Thách thức và sức ép điều hành kinh tế rất lớn, cần ứng biến kịp thời

Thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn. Chúng ta phải theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi thị trường và kinh tế thế giới có 'vạn biến'.

Phát biểu trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề "Ứng biến trong vạn biến" diễn ra chiều nay (6/6).

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024

Nhiều yếu tố để kỳ vọng phục hồi kinh tế

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay từ đầu năm, bất ổn địa chính trị, phân mảnh địa kinh tế đã phức tạp. Các nền kinh tế lớn vẫn bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng chính trị liên quan đến Nga và Ukraine, Trung Đông, dải Gaza, Biển Đỏ…

“Những bất ổn này không chỉ đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, an toàn hàng hải, mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, gây rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với hoạt động kinh tế và việc kiểm soát lạm phát của các nền kinh tế, do gia tăng chi phí logistics, thời gian vận tải và đẩy giá tiêu dùng tăng cao…” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.

Tất cả đã dẫn tới sự phục hồi chậm hơn và không đồng đều của kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính, tiền tệ, dòng đầu tư toàn cầu… cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ. Các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới này đã tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Cụ thể kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Trong 5 tháng qua, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, lần lượt là tăng 16,6%, 15,% và 18,2% so với cùng kỳ; ước xuất siêu hơn 8 tỷ USD... Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân đầu tư công 5 tháng đạt hơn 22,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Đặc biệt, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp).

“Có nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen cả từ bên ngoài và bên trong, để chúng ta có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

“Thách thức và sức ép là rất lớn”

Mặc dù chỉ ra nhiều yếu tố khả quan giúp nền kinh tế có thể phục hồi, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.

“Khó bên ngoài khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn. Với một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài như Việt Nam, điều hành thế nào, ứng biến ra sao trước mỗi biến động của thị trường là điều không đơn giản” - Thứ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, yêu cầu đặt ra lúc này là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”.

Trình bày tham luận tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nêu ra 4 rủi ro, thách thức chính trong năm 2024 - 2025 là xung đột địa chính trị phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Đáng chú ý, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; rủi ro nợ công và nợ tư vẫn cao.

Phân tích các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các động lực tăng trưởng đang phục hồi, dù không đồng đều.

“Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ…) ở mức trung bình, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, góp phần giảm bớt áp lực đối với chính sách tiền tệ. Đồng thời, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm, tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thị trường chứng khoán tăng khá nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường và bất động sản đang dần phục hồi” -TS Cấn Văn Lực đưa ra phân tích.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, các xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng… tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh.

Huyền Phùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thach-thuc-va-suc-ep-dieu-hanh-kinh-te-rat-lon-can-ung-bien-kip-thoi.html