Thách thức với các 'gã khổng lồ' trong lĩnh vực thương mại điện tử

Theo khảo sát mới nhất của International Post Corporation, Mỹ và Trung Quốc đã mất thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử vào tay các quốc gia khác trong những năm gần đây.

Nhân viên đóng gói hàng hóa tại một chi nhánh kho vận của Alibaba ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên đóng gói hàng hóa tại một chi nhánh kho vận của Alibaba ở Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn Amazon (Mỹ) và hãng đối thủ Alibaba (Trung Quốc) vẫn dẫn đầu toàn cầu về thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của tập đoàn dịch vụ bưu chính quốc gia International Post Corporation, Mỹ và Trung Quốc đã mất thị phần trong lĩnh vực thương mại điện tử vào tay các quốc gia khác trong những năm gần đây.

Chia sẻ "miếng bánh" thương mại điện tử xuyên biên giới

Khi được hỏi về nơi mua hàng lần cuối từ trang web bán lẻ nước ngoài, 27% người tiêu dùng đã nêu tên Amazon, trong khi 17% kể tên Alibaba, nơi chủ yếu cung cấp hàng hóa giá rẻ từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Kết quả trên được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát vào tháng 10/2022 đối với 33.009 người tiêu dùng tại 39 quốc gia đã thực hiện ít nhất một giao dịch mua hàng trực tuyến xuyên biên giới trong ba tháng trước đó.

Theo khảo sát, Shein Group Ltd., nhà bán lẻ thời trang nhanh của Trung Quốc, chiếm 6% tổng số lần mua hàng gần đây nhất. Nhà điều hành may mặc trực tuyến Zalando (Đức) chiếm 3%.

Amazon đứng thứ 3 trong Cơ sở Dữ liệu Thị trường Trực tuyến Toàn cầu Digital Commerce 360, bảng xếp hạng tổng giá trị bán hàng. eBay đứng ở vị trí thứ 5, AliExpress ở vị trí thứ 15, Wish ở vị trí thứ 16 và Zalando ở vị trí thứ 24. Shein ở vị trí thứ 36 trong bảng xếp hạng các nhà bán lẻ ở châu Á dựa trên doanh số bán hàng trực tuyến.

Bất chấp sự thể hiện mạnh mẽ của Amazon, các nhà bán lẻ Mỹ nói chung đang mất dần vị thế trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo IPC, doanh nghiệp Mỹ chỉ chiếm 10% giá trị mua hàng trực tuyến xuyên biên giới, giảm so với mức 11% năm 2019 và 15% năm 2016.

Jim Okamura, chuyên gia tại công ty tư vấn bán lẻ McMillanDoolittle và người đồng sáng lập Diễn đàn các nhà lãnh đạo thương mại điện tử toàn cầu, cho rằng đồng USD mạnh khiến hàng hóa sản xuất tại Mỹ đắt hơn trong những năm gần đây. Điều này góp phần vào sự sụt giảm các đơn hàng trực tuyến quốc tế.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử bùng nổ trong thời kỳ dịch COVID-19 đã cung cấp đáng kể sự lựa chọn nội địa đến mức mà người tiêu dùng ít cần phải đặt mua từ nước ngoài một số sản phẩm nhất định.

Doanh nghiệp bán lẻ Trung Quốc chiếm 30% giá trị các đơn mua hàng trực tuyến nước ngoài, giảm so với mức 36% năm 2019, nhưng tăng từ 26% vào năm 2016.

Đức đã đạt được thành công trong thời kỳ đại dịch, khi các doanh nghiệp này chiếm 14% giá trị các đơn hàng xuyên biên giới, tăng so với mức 12% năm 2019. Song, các doanh nghiệp Anh chiếm 10% giá trị đơn hàng, giảm so với mức 13% năm 2019.

Những thay đổi trên cho thấy những khách hàng tại Liên minh châu Âu (EU) mua ít hơn từ Anh sau Brexit, khi khách hàng tại các quốc gia thành viên EU phải trả thêm tiền thuế.

Sự gia tăng lớn nhất là những người mua sắm từ các nước láng giềng: 58% người được khảo sát cho biết họ sẽ mua nhiều hơn từ các trang web bán lẻ từ các nước láng giềng.

Chuyên gia Okamura cho biết ở những quốc gia có thương mại điện tử kém phát triển, người tiêu dùng sẽ tìm đến các quốc gia láng giềng có sức hấp dẫn về mua sắm hơn.

Alibaba và Amazon đối mặt với thách thức

Hoạt động kinh doanh của Alibaba trong năm 2022 đã bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc đóng cửa các thành phố lớn trên khắp đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Alibaba phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như JD.com và Pinduoduo.

Ngoài ra, Alibaba còn chật vật khi Trung Quốc tăng cường giám sát ngành công nghệ, các khoản tiền phạt và đà giảm tốc của nền kinh tế.

Nhân viên làm việc tại một trung tâm phân phối của Amazon tại Moenchengladbach, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên làm việc tại một trung tâm phân phối của Amazon tại Moenchengladbach, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước những khó khăn chồng chất, Alibaba đã cắt giảm chi phí vào đầu năm 2022 và khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này. Đầu năm ngoái, Alibaba đã thông báo một trong những đợt sa thải nhân viên quy mô lớn trong nỗ lực ứng phó với chiến dịch cải cách quy định của chính phủ.

Theo kế hoạch, tập đoàn thương mại điện tử này có thể cắt giảm hơn 15% tổng lực lượng lao động, tương đương khoảng 39.000 nhân viên. Tuy nhiên, trợ giảng tại Đại học New York, Winston Ma, nhận định để quay trở lại con đường tăng trưởng thu nhập, việc tối ưu hóa chi phí là không đủ, Alibaba cần phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới.

Không chỉ Alibaba gặp khó khăn, đối thủ Amazon cho biết lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này có thể giảm xuống 0 trong quý đầu năm 2023, khi khoản tiết kiệm từ việc sa thải không thể bù đắp sự thắt chặt chi tiêu của khách hàng. Mặc dù doanh thu trong kỳ nghỉ lễ của Amazon cao hơn dự báo của Phố Wall, song tập đoàn này dự kiến tăng trưởng doanh số bán hàng trên nền tảng đám mây sẽ chậm lại trong vài quý tới.

Đối mặt với lạm phát cao và nền kinh tế có nhiều bất ổn, Amazon đã hướng tới việc cắt giảm chi phí trên nhiều mảng kinh doanh.

Tháng trước, "gã khổng lồ" trên cho biết sẽ sa thải hơn 18.000 nhân viên, đặc biệt là trong các bộ phận thương mại và nhân sự. Giám đốc Tài chính Brian Olsavsky cho biết khoản bồi thường thôi việc trong quý IV lên tới 640 triệu USD.

Amazon cũng đã thu hẹp hoặc đóng cửa toàn bộ một số dịch vụ và chịu thêm khoản phí 720 triệu USD để đóng cửa hoặc giảm quy mô của một số cửa hàng tạp hóa.

Theo công ty nghiên cứu FactSet, dù cắt giảm chi phí mạnh mẽ, Amazon dự kiến lợi nhuận hoạt động trong quý hiện hành chỉ từ 0-4 tỷ USD, so với 3,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước và 4,04 tỷ USD mà các nhà phân tích dự báo.

2022 đã trở thành một năm tàn khốc đối với các cổ phiếu công nghệ có mức vốn hóa lớn trên toàn cầu và trở thành năm đặc biệt khó khăn đối với Amazon.

Cổ phiếu của “đại gia” thương mại điện tử này kết thúc năm tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ bong bóng dot.com vào cuối thập niên 1990. Giá cổ phiếu của Amazon đã giảm 51% vào năm 2022, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2000, khi tập đoàn chứng kiến mức giảm tới 80%./.

Trà My (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thach-thuc-voi-cac-ga-khong-lo-trong-linh-vuc-thuong-mai-dien-tu/846240.vnp