Thái Lan: 6 đề xuất chính sách phát triển ngành thực phẩm thuần chay

Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại (TPSO) và Quỹ Viện nghiên cứu chính sách tài chính của Thái Lan đã đề xuất 6 chính sách quan trọng để phát triển ngành sản xuất thực phẩm thuần chay.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Văn phòng chiến lược và chính sách thương mại (TPSO) và Quỹ Viện nghiên cứu chính sách tài chính của Thái Lan đã hợp tác triển khai dự án nghiên cứu phát triển ngành thực phẩm thuần chay ở nước này. Theo đó, 6 chính sách quan trọng đã được đề xuất khuyến nghị như sau:

Thứ nhất là sản xuất và chế biến, bao gồm việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật chất lượng cao, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan liên quan.

Thứ hai liên quan đến tiếp thị, theo đó tiến hành mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật thông qua các sáng kiến tiếp thị và du lịch có mục tiêu; tăng cường khả năng tiếp cận của người tiêu dùng và thúc đẩy du lịch về nông nghiệp bền vững.

Thứ ba là về nghiên cứu, công nghệ và đổi mới, bao gồm nỗ lực định vị Thái Lan là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về nghiên cứu và phát triển thực phẩm thuần chay bằng cách đầu tư vào đổi mới và phổ biến kiến thức.

Chính sách thứ tư liên quan việc thiết lập cơ sở dữ liệu toàn diện về nông sản, thực phẩm có nguồn gốc thực vật, qua đó xây dựng và hoạch định chính sách hiệu quả phù hợp từng địa phương và chuỗi cung ứng.

Chính sách thứ năm về đầu tư, theo đó khuyến khích đầu tư trong nước vào ngành thực phẩm có nguồn gốc thực vật để nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và tính bền vững; thúc đẩy cơ sở hạ tầng số và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng là chính sách pháp luật, theo đó rà soát cập nhật quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông sản, thực phẩm có nguồn gốc thực vật đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu thị trường.

Giám đốc TPSO Poonpong Naiyanapakorn cho biết cơ quan này đã xây dựng lộ trình đồng thời vạch ra các mục tiêu ngắn, trung và dài hạn phù hợp với các khuyến nghị chính sách nói trên. Lộ trình này sẽ giúp chính phủ và các bên liên quan định hướng nỗ lực của họ trong việc biến Thái Lan thành trung tâm lương thực toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững.

Đỗ Sinh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-6-de-xuat-chinh-sach-phat-trien-nganh-thuc-pham-thuan-chay/345566.html