Thái Bình hỗ trợ chữa trị cho thanh niên bị cận trước khi tòng quân
Một trong các nét mới của việc kêu gọi thanh niên nhập ngũ năm nay của Thái Bình, đó là thanh niên có độ cận từ 1,5 diop trở lên, không có điều kiện để phẫu thuật, các cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chung tay, góp sức tạo nguồn kinh phí giúp mổ cận cho thanh niên. Qua đó, đảm bảo tốt sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ.
Ngày 25/2, cùng với cả nước, tỉnh Thái Bình tổ chức lễ giao nhận quân, tiễn thanh niên lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2024, Thái Bình được giao tuyển chọn cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng và các quân khu là 2752 tân binh; thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân là 305 tân binh. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình đã phối hợp chăt chẽ với các đơn vị nhận quân, tổ chức thâm nhập, phân loại hồ sơ và xét duyệt tiêu chuẩn chính trị và chốt quân số chặt chẽ.
Trả lời phóng viên VOV, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh Thái Bình cho biết: Năm nay, chất lượng tân binh cao hơn các năm khác cả về chất lượng và số lượng.
PV: Thưa Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 được Hội đồng nghĩa vụ Quân sự tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thế nào?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Với truyền thống của tỉnh Thái Bình “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hằng năm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Quốc phòng và của quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai toàn diện công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ, nắm chắc số nguồn thanh niên, thực hiện các bước sơ khám, khám tuyển ở huyện theo các thông tư, và các quy định của Bộ Quốc phòng. Đến thời điểm này, thanh niên sẵn sàng nhập ngũ đã đảm bảo được số lượng và chất lượng.
Năm 2024, Thái Bình được giao tuyển chọn cho các đơn vị của Bộ Quốc phòng và các quân khu là 2752 đồng chí, thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân là 305 đồng chí. Về các bước, các khâu, quy trình, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Bình đã phối hợp chăt chẽ với các đơn vị nhận quân, tổ chức thâm nhập, phân loại hồ sơ và xét duyệt tiêu chuẩn chính trị và chốt quân số.
Trong năm nay, chất lượng công tác tuyển quân đối với các huyện thành phố cao hơn 2023.
Về chất lượng tuyển chọn năm nay: Tổng số công dân đã nhận lệnh gọi nhập ngũ có tư tưởng tốt 2950, đạt 107% so với chỉ tiêu giao quân. Trong đó, sức khỏe loại 1 là 633 đồng chí, bằng 23% chỉ tiêu giao quân (so với năm 2023 tăng 41 trường hợp). Sức khỏe loại 2 là 1142 đồng chí, bằng 52% chỉ tiêu giao quân (tăng 201 trường hợp so với năm 2023).
Trình độ cao đẳng, đại học là 430 đồng chí, bằng 15,63% (tăng 4,68% so với năm 2023)
Cùng với đó, thanh niên năm nay có nhiều sự chuyển biến trong quá trình nhận thức. Có những gia đình, có hai anh em ruột sinh đôi viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Hội đồng nghĩa vụ Quân sự tỉnh chỉ đạo các đồng chí thường vụ phụ trách các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện các bước trong quy trình tuyển gọi công dân nhập ngũ.
Đối với Thái Bình, hằng năm có sự hỗ trợ cho các thanh niên, gia đình một khoản tiền. Số tiền này tăng lên từ năm 2024 gấp 2,3 lần so với các năm trước. 10 năm trước là 2 triệu đồng, năm 2024 tăng lên 5 triệu đồng/tân binh. Nhìn chung, công tác tuyển dụng công dân nhập ngũ của tỉnh Thái Bình đến thời điểm này đảm bảo chất lượng, cũng như số lượng, và mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng.
PV: Số tiền hỗ trợ như Đại tá nói ở trên thì nguồn đó từ đâu và số tiền này giúp ích gì cho tân binh?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Về các hỗ trợ của các địa phương cho các tân binh lên đường nhập ngũ phụ thuộc nguồn ngân sách các địa phương.
Đối với Thái Bình, nguồn ngân sách còn hạn hẹp, tuy nhiên, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh vẫn quan tâm cho các tân binh và hộ gia đình của các tân binh từ cách đây 10 năm, mỗi cháu 2 triệu đồng/người. Riêng năm 2024 tăng lên 5 triệu đồng/người. Ngoài ra, đối với cấp xã, huyện, các doanh nghiệp cũng như tổ chức chính trị xã hội khác đều có quà bằng tiền mặt hỗ trợ các tân binh, bình quân 7-8 triệu đồng/người, làm sổ tiết kiệm cho các cháu trong khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau này hoàn thành nghĩa vụ, các cháu có vốn học nghề, hoặc đi thực hiện công việc khác.
Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng
PV: Ông có thể thông tin chi tiết hơn về công tác chuẩn bị cho công dân nhập ngũ tại địa phương đến nay được chuẩn bị như thế nào?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Hiện nay, UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức giao nhận quân. Trên cơ sở kế hoạch đó, đã được triển khai cụ thể cho các huyện, thành phố.
Các huyện, thành phố hiện nay đang làm các bước như: tổ chức giao lưu, tặng quà, cấp phát quân trang; các đơn vị nhận quân đã kiểm tra tất cả các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thanh niên nhập ngũ.
Cùng với đó, chuẩn bị địa điểm, các điều kiện, phương tiện, vật tư, vật chất, cũng như ký kết các hợp đồng xe đưa đón thanh niên. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các nghi thức trong QĐND Việt Nam trong lễ giao nhận quân vào 8h ngày 25/2, tức ngày 16 tháng Giêng năm 2024.
PV: Theo phản ánh, hiện nay việc tuyển chọn quân có nhiều khó khăn do lượng học sinh, sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng tương đối lớn. Ở tỉnh Thái Bình có gặp khó khăn đó không, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khắc phục khó khăn đó thế nào?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Về khó khăn chung trong công tác tuyển quân hằng năm, cũng như năm 2024 là việc thanh niên đi làm ăn xa mang tính chất phổ biến. Trong đó, Thái Bình không tránh khỏi nội dung đó.
Để thực hiện nội dung này, trong quy trình tuyển chọn, chúng tôi đã hiệp đồng chặt chẽ với cơ sở, ban quân sự cấp xã, ủy ban, cấp ủy chính quyền, địa phương cấp xã quản lý chặt chẽ số thanh niên này và đã được dự báo sớm.
Đặc biệt, đối với Thái Bình thanh niên đi làm ăn xa, cũng như đi làm ở các xí nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp, và một số khu công nghiệp liên quan đến các tỉnh liền kề tương đối lớn,...Để chuẩn bị công tác này, chúng tôi đã thông báo cho tất cả các đơn vị biết. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tạo điều kiện về mặt thời gian cho thanh niên về khám sức khỏe, cũng như có thời gian chuẩn bị cho các tác tuyển quân.
Không dễ dãi trong công tác tuyển gọi công dân nhập ngũ
PV: Các thanh niên được lựa chọn để tham gia tuyển nghĩa vụ quân sự phải đạt các tiêu chí về sức khỏe, trình độ,...Việc thiếu người có khiến các đơn vị dễ dãi trong tuyển dụng không, thưa ông?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Năm 2024, từ làm tốt quy trình công tác tuyển chọn, ngay từ bước sơ khám, hay khám tuyển ở cấp huyện chúng tôi đã có bước sàng lọc. Như vậy, chúng tôi đã có kiểm soát được ngay từ đầu, trừ trường hợp bất khả kháng. Ví dụ, thanh niên có vấn đề về đi lại mất an toàn giao thông, hoặc phải do một sự cố phải có để tạm hoãn. Liên quan đến việc này, chúng tôi đã có con số và giải pháp dự phòng thay thế kịp thời.
PV: Vậy năm 2024, công tác tuyển chọn công dân nhập ngũ có điểm gì mới so với mọi năm, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: So với các năm khác, năm 2024 công tác tuyên truyền được phổ biến rộng rãi hơn. Đồng thời, nhận thức của thanh niên cũng như các hộ gia đình có thanh niên sẵn sàng nhập ngũ cao hơn. Từ những vấn đề đó, có những gia đình có cả hai anh em đều tham gia.
Cùng với đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các doanh nghiệp, cũng như các nguồn tài trợ khác bảo đảm việc hỗ trợ cho thanh niên, cũng như gia đình thân nhân.
Và một trong các nét mới nữa, đó là thanh niên có độ cận từ 1,5 diop trở lên, không có điều kiện để phẫu thuật. Hiểu được khó khăn này, các cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chung tay, góp sức tạo nguồn kinh phí giúp mổ cận cho thanh niên. Qua đó, đảm bảo tốt sức khỏe cho thanh niên nhập ngũ.
PV: Theo ý kiến đánh giá của ông, tinh thần nhập ngũ của thanh niên hiện này có khác với các năm trước không? Các bạn trẻ có ngại, có sợ nhập ngũ không?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Về tinh thần chung của thanh niên đến thời điểm này cũng có dao động so với năm trước. Những năm trước, thanh niên khi rời khỏi ghế nhà trường, công ăn việc làm còn khó khăn. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển, công ăn việc làm phát triển lên. Chính vì thế, thanh niên khi học xong có nhiều điều kiện để có việc làm. Như vậy, có sự so sánh việc tham gia cơ chế thị trường và tham gia nghĩa vụ quân sự, từ đó ảnh hưởng đến công tác tư tưởng.
Về vấn đề này, chúng tôi phải xác định cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền cho các cháu. Đây là nghĩa vụ, quyền lợi thiêng liêng của thanh niên. Như vậy, thanh niên phải xác định được nghĩa vụ, quyền lợi của mình. Trên cơ sở đó, có sự chuyển biến tích cực, từ chuyển biến tích cực đó, thanh niên cũng xác định được tư tưởng “mình phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thì mới tham gia được các công việc khác".
Và theo như Quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự cũng như các Thông tư của Bộ Quốc phòng, cũng có các điều kiện về miễn hoãn, tạm hoãn phù hợp với điều kiện gia đình trong diện miễn hoãn, tạm hoãn. Còn lại chúng tôi vẫn kiểm soát, tuyên tuyền vận động thanh niên. Đến thời điểm hiện nay, tư tưởng các thanh niên nhập ngũ cơ bản tốt, không có dao động lớn.
PV: Nhân dịp này, đại tá có lời nhắn nhủ gì đến tân binh của tỉnh Thái Bình không?
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ: Hiện nay, ngoài Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là lực lượng chủ công, ban chỉ huy Quân sự thành phố và các huyện, xã đã tham mưu tích cực cho cấp ủy chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện việc thăm hỏi, động viên, nhắn nhủ các thanh niên, và hướng dẫn rất cụ thể. Trong đó, có hướng dẫn về chuẩn bị hồ sơ, sức khỏe an tâm công tác. Cùng với đó, chuẩn bị các vấn đề về mối quan hệ gia đình, làm sao trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình yên tâm công tác, không dao động.
Cùng với đó, các tân binh nên tiến hành bàn giao các công việc ở các doanh nghiệp, công sở, chuẩn bị tốt về quân tư trang, các điều kiện khác,....đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh trường hợp rủi ro xảy ra.
PV: Xin cảm ơn ông!