Thai kỳ và bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, không loại trừ khả năng có ĐTĐ từ trước mà chưa được chẩn đoán.
Ngày nay, ĐTĐ thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng do sự gia tăng tỷ lệ béo phì, ĐTĐ type 2 ở người trẻ và đề kháng insulin trong hội chứng buồng trứng đa nang. Hiện, ước tính có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị bệnh ĐTĐ thai kỳ và thường gặp ở 3 tháng giữa của thai kỳ.
Thời điểm nào cần tầm soát ĐTĐ thai kỳ?
Đối với những thai phụ có yếu tố nguy có cao: Tuổi trên 35, béo phì, có tiền sử bị ĐTĐ thai kỳ, sinh con to hơn 4kg, buồng trứng đa nang, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, có tiền sử gia đình bị ĐTĐ, đường niệu (+) thì nên được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh ĐTĐ thai kỳ từ lần khám thai đầu tiên. Nếu xét nghiệm ở 3 tháng đầu của thai kỳ thì áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như người bình thường (bỏ tiêu chuẩn về HbA1C).
Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ cho tất cả các thai phụ chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó.
Thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán ĐTĐ thực sự (bền vững) đối với thai phụ có ĐTĐ thai kỳ sau khi sinh từ 4-12 tuần (áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như người bình thường).
Ở phụ nữ có ĐTĐ thai kỳ nên xét nghiệm để phát hiện sự tiến triển của ĐTĐ hay tiền ĐTĐ ít nhất mỗi 3 năm/lần.
Những nguy cơ
Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường huyết thì thai nhi có nguy cơ cao bị mắc các dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ này là 6-12% ở các bà mẹ không được kiểm soát đường huyết tốt. Các dị tật có thể gặp phải: Dị tật ở hệ thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo), nhưng phổ biến nhất là các dị tật tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)... Ngoài ra thai nhi còn phải đối mặt với thai to trên 4kg hoặc thai kém phát triển, đa ối, sẩy thai hoặc thai chết lưu.
Cần làm gì?
Các bệnh nhân này phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi. Đường huyết lúc đói < 5,8 mmo/l, đường huyết 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2 mmol/l. Không nên để mức đường huyết lúc đói thấp < 3,4 mmol/l.
Tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Tổng số năng lượng mỗi ngày là 30Kcal/kg. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg/mỗi tháng trong quý đầu, 0,2-0,35kg/mỗi tuần trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ.
Tổng số năng lượng trong cả ngày nên chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn quá nhiều carbon hydrat vào bữa sáng.
Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần đo đường huyết 4-6 lần/ngày (vào trước bữa ăn, 2 giờ sau ăn và trước khi đi ngủ). Cần liên hệ với bác sĩ ngay khi đường huyết cao hoặc thấp hơn bình thường.
Tóm lại, những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao cần được tầm soát bệnh ĐTĐ thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên, những thai phụ chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó cần được tầm soát ĐTĐ thai kỳ từ tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Những bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần đươc kiểm soát đường huyết chặt chẽ và theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi để phát hiện sớm, kịp thời những biến chứng để có những biện pháp can thiệp thích hợp, hiệu quả.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thai-ky-va-benh-dai-thao-duong-n181204.html