Thái hậu đầu tiên của Trung Hoa: Không đắc sủng, bị tỷ muội phản bội
Sau khi được sủng hạnh, bà đã nhỏ to với Hoàng đế về giấc chiêm bao đêm qua. Nào ngờ, đây lại là chìa khóa giúp bà đạt được vinh hoa ngất trời.
Bạc Cơ (không rõ năm sinh - 155 TCN), còn được gọi là Bạc phu nhân, là một trong những thị thiếp của Hán Cao Tổ Lưu Bang, sinh mẫu của Hán Văn đế Lưu Hằng, tổ mẫu của Hán Cảnh đế Lưu Khải và Quán Đào Trưởng Công chúa, tằng tổ mẫu của Hán Vũ đế Lưu Triệt.
Bạc Cơ vốn là phi tử của Ngụy Vương Báo. Có lần, bà được một thầy bói gieo quẻ phán rằng sẽ “sinh ra thiên tử”. Ngụy Vương Báo khi biết tin liền cho rằng mình chính là “cha của thiên tử” nên quyết định không giao tranh với Lưu Bang nữa, kết quả bị Lưu Bang tiêu diệt. Sau khi Ngụy Vương Báo qua đời thì Lưu Bang nạp bà làm thiếp.
Tuy có nhan sắc nhưng suốt một năm trời, Bạc Cơ không hề được sủng hạnh. Trong số những thị thiếp của Ngụy Vương Báo bị đem nhập vào hậu cung của Hán Cao Tổ còn có Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi; Bạc Cơ cùng 2 người họ kết nghĩa tỷ muội và hứa hẹn với nhau rằng người nào nhận được ân sủng thì đừng quên những người còn lại. Cả Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi lần lượt được Hán Cao Tổ sủng hạnh nhưng lại bỏ mặc Bạc Cơ.
Ảnh minh họa.
Đến năm thứ 4, Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi đang hầu hạ Hán Cao Tổ ở Linh đài, trong lúc trò chuyện đã giễu cợt về lời ước hẹn năm xưa của Bạc Cơ, Hán Cao Tổ hỏi rõ sự tình mới biết chuyện, cảm thấy tội nghiệp nên đêm đó liền gọi Bạc Cơ đến sủng hạnh. Bạc Cơ nhỏ to với Hán Cao Tổ rằng: ”Đêm trước, thiếp mơ thấy có một con thương long ở trên bụng”.
Hán Cao Tổ vui mừng bảo đó là điềm lành hiển quý, ông sẽ giúp bà biến giấc mơ thành hiện thực. Sau khi được sủng hạnh, Bạc Cơ lập tức hoài thai, sinh hạ thứ tử Lưu Hằng, năm Lưu Hằng 8 tuổi được phong làm Đại vương.
Từ lúc sinh ra Lưu Hằng, Bạc Cơ không còn được Hán Cao Tổ triệu hạnh nữa. Trong số những thị thiếp được Hán Cao Tổ sủng ái thì Thích phu nhân là người nhận được nhiều ân sủng nhất nên ỷ sủng sinh kiêu, những người thị thiếp khác cũng a dua hùa theo phe bà, khiến Lữ hoàng hậu gai mắt. Sau khi Hán Cao Tổ băng hà, Thái tử Lưu Doanh con trai của Lữ hậu lên ngôi, hiệu là Hán Huệ đế.
Lữ thị trở thành Thái hậu bắt đầu chèn ép những phi tần từng được tiên đế sủng ái, cấm họ ra ngoài cung cũng như cấm họ về đất phong của con trai họ, đặc biệt là Thích phu nhân người mà Lữ Thái hậu ghét nhất. Năm 194 TCN, Thích phu nhân bị Lữ Thái hậu ra lệnh giết rất tàn bạo. Sau đó Lữ Thái hậu còn bức hại nhiều Hoàng tử con của Cao Tổ như Lưu Như Ý, Lưu Hiển, Lưu Khôi.
Còn Bạc Cơ vốn không được sủng, địa vị không cao lại không tạo ấn tượng sâu đậm trong mắt Lữ Thái hậu. Bạc Cơ vì muốn né tránh mọi mâu thuẫn nên đã cầu xin được ra khỏi cung và về đất phong của con trai Lưu Hằng, được Thái hậu chấp thuận cho xuất cung, nhờ thế mà bình an yên ổn. Ở đất phong của con trai, tức Đại quốc, Bạc Cơ trở thành Đại Vương Thái hậu, sống hưởng phước con cháu đầy đàn.
Sau khi Hán Huệ đế và Lữ Thái hậu lần lượt qua đời, các quan trong triều lật đổ sự thống trị của gia tộc họ Lữ, bàn bạc xem nên đưa người con trai nào của Hán Cao Tổ lên ngôi, và cân nhắc đến cả vấn đề mẫu tộc của Tân đế không nên quá quyền lực để tránh tình trạng ngoại thích tiếm quyền tiếp tục tái diễn như thời Lữ Thái hậu, suy xét một hồi thì họ thấy Đại vương Lưu Hằng, con trai của Bạc Cơ là người phù hợp nhất.
Lưu Hằng lên ngôi, lấy hiệu Hán Văn đế, tôn phong mẫu thân làm Hoàng Thái hậu. Bạc Thái hậu chọn một đứa cháu trong gia tộc gả làm chính thất cho đứa cháu nội của bà, tức Thái tử Lưu Khải. Hán Văn đế băng hà, Thái tử Lưu Khải lên ngôi, lấy hiệu Hán Cảnh đế, tôn phong tổ mẫu làm Thái Hoàng Thái hậu. Bạc Cơ là người đầu tiên được phong làm Thái Hoàng Thái hậu trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 155 TCN, Bạc Cơ qua đời. Thời nhà Hán chỉ có chính thất Hoàng hậu mới được phép hợp táng cùng Hoàng đế, còn phi tần thì không được và dù vị phi tần đó có là sinh mẫu của Hoàng đế thì sau khi qua đời cũng không được truy phong làm Hoàng hậu.
Thế nên Bạc Cơ chỉ được gọi là Bạc Thái hậu hoặc Văn đế Thái hậu, được an táng ở Bạc lăng, thuộc Bá lăng - nơi chôn cất của người con trai bà là Hán Văn đế. Đến thời Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, Bạc Cơ được truy tôn làm Cao Hoàng hậu, được hợp táng cùng Hán Cao Tổ trong Trường lăng, còn mộ của Lữ Thái hậu bị dời khỏi Trường lăng.