Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển - Bài 3: Nghị quyết làm thay đổi nông thôn và đời sống nông dân

Với cả nước nói chung, đặc biệt với Thái Bình, nông nghiệp và nông thôn là lĩnh vực, địa bàn rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm qua, Thái Bình đã có cuộc “cách mạng” cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại. “Quê hương 5 tấn” có sự thay đổi lớn về tư duy phát triển nông nghiệp và xuất hiện ngày càng nhiều làng quê như phố.

Sản phẩm, mô hình thực hiện nghị quyết đại hội

Gần 40 năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân, bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, sự chuyển mình về nông nghiệp, nông thôn của địa phương gắn liền với tư duy, tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhất là trong nhiệm kỳ này.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Sở và yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội với mô hình, sản phẩm cụ thể. Bí thư Ngô Đông Hải giao đầu bài: Trên cơ sở chủ trương đã được quyết nghị, trước tiên, Sở phải khảo sát thực tế để xây dựng cho được các mô hình, sản phẩm nông nghiệp cụ thể mang đặc trưng truyền thống, định vị thương hiệu và giá trị kinh tế.

Thu hoạch lúa xuân ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: Trịnh Cường

Thu hoạch lúa xuân ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Phụ. Ảnh: Trịnh Cường

Từ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các tổ công tác xây dựng mô hình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng. Sau khi thẩm tra, Sở đã tham mưu cho các cấp xây dựng đề án và tổ chức xây dựng 18 sản phẩm gạo, 34 mô hình thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh. “Thời điểm năm 2020 trở về trước, để tìm một loại gạo đặc trưng của Thái Bình là không có. Thế nhưng, Thái Bình hôm nay đã có 18 thương hiệu gạo theo chuỗi giá trị, gắn với lịch sử, văn hóa các địa danh cụ thể, mang lại giá trị kinh tế, góp phần làm giàu cho nông dân.

Nhiều loại gạo có tiếng trên thị trường như: Gạo nếp làng Keo (Vũ Thư), gạo làng Giắng (Đông Tân, Đông Hưng), gạo 14-10 (Tây Tiến, Tiền Hải)... Các sản phẩm này còn được đóng gói thành các túi quà, không chỉ làm gia tăng giá trị kinh tế từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg gạo mà còn mang theo giá trị tinh thần, quảng bá về lịch sử, văn hóa “quê lúa”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Bên cạnh 18 sản phẩm gạo, Thái Bình còn chú trọng xây dựng các sản phẩm, mô hình, thương hiệu khác, như: Khu vực trồng mít dai vàng, mô hình xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, các nông dân đại điền, xây dựng 7 chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình cung ứng và thu mua tôm thẻ chân trắng, liên kết chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm ngao...

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm, mô hình trong nông nghiệp, nhiệm kỳ 2020-2025, Thái Bình tập trung chuyển hướng, phát triển nhiều vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung, công nghệ kỹ thuật cao với cùng loại sản phẩm, quy mô hàng trăm héc-ta/vùng, đặc biệt là trồng lúa, duy trì diện tích lúa khoảng 150 nghìn héc-ta/năm. Về chăn nuôi, phát triển mạnh theo hình thức gia trại và trang trại quy mô lớn, phương thức công nghiệp và công nghệ hiện đại. Quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi VietGAHP được áp dụng rộng rãi...

Làng quê như phố - câu chuyện từ Quỳnh Phụ

Dẫn chúng tôi đi tham quan đường 76-đường nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu của xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, đồng chí Nguyễn Hữu Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã giới thiệu rất tự hào: Năm 2021, đúng thời gian giá đất địa phương cao cực điểm lên đến 20 triệu đồng/m2, tuy vậy, chỉ trong một tuần vận động, xã đã kêu gọi được 70 hộ hiến toàn bộ đất, có hộ xẻ cả nhà để hiến cho địa phương mở rộng đường.

Nhờ đó, chỉ trong khoảng 4 tháng, từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán, An Thái đã hoàn thiện được tuyến đường gần 2km. Tuyến đường rộng thênh thang, với hệ thống điện cao áp hai bên chiếu sáng khiến người dân rất vui mừng, phấn khởi. Cũng từ đây, bài học về huy động sức dân của tuyến đường 76 đã trở thành hình mẫu, được nhân rộng ra toàn xã.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, năm 2021, sau khi tiếp nhận chủ trương làm đường của huyện, Đảng ủy xã ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy chi bộ đến đảng viên, UBND xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Quá trình triển khai, An Thái thành lập tổ vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường ở xã và cơ sở. Quá trình vận động, các thành viên tới tận từng nhà để tuyên truyền lợi ích của việc mở đường, lấy sự nêu gương đi trước của cán bộ, đảng viên trong hiến đất làm đường để tạo sức thu hút quần chúng noi gương làm theo.

Với sự đồng thuận, hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của người dân, đường không chỉ nhanh chóng hoàn thành, mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. An Thái rà soát tổng thể các công trình đã xây dựng, tiếp tục cho tu bổ, sửa chữa các công trình bảo đảm đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, An Thái về đích NTM năm 2015, đạt NTM nâng cao vào tháng 10-2023, chưa đầy một năm đến tháng 2-2024 đã chính thức là xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình đạt NTM kiểu mẫu.

Về với Quỳnh Phụ chúng tôi còn được thấy nhiều cách làm sáng tạo khác trong việc huy động sức dân trong xây dựng NTM, điển hình như xã Đồng Tiến. Ở đây, không chỉ có phong trào ưu tiên làm điện, đường, trường, trạm trước, xây trụ sở sau mà còn có nhiều câu chuyện thú vị “hiến hộ, hiến bù” đất làm đường, xây dựng NTM. Đó là, nhiều hộ gia đình mặc dù dự án không đi qua song vẫn tình nguyện hiến hàng trăm, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để UBND xã chuyển giao cho các hộ có diện tích đất hiến.

Điển hình như để làm đường tỉnh ĐT 455 đi qua xã Đồng Tiến có chiều dài 4,1km, gia đình anh Đào Anh Đăng, thôn Quan Đình Nam đã hiến 1.719m2 đất nông nghiệp, gia đình ông Đặng Quang Trung cùng thôn hiến hơn 1.500m2 đất nông nghiệp. “Hiến hộ, hiến bù đất là cách người dân xã Đồng Tiến san sẻ cho nhau, để ai cũng có vinh dự được đóng góp vào công trình chung của xã, cũng là cách để không hộ dân nào bị mất hết tư liệu sản xuất”-đồng chí Phạm Châu Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Với cách hiểu “thiệt bản thân nhưng được lợi cộng đồng, tập thể, xã hội; có con đường mới thì diện mạo quê hương thay đổi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, từ năm 2021 đến nay, huyện Quỳnh Phụ có gần 5.000 hộ hiến hơn 40ha đất ở và đất nông nghiệp với giá trị hơn 500 tỷ đồng để làm đường. Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ Đinh Trọng Xá cho biết, thành quả này tới từ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhất là chủ trương xây dựng nông thôn Thái Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, tháng 7-2021, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Thông báo số 220-TB/HU kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước, không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư. Thông báo 220 đã tạo ra "cú huých" để Quỳnh Phụ có “thương hiệu đi đầu trong hiến đất”, chuyển biến từ tư duy người dân trông chờ có dự án đi qua để được nhận tiền đền bù thành tư duy tự nguyện hiến đất, hiến công trình nhà ở kiên cố để Nhà nước thực hiện dự án.

Dẫn dắt từ nghị quyết, trợ giúp từ cơ chế

Nhìn từ Quỳnh Phụ cho thấy, bài học lớn xuyên suốt trong phong trào xây dựng NTM ở Thái Bình, trước hết là vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Là bài học về lấy sức dân lo cho dân, trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò hỗ trợ thiết thực. Đặc biệt là bài học sát sườn có tính lôi cuốn, thuyết phục nhất là nói đi đôi với làm, hiệu quả rõ ràng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong xây dựng NTM, Thái Bình là tỉnh đi tiên phong trong cả nước với cách làm sáng tạo, trở thành hình mẫu để Trung ương vận dụng triển khai trên diện rộng.

Xác định xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình. Trong đó, Nghị quyết số 01-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 01) là nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giai đoạn 2021-2023, tỉnh Thái Bình đã huy động tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình NTM đạt hơn 3.395 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân đóng góp 843 tỷ đồng, chiếm 24,82%. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, Thái Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đặc biệt, đã có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong toàn tỉnh; đồng thời đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Toàn tỉnh có 187 xã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt với 1.467,161km đèn điện “thắp sáng đường quê”, các địa phương đã lắp đặt được 888,942km; toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Thái Bình những ngày này vẫn sôi động phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mới với nhiều cách làm mới, năng động, quyết liệt dưới sự dẫn dắt, trợ giúp của các nghị quyết, cơ chế. Thái Bình tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có hơn 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. NTM đã, đang và sẽ tạo nên những bức tranh nông thôn tươi sáng ở vùng quê Thái Bình.

(còn nữa)

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thai-binh-va-nhung-nghi-quyet-mo-duong-phat-trien-bai-3-nghi-quyet-lam-thay-doi-nong-thon-va-doi-song-nong-dan-798536