Thái Lan cắt điện cung cấp cho Myanmar để đối phó các trung tâm lừa đảo 'việc nhẹ lương cao'
Trong một động thái gây chú ý cho truyền thông quốc tế, Thái Lan đã cắt điện tại một số khu vực ở Myanmar vào ngày 4/2, nơi 'đóng đô' của các cơ sở nằm ở trung tâm của 'ngành công nghiệp' lừa đảo trực tuyến toàn cầu trị giá hàng tỷ đô la.
CNN đưa tin, tính đến chiều 4/2, ít nhất một trong những khu phức hợp lừa đảo vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên, không rõ liệu việc cắt điện có ảnh hưởng đến các hoạt động của các cơ sở vận hành các trang web lừa đảo trực tuyến khác trong khu vực hay không.
Các mạng lưới lừa đảo trực tuyến, nhiều cơ sở trong số đó do các tổ chức tội phạm Trung Quốc điều hành đã phát triển mạnh ở Myanmar, nơi đã bị chia rẽ bởi một cuộc nội chiến đẫm máu kể từ khi quân đội nắm quyền vào năm 2021.
'Việc nhẹ lương cao'
Thường bị dụ dỗ bởi lời hứa về những công việc được trả lương cao hoặc các cơ hội hấp dẫn khác, những người lao động thường xuyên bị bắt giữ trái ý muốn và bị buộc phải thực hiện các kế hoạch lừa đảo trực tuyến trong các khu phức hợp được canh gác nghiêm ngặt, nơi những người từng bị giam giữ cho biết việc đánh đập và tra tấn là chuyện thường xuyên xảy ra.
Để đối phó vấn nạn này, hôm 4/2 Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan Anutin Charnvirakul đã đi thăm một trạm kiểm soát lưới điện quốc gia, trong lúc chứng kiến nhân viên ngắt cầu giao nguồn cung cấp cho năm địa điểm bên kia biên giới, trong một sự kiện được phát trực tiếp trên truyền hình.
Thái Lan "đã ngừng cung cấp điện cho Myanmar tại năm địa điểm dựa trên quyết định của Hội đồng An ninh quốc gia" - ông nói với các phóng viên.
"Việc cung cấp điện không bị dừng lại vì các công ty vi phạm hợp đồng, mà vì điện đang bị sử dụng sai mục đích cho các vụ lừa đảo, ma túy và lừa gạt qua tổng đài" - ông nói với các phóng viên.
Một trong những địa điểm bị cắt điện là thị trấn Myawaddy, nằm trên bờ sông chia cắt Thái Lan và Myanmar, và gần một số khu phức hợp lừa đảo lớn nhất mà các tổ chức phi chính phủ cho biết là nơi ở của hàng nghìn công nhân. Một số khu phức hợp nằm gần biên giới, nơi họ có thể tận dụng các dịch vụ điện và viễn thông đáng tin cậy hơn từ Thái Lan.
Sở dĩ Thái Lan mạnh tay trấn áp các địa điểm lừa đảo này là vì sự việc diễn ra vào tháng trước khi một diễn viên Trung Quốc có tên Vương Tinh, sau khi bay đến Bangkok để tham gia buổi tuyển diễn viên phim, đã bị đón tại sân bay và chở qua biên giới vào Myanmar và bị buộc phải làm việc tại một trung tâm lừa đảo ở đó.
Mạnh tay trấn áp
Sau vụ việc của diễn viên Vương Tinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 4/2 rằng Bắc Kinh "rất quan ngại" về các vụ việc gần đây liên quan đến những kẻ lừa đảo trực tuyến "tại biên giới Thái Lan-Myanmar".
Theo những cựu nhân viên từng được CNN phỏng vấn trước đây, các tổ hợp lừa đảo này hoạt động giống như các thành phố thu nhỏ, với các nhà hàng, cửa hàng tạp hóa và thậm chí cả các trung tâm chăm sóc trẻ em. Bên cạnh các hoạt động lừa đảo, các cơ sở vận hành những trang web lừa đảo trực tuyến này còn cung cấp bất động sản cho dịch vụ cờ bạc và mại dâm.
Chỉ riêng bang Myawaddy là nơi có khoảng 6.500 nạn nhân từ 23 quốc gia bị giam giữ dưới sự cưỡng bức trong các khu phức hợp lừa đảo, bao gồm khoảng 4.500 công dân Trung Quốc, theo ước tính của Mạng lưới xã hội dân sự hỗ trợ nạn nhân buôn người, một tổ chức phi chính phủ của Thái Lan đấu tranh chống nạn buôn người.
Thái Lan trước đây đã cắt nguồn cung cấp điện cho các địa điểm lừa đảo gần biên giới với Myanmar trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không rõ liệu những lần cắt điện trước đó có ảnh hưởng gì đến các hoạt động bất hợp pháp hay không.
Trong trường hợp bị cắt điện, các ông chủ khu phức hợp có thể chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel để cung cấp điện và hệ thống vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk - được nhiều nhóm phiến quân dân tộc khác nhau ở Myanmar sử dụng để kết nối internet.