Thách thức với CH Séc trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu 2022
Cộng hòa Séc đã chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu từ 1/7 bằng một cuộc họp chung giữa các thành viên của Ủy ban châu Âu và Nội các chính phủ của Thủ tướng Petr Fiala.
Đây là lần thứ 2 Séc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (lần đầu tiên là vào vào nửa đầu năm 2009). Sự kiện của Séc đã thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông quốc tế. Một số tờ báo châu Âu nhận định rằng Séc sẽ gặp khó khăn trong nhiệm kỳ Chủ tịch lần này.
Tờ Der Standar của Áo cho rằng, đó sẽ là một nhiệm kỳ trong thời kỳ khủng hoảng, theo đó chính phủ Séc phải phản ứng linh hoạt trước chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine và điều chỉnh các ưu tiên của mình với tình hình mới. Ngoài an ninh năng lượng, củng cố quốc phòng và viện trợ cho quốc gia bị tấn công, người tị nạn cũng sẽ là một chủ đề lớn. Trong đó, vấn đề người tị nạn có thể sẽ làm phức tạp thêm vị thế của Séc trong những tháng tới bởi đây là lĩnh vực mà Séc phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là về hạn ngạch di cư bắt buộc mà EU đã cố gắng thực thi sau cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015.
Tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ cho rằng, chính phủ Séc sẽ phải giải quyết thách thức chi phí sinh hoạt tăng cao do xung đột. Việc tìm kiếm các giải pháp của châu Âu trong lĩnh vực chính sách năng lượng, chẳng hạn dưới hình thức mua chung dầu và khí đốt sẽ là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, theo tờ báo này, trong vai trò mới của mình, Séc có thể được hưởng lợi từ vị trí địa lý và chính trị và đóng vai trò hòa giải công bằng trong các cuộc đàm phán phức tạp, chủ yếu là nhờ mối quan hệ tốt đẹp trong Nhóm Visegrad.
Còn theo tờ Thế giới (Le Monde) của Pháp, nhiệm kỳ của Séc chủ yếu là sự tiếp nối của nhiệm kỳ của Pháp. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là liệu Thủ tướng Petr Fiala có tiếp tục những nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron trong việc tạo ra khái niệm của một "châu Âu rộng lớn hơn" hay không? Trong nhiệm kỳ của Pháp, Tổng thống Macron đã cố gắng để EU mở rộng hợp tác hơn, đặc biệt là với các nước đang tìm kiếm tư cách thành viên.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt đối với Séc là liệu hình thức hợp tác này có phải là một lực cản đối với quá trình mở rộng Liên minh châu Âu hay không. Tờ báo này cho rằng Séc vẫn chưa đạt được tiến bộ trong vấn đề này và nhấn mạnh, nếu một quốc gia thành viên mạnh như Pháp không gây đủ sức ép lên những điểm này thì một Séc nhỏ bé chắc chắn sẽ không thành công. Một lý do khác đó là do Séc không phải là một phần của khu vực đồng euro nên nó không được đại diện trong vòng tròn các quốc gia thanh toán bằng đồng euro.
Thậm chí tờ Dennik của Séc cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào nhiệm kỳ hiện tại khi cho rằng, việc nhiều bộ trưởng chủ chốt không thể giao tiếp bằng tiếng Anh có thể khiến nhiệm kỳ của Séc trở nên khó khăn hơn đáng kể.
Trên thực tế, bản thân chính phủ Séc cũng xác định sẽ gặp nhiều khó khăn khi trong nhiệm kỳ lần này. Trước khi tiếp nhận bàn giao vị trí từ Pháp, Thủ tướng Petr Fiala tuyên bố, nhiệm kỳ của Séc sẽ diễn ra trong một giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời cho biết, đây cũng sẽ là chủ đề sẽ chi phối các chương trình nghị sự của Séc với tư cách là nước chủ tịch.
Mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ Séc chỉ tập trung vào 5 ưu tiên chính cho nhiệm kỳ lần này gồm: Quản lý cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine, an ninh năng lượng, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh mạng, khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế châu Âu và khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ./.