Thái Bình: Giao thông kết nối tạo đột phá phát triển

Tỉnh Thái Bình xác định ưu tiên xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối vùng duyên hải Bắc Bộ để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực.

Giao thông tạo sức mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc Bộ

Bài 1: Giao thông kết nối vùng - nền tảng phát triển bền vững

Bài 2: Hải Phòng với chiến lược giao thông đi trước mở đường

Bài 3: Thủy Nguyên - thành phố tương lai và kỳ vọng bứt phá

Bài 4: Những công trình giao thông trọng điểm giúp Quảng Ninh "cất cánh"

Bài 5: Thành phố Mỏ bứt phá nhờ giao thông hiện đại

Bài 6: Nam Định: Xóa thế "ốc đảo", thu hút đầu tư

Bài 7: Huyện ven biển từ "thế cụt" giao thông thành "cửa ngõ" kết nối

Giao thông phá thế "ốc đảo"

Những ngày đầu tháng 6, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km đang hối hả thi công trên đoạn tuyến địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu và sự thiếu hụt nguồn cung, đến nay tuyến đường đang từng bước được hoàn thiện.

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra thi công tuyến đường từ TP Thái Bình đi Sa Cao (huyện Vũ Thư).

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra thi công tuyến đường từ TP Thái Bình đi Sa Cao (huyện Vũ Thư).

"Tuyến đường bộ ven biển có vai trò quan trọng kết nối Khu kinh tế Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận, như sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); Hạ Long, Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Nhờ vậy, việc di chuyển, lưu thông hàng hóa từ Thái Bình tới các tỉnh lân cận và xuất khẩu được thuận tiện, nhanh chóng hơn", ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình đánh giá.

Một dự án trọng điểm khác đang được tỉnh Thái Bình quan tâm chỉ đạo triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công là dự án đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình (tuyến đường trục kết nối). Đây là dự án có quy mô lớn, phân bố trải dài 3 huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 2.500 tỷ đồng. Dự án được ưu tiên đầu tư tạo tiền đề xây dựng, hình thành, phát triển Khu kinh tế thời gian tới.

Ngoài 2 công trình trên, tỉnh Thái Bình đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm khác mang tính kết nối để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đón đầu dòng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Ngoài ra, Thái Bình cũng đang triển khai tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn nối với Hải Phòng, hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường tỉnh 454 từ Thái Bình đi cầu Tịnh Xuyên (huyện Hưng Hà) và đi phà Sa Cao (huyện Vũ Thư), đường vành đai phía Nam TP Thái Bình, đường TP Thái Bình đi cồn Vành và một số tuyến giao thông quan trọng khác.

Theo ông Trần Quang Triển, nhận thức rõ vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội "giao thông đi trước mở đường", "đường mở đến đâu, dân giàu đến đó", tỉnh Thái Bình đã sớm có những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, tập trung tối đa nguồn lực để phát triển mạng lưới giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, đặc biệt là các công trình mang tính kết nối vùng.

Sở GTVT Thái Bình cũng đang tham mưu cho tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình mang tính kết nối vùng, liên vùng: Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, CT.08 đoạn qua hai tỉnh Nam Định, Thái Bình để kết nối các tỉnh phía Nam với các tỉnh phía Đông Bắc cũng như các khu đô thị, khu kinh tế ở Thái Bình; tuyến đường bộ ven biển để kết nối các tỉnh ven biển; tuyến đường đường tỉnh 469 (Thái Bình - Cồn Vành) kết nối TP Thái Bình với các khu kinh tế; tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn; đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai phía Nam TP Thái Bình; nghiên cứu đầu tư tuyến đường từ TP Thái Bình đi Hà Nội với thời gian nhanh nhất qua tỉnh Hưng Yên; sớm đầu tư cầu Sa Cao kết nối với tỉnh Nam Định, cầu An Đồng kết nối với tỉnh Hải Dương...

Ngoài ra, Sở đang tham mưu tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình để sớm triển khai đầu tư xây dựng, hình thành khu bến cảng Diêm Điền có thể tiếp nhận tàu cỡ lớn đến 50.000 tấn, có vai trò là cảng vệ tinh cho cảng biển Hải Phòng, phục vụ vận chuyển hàng hóa phát triển khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng mới để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển giao thương, hợp tác làm ăn.

Thái Bình giờ đây không còn là ốc đảo với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển bởi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Ba bài học kinh nghiệm

Nói về bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông để được thành quả như ngày nay, ông Triển cho rằng, đầu tiên phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ GTVT, Sở GTVT các tỉnh, thành lân cận, các sở ban ngành, chính quyền địa phương để tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch về giao thông, xây dựng và quy hoạch tỉnh… Quản lý tốt các đề án, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Thứ hai, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình mang tính kết nối vùng, kết nối các phương thức vận tải. Thực hiện tốt công tác bảo trì hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Thứ ba, phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án, công trình giao thông đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về thẩm định dự án, quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh và Bộ GTVT.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; sự quyết liệt, sáng tạo trong xúc tiến đầu tư cũng như quyết tâm xây dựng các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện đại kết nối đồng bộ, vị thế của khu kinh tế Thái Bình trong mắt các nhà đầu tư ngày càng được nâng lên.

Năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 98.300 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2022; trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng - gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và xếp thứ 5 toàn quốc về vốn thu hút vốn FDI. Riêng Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, trong năm 2023 đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 62 dự án với số vốn đăng ký đầu tư tăng thêm hơn 19.200 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án mới với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm gần 18.400 tỷ đồng, vốn FDI đạt hơn 2,7 tỷ USD.

Tính đến ngày 21/2/2024, toàn tỉnh Thái Bình đã chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt hơn 3.400 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 120 triệu USD. Thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hơn 150 doanh nghiệp, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023 với số vốn đăng ký đạt gần 1.700 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023 và 73 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thai-binh-giao-thong-ket-noi-tao-dot-pha-phat-trien-192240625114210056.htm