 tỷ đồng để tập trung hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu phát triển sản xuất, phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Lát đã đang triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29-9-2022 về Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu chung phấn đấu xây dựng và phát triển huyện Mường Lát trên cơ sở phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, có một số sản phẩm đặc sản; khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; quốc phòng - an ninh được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo.
Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, cho biết: Các chương trình, cơ chế, chính sách, giải pháp trên là thời cơ, vận hội để huyện Mường Lát phát triển. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ xóa “trắng” xã NTM, cũng như không còn xã dưới 15 tiêu chí trong xây dựng NTM thì nội tại huyện Mường Lát hơn lúc nào hết cần phải có một “cuộc cách mạng” thay đổi tư duy, nhận thức trong hành động, việc làm từ lãnh đạo đến người dân, xóa bỏ hoàn toàn tâm lý trông chờ, ỷ lại, phụ thuộc vào chính sách...
Vi Văn Thuân, Trưởng bản Poọng, xã Tam Chung: Quyết tâm, đoàn kết cùng xây dựng NTM
Trận lũ đầu tháng 9-2018 “càn” qua bản Poọng khiến cho có 33 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 42 hộ dân phải di dời khẩn cấp, hàng trăm con trâu, bò, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, vùi lấp... Đau thương trên một phần nguyên nhân cũng bởi thực trạng, tập quán dân cư sinh sống phân tán, gần sông suối. Sau trận lũ, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, 2 khu tái định cư mới được hình thành. Người dân được di chuyển đến sống tập trung, cất dựng những ngôi nhà mới khang trang. Không còn nỗi lo bão lũ, đời sống của người dân dần được ổn định, ruộng nương, giao thông, thủy lợi... cũng từng bước được cải tạo, phục hồi.
Ngay sau ngày bản Poọng được “hồi sinh”, ngoài sự trợ giúp của các cấp chính quyền, bộ đội, các nhà hảo tâm, bà con Nhân dân bản Poọng bắt tay vào xây dựng NTM. Với sự hỗ trợ từ hạ tầng cơ sở khu tái định cư, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của bà con Nhân dân, bản Poọng đã từng bước vượt qua những khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân đầu người của bản là 25 triệu đồng/năm. Hiện, bản Poọng đang chờ thẩm định bản đạt chuẩn NTM.
Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát: Thay đổi tư duy, nhận thức
Chương trình xây dựng NTM của Mường Lát phải khẳng định là hết sức khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, như: xuất phát điểm nền kinh tế của huyện thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, trình độ dân trí hạn chế; các xã trên địa bàn huyện đều là xã nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sinh sống phân tán; thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều, gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho phát triển sản xuất và đời sống Nhân dân; tiêu chuẩn, định mức tiêu chí NTM cao so với điều kiện thực tế của địa phương; việc huy động nội lực từ cộng đồng dân cư và doanh nghiệp rất khó khăn... Song, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân còn chưa đầy đủ về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tính trông chờ, ỷ lại còn cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt; công tác triển khai, tuyên truyền ở một số địa phương còn mang tính hình thức và chưa thường xuyên...
Để khắc phục những hạn chế trên, bên cạnh sự hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh thì các xã phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện chương trình; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM; gắn kết trách nhiệm, vai trò, vị trí giữa Nhà nước, Nhân dân và các lực lượng xã hội. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu rõ nhiệm vụ xây dựng NTM “chủ thể vẫn là người dân”.
Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh: Giải pháp để thoát “trắng” xã NTM
Chương trình xây dựng NTM ở Mường Lát giai đoạn 2021-2025 gồm 2 nhiệm vụ: thứ nhất là, không còn xã dưới 15 tiêu chí; thứ 2 phải có ít nhất 1 xã đạt NTM để xóa “trắng” xã NTM. Theo đánh giá, 2 xã tiềm năng có thể “cán đích” NTM trong giai đoạn này là Mường Chanh và Quang Chiểu. Các xã còn lại rất khó khăn trong việc giải quyết vấn đề không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Nội dung các tiêu chí xây dựng NTM ở Mường Lát được chia thành 2 bình diện: thứ nhất là xây dựng cơ sở vật chất; thứ 2 là giải quyết vấn đề duy trì môi trường sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, lưu giữ nét văn hóa. Vấn đề thứ nhất, xây dựng cơ sở vật chất thì nguồn lực để thực hiện là theo Quyết định 256/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Vốn đầu tư cho Mường Lát tập trung quan tâm cho các xã theo lộ trình về đích NTM. Thứ 2 là giải quyết vấn đề duy trì môi trường sống, nâng cao chất lượng cuộc sống, lưu giữ nét văn hóa thì chính quyền và người dân cùng thực hiện. Các xã cần lựa chọn những nội dung thiết thực, tác động ngay, hiệu quả ngay đến cuộc sống, sản xuất của Nhân dân,... Bên cạnh đó, cần phát huy tốt nội lực và ngoại lực để đưa Mường Lát sớm có xã NTM đầu tiên.
Tôi tin rằng, với sự quan tâm của tỉnh cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể cán bộ, bà con dân tộc anh em trên địa bàn huyện Mường Lát thì 2 nhiệm vụ khó khăn trên sẽ được giải quyết.