Thái Bình dự kiến cấm biển phòng, chống bão số 3 từ 8 giờ sáng 6/9

Lúc 11 giờ hôm nay, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình thông tin, các kế hoạch cụ thể đã được địa phương triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trước cơn bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rộng, sức gió rất mạnh.

Tàu thuyền của ngư dân xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào nơi tránh trú an toàn.

Tàu thuyền của ngư dân xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào nơi tránh trú an toàn.

Đến 10 giờ sáng 4/9, trên địa bàn có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động làm ăn trên biển, trong đó: đang hoạt động ven biển Thái Bình: 255 phương tiện/682 lao động; đang hoạt động ngoài tỉnh: 41 phương tiện/235 lao động; neo đậu tại các bến trong tỉnh: 674 phương tiện/1.823 lao động và neo đậu ngoài tỉnh: 25 phương tiện/198 lao động.

Về tình hình ngư dân ven sông, trên biển: toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao. Bên cạnh đó, có 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

Ngoài ra, Thái Bình còn có 681 lồng bè trên sông, cửa sông. Nhiều nhất ở huyện Hưng Hà: 275 lồng, Quỳnh Phụ: 213 lồng, còn lại nằm rải rác tại thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, Vũ Thư và Kiến Xương. Trên các cửa sông, Thái Bình còn có khoảng 1.129 bè nuôi hàu (Tiền Hải 1.120 bè, Thái Thụy 9 bè).

Hệ thống lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã được gia cố, che chắn để tránh mưa lớn gây thiệt hại.

Hệ thống lồng bè nuôi thủy sản của các hộ dân ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã được gia cố, che chắn để tránh mưa lớn gây thiệt hại.

Theo phương án sơ tán dân trong nhà yếu và khu vực nguy hiểm, địa phương hiện có 7.990 hộ với 19.021 người sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 37 trọng điểm xung yếu đê, kè, cống (3 trọng điểm cấp tỉnh và 34 trọng điểm cấp huyện), trong đó, có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển. Được biết, các trọng điểm đã được lập, phê duyệt phương án bảo vệ và giao cho các địa phương chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, theo dự báo về diễn biến của bão dự kiến sẽ nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 8 giờ ngày 6/9/2024; bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.

Cùng với đó, di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nhà yếu, nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn; đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Dự kiến các công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 6/9/2024.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cảng cửa khẩu Diêm Điền, tỉnh Thái Bình theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển qua thiết bị hiện đại đặt trên đất liền.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Cảng cửa khẩu Diêm Điền, tỉnh Thái Bình theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển qua thiết bị hiện đại đặt trên đất liền.

Tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch diện tích rau màu, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch đặc biệt là khu vực cửa sông ven biển, khu vực trũng thấp.

Tính đến ngày 3/9,diện tích lúa mùa toàn tỉnh gieo cấy 74.327ha, diện tích đã trỗ bông khoảng 25.000ha đạt 33,6% tổng diện tích gieo cấy. Ngoài ra, diện tích cây màu hè thu đã thu hoạch 4.585ha đạt 53,2% tổng diện tích đã trồng.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-binh-du-kien-cam-bien-phong-chong-bao-so-3-tu-8-gio-sang-69-post828404.html