Thái Lan cảnh báo về các khu phức hợp lừa đảo quy mô lớn tại Myanmar
Ngày 21/2, theo tờ The Guardian, Chính quyền Thái Lan cảnh báo rằng hàng chục nghìn người có thể đang bị giam giữ trong các khu phức hợp lừa đảo bất hợp pháp tại Myanmar, đặc biệt là khu vực giáp biên giới Thái Lan.

Thành phố Shwe Kokko ở Myanmar được cho là điểm nóng của các trung tâm lừa đảo, nơi hàng chục nghìn người có thể đang bị giam giữ. Ảnh: The Guardian
Các trung tâm này do các băng nhóm tội phạm điều hành và bị cáo buộc liên quan đến hoạt động buôn người và lừa đảo xuyên quốc gia.
Theo Tướng Thatchai Pitaneelaboot - Giám đốc Trung tâm Chống Buôn người Thái Lan, có khoảng 30 đến 40 băng nhóm tội phạm Trung Quốc đang vận hành các khu phức hợp này. Số lượng người bị giam giữ có thể dao động từ 30.000 đến 50.000, thậm chí lên tới 100.000 người, trong đó phần lớn là công dân Trung Quốc.
Nhằm đối phó với tình trạng này, Thái Lan đã phát động chiến dịch mạnh mẽ nhằm cắt đứt nguồn cung cấp điện, nhiên liệu và viễn thông xuyên biên giới để làm gián đoạn hoạt động của các trung tâm lừa đảo. Kể từ ngày 4/2, nước này đã ngừng cung cấp điện và internet tại năm địa điểm bên trong Myanmar, nơi được xác định là trung tâm của các tổ chức tội phạm.
Chiến dịch trấn áp diễn ra sau khi một số nhóm vũ trang Myanmar giải cứu và trao trả hàng trăm người bị ép buộc làm việc trong các trung tâm lừa đảo. Tuần trước, một nhóm vũ trang Myanmar đã bàn giao 260 nhân viên của các tổ chức này, trong đó có công dân từ Philippines, Ethiopia, Brazil, Nepal và Thái Lan. Những người được giải cứu sẽ được đưa về Thái Lan để xác minh danh tính và phân loại. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành sàng lọc để xác định ai là nạn nhân của nạn buôn người và ai có thể đã tham gia vào hoạt động lừa đảo. Những người Trung Quốc bị hồi hương sẽ được xử lý tại nước họ.
Theo Liên hợp quốc, hàng trăm nghìn người đã bị buôn bán vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Myanmar, Campuchia và Lào, qua các chiêu trò tuyển dụng giả mạo. Nhiều người bị dụ dỗ bởi lời hứa về công việc văn phòng có thu nhập cao, nhưng khi đến nơi họ bị ép buộc thực hiện các hoạt động lừa đảo trực tuyến nhắm vào nạn nhân trên toàn cầu. Viện Hòa bình Mỹ ước tính những tổ chức lừa đảo này mang lại lợi nhuận lên tới 63,9 tỷ USD mỗi năm, trong đó Myanmar, Campuchia và Lào chiếm 39 tỷ USD.
Nhiều người bị giam giữ trong các khu phức hợp cho biết họ phải chịu đựng bạo lực, như bị đánh đập, tra tấn bằng điện và quản thúc nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo Tướng Thatchai, không phải tất cả những người làm việc tại đây đều là nạn nhân. Một số tự nguyện tham gia để kiếm lợi nhuận, trong khi những người khác bị ép buộc làm việc dưới sự kiểm soát của các băng nhóm tội phạm. Những tổ chức này thường trả tiền vé, chi phí sinh hoạt cho người lao động, sau đó ép buộc họ làm việc để hoàn vốn.
Chiến dịch trấn áp của Thái Lan được đẩy mạnh sau vụ mất tích gây chấn động của nam diễn viên Trung Quốc Wang Xing, 22 tuổi. Anh này đến Thái Lan vì tin rằng mình được mời tham gia một dự án phim nhưng sau đó bị đưa qua biên giới và buộc làm việc trong một trung tâm lừa đảo tại Myanmar. Sau hơn một tháng mất tích, Vương Hưng được tìm thấy vào tháng 1 với mái đầu cạo trọc.
Vụ việc đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận Trung Quốc và gây lo ngại tại Thái Lan, quốc gia phụ thuộc vào du lịch, đặc biệt là lượng khách từ Trung Quốc. Chính quyền Bangkok lo ngại rằng các vụ buôn người có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và tác động tiêu cực đến ngành du lịch.
Thái Lan hiện đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hồi hương những người bị mắc kẹt tại Myanmar. Một số quốc gia chưa cam kết hỗ trợ tài chính cho quá trình này, khiến gánh nặng chủ yếu dồn lên chính phủ Thái Lan.
Trung Quốc đang tích cực phối hợp với Thái Lan để xử lý công dân của mình có liên quan đến các tổ chức tội phạm tại Myanmar. Trợ lý Bộ trưởng An ninh Công cộng Trung Quốc, ông Liu Zhongyi, đã có các chuyến thăm tới Bangkok và khu vực biên giới để giám sát quá trình hồi hương.
Cuộc chiến chống các trung tâm lừa đảo tại Myanmar và Đông Nam Á vẫn đang tiếp diễn với sự phối hợp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc xóa sổ hoàn toàn những tổ chức này sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là trong việc cải thiện thực thi pháp luật và kiểm soát biên giới khu vực.